Động vật hoang dã: Chưa kịp bảo tồn, đã… thanh lý

Năm 2006, cả nước có 300 con tê tê bị thu giữ từ các vụ vận chuyển trái phép động vật hoang dã, nhưng chỉ cứu hộ được 3 cá thể…

Theo ông Nguyễn Văn Thái, cán bộ quản lý Chương trình bảo tồn Tê tê Châu Á, năm 2006, cả nước có trên 300 cá thể Tê tê bị thu giữ từ các vụ vận chuyển trái phép động vật hoang dã, nhưng số cá thể mà Chương trình cứu hộ chỉ vẻn vẹn có 3.

Tính từ tháng 10/2005 đến tháng 12/2006, Chương trình chỉ cứu hộ thành công 2/3 con Tê tê (Manis Javanica) được chuyển giao đến. Mặc dù trên thực tế, số cá thể Tê tê bị thu giữ tại các Chi cục Kiểm lâm cần được cứu hộ và bảo tồn rất lớn.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên là do sự hợp tác thiếu chặt chẽ của các Chi cục Kiểm lâm với các cơ quan chức năng khác.

Thực tế, số Tê tê trong các vụ bắt giữ phần lớn rơi vào tình trạng ốm yếu, song trong thời gian chờ quyết định của UBND tỉnh xử lý, lực lượng Kiểm lâm thường không thông báo cho Chương trình để có phương án trợ giúp.

Ngày 4/11/06, Công an và Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Thanh Hoá đã bắt và tịch thu được 72 cá thể Tê tê nặng 270 kg. Khi nhận được tin này, Chương trình giám sát nạn săn bắt và buôn bán động vật hoang dã tại VN (WCS) đã chủ động liên hệ với đơn vị thu giữ để cứu hộ, nhưng nhận được thông báo số Tê tê này “đã thanh lý”.

Chương trình bảo tồn Tê tê châu Á được hợp tác giữa vườn Quốc gia Cúc Phương nằm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và vườn thú Newquay (Vương quốc Anh), nhằm bảo tồn và cứu hộ loài động vật quý hiếm này.

Đây không chỉ là khó khăn của Chương trình bảo tồn Tê tê, mà việc cứu hộ các loài Linh trưởng và Rùa tại vườn Quốc gia Cúc Phương cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Đến nay, Chương trình bảo tồn Tê tê châu Á tại Cúc Phương cũng chưa có biện pháp khả thi đảm bảo thức ăn cho loài vật này trong quá trình cứu hộ.

Tuy vậy, Chương trình vẫn được đánh giá là điểm thứ hai trên thế giới cứu hộ thành công loài Tê tê, sau vườn thú Taipai Zoo (Đài Loan).

Tê tê, còn gọi là con trút, là một loại động vật hoang dã sống ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn bán trái phép tê tê. Vào sáng 21/9/06, tổ Cảnh sát giao thông (CSGT) trạm Quán Trữ, Phòng CSGT bộ-sắt, CATP Hải Phòng đã kiểm tra 3 xe ôtô, phát hiện khoảng 500 kg tê tê hoang dã. Gần 2 tháng sau, ngày 20/11/06, CQĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn tất hồ sơ ban đầu cùng tang vật thu giữ gần 300 kg tê tê do hàng chục chiếc xe máy chở hơn 300 kg tê tê từ Hương Sơn sang Đức Thọ (Hà Tĩnh).

Trước đó, trong năm 2005, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài đã phát hiện 9 vụ vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã và sản phẩm của động vật hoang dã, thu giữ 471 con Kỳ đà, 4.159 con Rùa (gồm 05 loại), 706 con tê tê, 711 con Ba ba, 41 kg sừng Tê giác.

Trong khi đó, theo nghiên cứu của TS. Nguyễn Văn Song, Đại học Nông nghiệp I (Hà Nội), tổng doanh thu hàng năm do hiện tượng buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã mang lại ước tính 66,5 triệu USD trong đó 21 triệu USD tiền lãi.

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng, số lượng động vật sống và thịt tiêu thụ nội địa và qua biên giới bị phát hiện bắt giữ bình quân từ năm 1997 đến năm 2002 mới chỉ bằng 3,1% so với thực tế. Loại động vật hoang dã đắt nhất trên thị trường hiện nay là rùa vàng, giá khoảng 40 triệu đồng/1 kg, loài rùa này hầu như đã bị tuyệt chủng ở VN…

Lợi nhuận là nguyên nhân chính khiến các tay buôn bán và săn bắt động vật hoang dã tăng cường săn lùng, tìm kiếm và bất chấp pháp luật.