Việt Nam cuối bảng xếp hạng quản trị công nghiệp khai khoáng thể loại “yếu”

ThienNhien.Net – Dẫn nguồn số liệu Viện giám sát nguồn thu của Mỹ, ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (COD) cho biết, Việt Nam đứng thứ 43 về xếp hạng chung và đạt điểm số thấp nhất trong bảng xếp hạng ở phân nhóm thể loại “yếu” của quản trị ngành công nghiệp khai khoáng.

Bảng xếp hạng chia gồm 4 nhóm quốc gia về năng lực quản trị tài nguyên theo các mức độ: tốt, tạm được, yếu kém và mất kiểm soát.

Chỉ số quản trị tài nguyên năm 2013 đo lường chất lượng quản trị trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, dầu khí của 58 quốc gia giàu tài nguyên trên toàn thế giới, bao gồm 10 nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Các nước chưa tham gia Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng (viết tắt là EITI) thường đứng nửa dưới của bảng xếp hạng 4 nhóm quốc gia về năng lực quản trị tài nguyên gồm: Tốt, tạm được, yếu kém và mất kiểm soát.

EITI là một tiêu chuẩn quốc tế nhằm thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực khai khoáng; được khởi xướng bởi cựu Thủ tướng Anh, ông Toni Blair tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về phát triển bền vững tổ chức tại Nam Phi năm 2002.

Quang cảnh buổi đối thoại
Quang cảnh buổi đối thoại

Phát biểu ngày 6/12, tại Hà Nội, ông Phạm Quang Tú cho biết lý do để Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Liên minh khoáng sản tổ chức buổi đối thoại sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng với bà Clare Short, Chủ tịch Ủy ban EITI quốc tế là: hành lang pháp lý của ngành khai khoáng Việt Nam là tương đối tốt, tuy nhiên các điểm còn lại thấp và cho thấy có khoảng cách lớn giữa hành lang pháp lý với thực tiễn, bộc lộ nhiều điểm yếu.

Việt Nam là quốc gia khá đa dạng về tài nguyên thiên nhiên và là một trong những nước có hoạt động khai thác khoáng sản lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Ngành công nghiệp khai khoáng Việt Nam đã trở thành một phần quan trọng trong nền kinh tế, tuy nhiên đã bộc lộ nhiều hạn chế và thách thức bao gồm: nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, hiệu quả kinh tế thấp, dễ bị thất thu cho ngân sách nhà nước và những tác động tiêu cực về môi trường. Theo Viện Tư vấn phát triển, một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế này là do thực trạng quản trị và thực thi chính sách yếu kém.

Báo cáo chỉ số quản trị tài nguyên Việt Nam năm 2013 của Viện giám sát nguồn thu cho thấy, chỉ có chỉ số “thể chế và chính sách” được xếp vào nhóm “đạt một phần”, 3 chỉ số “công khai thông tin”, “bảo vệ và kiểm soát chất lượng”, “môi trường tổng thể” rơi vào nhóm “không đạt” dẫn tới tổng điểm số thuộc nhóm “yếu”.

Cuộc đối thoại EITI được tổ chức đã cung cấp tới cơ quan quản lý và các bên liên quan thông tin về sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng. Các địa biểu tham gia đối thoại đã thảo luận về những lợi ích, khó khăn cũng như lộ trình khi Việt Nam tham gia tổ chức này.

Theo bà Clare Short, Chủ tịch EITI, Việt Nam không cần phải thay đổi gì cả, chỉ cần mở ra minh bạch khi tham gia EITI.