“Điện hạt nhân, không vội được đâu!”

ThienNhien.Net – “Theo tôi Việt Nam cần tham vấn kỹ lưỡng với IAEA và không nên vội vàng, gấp gáp vì đây là dự án rất lớn so với một quốc gia mới phát triển điện hạt nhân như Việt Nam”.

“Theo tôi Việt Nam cần tham vấn kỹ lưỡng với IAEA và không nên vội vàng, gấp gáp vì đây là dự án rất lớn so với một quốc gia mới phát triển điện hạt nhân như Việt Nam” – ông Yukiya Amano (ảnh) – Tổng Giám đốc IAEA phát biểu tại cuộc họp báo ngày 9.1 tại Hà Nội khi nói về Dự án xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận I.

Ông Yukiya Amano - Tổng Giám đốc IAEA
Ông Yukiya Amano – Tổng Giám đốc IAEA

Phải đảm bảo an toàn tốt nhất

Việt Nam đang có kế hoạch xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Tuy nhiên, vì Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên người dân tỏ ra lo ngại. Thưa ông, IAEA có lời khuyên và kế hoạch gì giúp Việt Nam phát triển điện hạt nhân?

– Hiện nay trên thế giới có khoảng 30 quốc gia đang sử dụng điện hạt nhân, ngoài ra không chỉ Việt Nam mà một số quốc gia khác cũng đang muốn phát triển điện hạt nhân. Không chỉ các quốc gia phát triển mà các quốc gia đang phát triển cũng có quyền được tiếp cận với điện hạt nhân, vì vậy IAEA sẽ sẵn sàng hỗ trợ giúp đỡ các quốc gia trong việc phát triển điện hạt nhân. IAEA đã từng giúp các quốc gia này phát triển điện hạt nhân an toàn, an ninh và bền vững.
Riêng Việt Nam cũng đã tham vấn IAEA ngay từ khi bắt đầu có ý định phát triển điện hạt nhân và IAEA cũng cam kết giúp đỡ Việt Nam. Trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc này như tham gia công ước quốc tế, đào tạo con người, xây dựng báo cáo khả thi. Tuy nhiên, dự án điện hạt nhân mang tính lâu dài, phức tạp và Việt Nam còn nhiều việc phải làm.

Tôi đã thấy sự cam kết vững chắc của lãnh đạo Việt Nam về điều này và bản thân IAEA khẳng định rằng, chúng tôi sẽ làm mọi thứ để giúp Việt Nam xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận thành công.

Còn việc đào tạo con người rất quan trọng, trong cuộc gặp với phía Việt Nam, các bạn đã nhấn mạnh đến việc xây dựng và tăng cường năng lực. Theo tôi đây là hướng đi rất đúng vì nhiều quốc gia khác cũng đang phát triển điện hạt nhân.

Xin ông cho biết chi tiết kế hoạch trợ giúp của IAEA để Việt Nam phát triển điện hạt nhân?

– Một trong những hoạt động giúp đỡ của IAEA với Việt Nam là cử đoàn công tác để đánh giá. IAEA đã từng mời các chuyên gia hàng đầu thế giới tới quốc gia có yêu cầu phát triển điện hạt nhân để thảo luận về các vấn đề ví dụ như phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân. Với Việt Nam thông qua việc cử đoàn công tác, IAEA cũng có thể biết chắc những điều Việt Nam cần và thiếu.

Việt Nam cũng sẽ học hỏi được từ chuyên gia quốc tế những kinh nghiệm tốt trong việc phát triển điện hạt nhân. IAEA có kế hoạch sẽ đưa các đoàn công tác đánh giá tới Việt Nam một cách thường niên, để nhằm giúp Việt Nam trong việc phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử.

Bên cạnh đó, hiện nay IAEA đang hỗ trợ Việt Nam thông qua dự án kỹ thuật. Trong năm 2012-2013, ngân sách IAEA dành cho hợp tác kỹ thuật với Việt Nam là khoảng 1 triệu euro. Dự án hợp tác kỹ thuật này bao gồm cả dự án về điện hạt nhân như dự án phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân an toàn cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Ngoài ra, IAEA cũng hỗ trợ Việt Nam thông qua dự án về cách quản lý chất lượng thực phẩm cho xuất khẩu… (như tăng cường chất lượng của Thanh Long xuất khẩu).

Việt Nam đang tích cực chuẩn bị khởi công Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận I, trong các yếu tố cơ bản của xây dựng cơ sở hạ tầng, IAEA và Việt Nam sẽ tập trung hợp tác vào vấn đề nào?

