Bộ Xây dựng rà soát các hoạt động khai thác xi măng, khoáng sản

ThienNhien.Net – Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, Bộ đang rà soát, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ bổ sung các mỏ khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020.

Các mỏ này sẽ phục vụ các dự án Xi măng Bỉm Sơn (Thanh Hóa), dự án xi măng Phúc Sơn (Hải Dương), dự án xi măng Mai Sơn (Sơn La). Ngoài ra, Bộ cũng điều chỉnh mỏ khoáng sản khu vực Áng Sơn (Quảng Bình), mỏ đá vôi Đồng Giao (Ninh Bình) ra khỏi quy hoạch.

171213_khoangsan

Mặt khác, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc cấp phép hoạt động khoáng sản đá granit, Bộ Xây dựng cho biết sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương và một số UBND tỉnh/thành phố thuộc Trung ương thực hiện rà soát, đánh giá việc tạm dừng cấp phép thăm dò, khai thác mới đối với đá granit. Trên cơ sở rà soát, kiểm tra, đánh giá tình hình thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng đá granit, Bộ sẽ tổng hợp, báo cáo và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ trong việc cấp phép thăm dò, khai thác mới.

Theo Bộ Xây dựng, trong thời gian qua, tại một số địa phương chưa xây dựng lộ trình xóa bỏ các cơ sở sản xuất vôi thủ công và tiến hành chứng nhận đầu tư chưa theo quy định về thẩm định dự án, đánh giá trình độ công nghệ sản xuất … việc cấp chứng nhận đầu tư các cơ sở sản xuất vôi chưa thẩm định kỹ dẫn đến thời gian cấp phép không phù hợp (dự án quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu nhưng thời gian cấp phép đến năm 2064) hoặc công suất đầu tư lớn nhưng không có mỏ nguyên liệu, không phù hợp với tổng mức đầu tư; ngoài ra có tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp là những cơ sở sản xuất vôi thủ công trước đây nhằm mục đích hợp thức cho đủ điều kiện xuất khẩu vôi.

Trước tình trạng trên, để đảm bảo tài nguyên khoáng sản sử dụng hiệu quả, bảo vệ môi trường, tránh đầu tư công nghệ cũ, lạc hậu, tránh cung vượt quá cầu; Bộ Xây dựng đã đề nghị các địa phương thực hiện các nội dung như: Tạm dừng cấp phép đầu tư mới các cơ sở sản xuất vôi khi chưa có ý kiến thống nhất của Bộ; thu hồi giấy chứng nhận đầu tư khai thác, chế biến vôi đã cấp chưa được thẩm định phù hợp theo quy định; Xây dựng lộ trình xóa bỏ các cơ sở sản xuất vôi thủ công, gây ô nhiễm môi trường; Rà soát các mỏ khoáng sản được cấp phép sử dụng cho các cơ sở phục vụ sản xuất vôi công nghiệp báo cáo Bộ Xây dựng xem xét, bổ sung vào quy hoạch.

Hơn nữa, thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đang tiến hành lập Quy hoạch phát triển sản xuất vôi công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.