– Theo dự kiến ban đầu, Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận I sẽ được khởi công vào đầu năm 2014. Bộ trưởng Bộ KHCN đã từng chia sẻ Việt Nam sẽ chỉ khởi công nhà máy điện này khi chuẩn bị đầy đủ các yếu tố về cơ sở hạ tầng để đảm bảo tính an toàn cao nhất. Bản thân Việt Nam phải tự đánh giá hiện trạng phát triển của mình và so sánh với tài liệu đánh giá của IAEA rồi tham vấn với IAEA để từ đó IAEA có thể đưa ra lời khuyên cho Việt Nam nhằm cải thiện hơn nữa để phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân và quá trình tham vấn, hợp tác này mang tính chất liên tục. Chúng ta cần tiếp tục việc tham vấn và hợp tác để đảm bảo an toàn tốt nhất cho hạt nhân.

Thông thường một quốc gia chưa có kinh nghiệm về phát triển điện hạt nhân thì sẽ mất bao nhiêu năm để chuẩn bị tốt nhất cho việc khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, thưa ông?

– Không có một khoảng thời gian cố định nào cho quá trình chuẩn bị phát triển điện hạt nhân. Thông thường thì theo kinh nghiệm sẽ mất từ 10-15 năm kể từ giai đoạn lên kế hoạch. Tuy nhiên đối với một số nước, khoảng thời gian này có thể ngắn hơn so với một số nước khác. Thời gian không phải là vấn đề chính mà làm thế nào để chuẩn bị tốt nhất. Theo tôi Việt Nam cần tham vấn kỹ lưỡng với IAEA và không nên vội vàng, gấp gáp vì đây là dự án rất lớn so với một quốc gia mới phát triển điện hạt nhân như Việt Nam. Quan trọng hơn nữa là phải phát triển điện hạt nhân một cách bền vững vì Việt Nam sẽ sử dụng nhà máy này hàng thập kỷ.

Xây dựng cơ quan pháp quy về an toàn hạt nhân

Hiện nay nhà máy điện hạt nhân Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị, câu hỏi nhiều người Việt Nam quan tâm là điện hạt nhân có an toàn không?

– Từ trước sự cố Fukushima, các quốc gia trên thế giới và bản thân IAEA đã tiến hành rất nhiều nỗ lực để ngăn ngừa tai nạn xảy ra. Sau sự cố này, các quốc gia châu Âu đã tiến hành kiểm tra thử nghiệm nhằm kiểm tra xem các nhà máy điện hạt nhân ở châu Âu có khả năng chống chịu tai nạn nghiêm trọng do động đất, lụt lội, lốc xoáy hay không.

Khi thấy cần phải cải thiện các đặc điểm an toàn, các nhà máy điện hạt nhân này đã tăng cường các biện pháp an toàn. Ngoài ra, khi thăm các quốc gia như Ấn Độ, Nam Phi hay Nga, tôi thấy rằng, các kỹ thuật an toàn đã được thêm vào để đảm bảo an toàn hơn.

Các quốc gia thành viên của IAEA được trông đợi sẽ phải đảm bảo an toàn tối đa cho các nhà máy điện hạt nhân mà họ đang vận hành.

Được biết trong thời gian qua IAEA đã giúp Việt Nam đánh giá hạ tầng phát triển điện hạt nhân vào năm 2009 và 2012. Vậy ông có thể cho biết tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng trong việc phát triển điện hạt nhân và kết quả của hai lần đánh giá ở Việt Nam?

– Về cơ sở hạ tầng, đối với một quốc gia mới thì việc xây dựng cơ sở hạ tầng vững mạnh rất quan trọng. Cơ sở hạ tầng gồm nhiều yếu tố khác nhau: Tham gia công ước, điều ước quốc tế trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, xây dựng cơ quan pháp quy hạt nhân, đào tạo con người…

Theo tôi, một trong những điểm quan trọng nhất là xây dựng một cơ quan pháp quy, cơ quan có trách nhiệm rà soát về an toàn. Tôi biết rằng hiện nay các bạn đang xem xét sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử, nhưng tôi muốn nhấn mạnh là chúng tôi cần phải xây dựng cơ quan pháp quy độc lập, vững mạnh.

Thứ hai, Việt Nam cần phải phối hợp tốt, để ra cơ chế ưu tiên phù hợp, cái gì trước, cái gì sau. Vì vậy, không chỉ phối hợp với IAEA, Việt Nam cần phối hợp với các quốc gia cung cấp công nghệ điện hạt nhân cho Việt Nam.

Việt Nam cần phải ứng dụng của năng lượng nguyên tử như y học hạt nhân hay xạ trị rất hữu hiệu trong chữa trị ung thư. Trong thời gian qua, IAEA đã giúp Việt Nam rất nhiều như mua sắm máy móc, đào tạo con người. Tuy nhiên, bệnh ung thư diễn tiến và phát triển liên tục không ngừng nghỉ. Việt Nam cần phải cải tiến hơn về công nghệ nhưng quan trọng nhất là vấn đề con người, phải đào tạo được bác sĩ chuyên về y học hạt nhân.