Khai thác và bảo vệ vùng ven biển

ThienNhien.Net – Sử dụng không bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển vùng ven biển đang đe dọa rừng phòng hộ là các nội dung được đề cập tại hội thảo “Thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng ven biển Sóc Trăng” vừa diễn ra tại TP HCM.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường và cuộc sống người dân. Việt Nam là một trong 5 nước trên thế giới bị tác động nhiều nhất, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long. Theo giới chuyên môn, mỗi năm đồng bằng sông Cửu Long bị biển lấn sâu vào đất liền khoảng 50 m. Trước thực trạng trên, Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ) đã hỗ trợ Sóc Trăng quản lý, bảo vệ và khai thác vùng bờ biển để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.

Thiết thực

Dự án bảo vệ và khai thác vùng bờ, vùng ven biển tại Sóc Trăng có ý nghĩa lớn, hiện đã làm thay đổi khá nhiều về môi trường, đời sống của người dân. Ông Jochem Lange, Trưởng đại diện GIZ tại Việt Nam, cho biết Việt Nam là đối tác quan trọng của Đức để hợp tác trong lĩnh vực môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên, sinh thái ven biển.

Một điểm sạt lở ở vùng biển Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng (Ảnh: Ngọc Trinh/www.nld.com.vn)
Một điểm sạt lở ở vùng biển Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng (Ảnh: Ngọc Trinh/www.nld.com.vn)

TS Klaus Schmitt, cố vấn Trưởng dự án GIZ Sóc Trăng, cho biết dự án về môi trường thực hiện tại Sóc Trăng từ năm 2007 đến năm 2014 (giai đoạn 1) với kinh phí 5 triệu euro (trong đó có 10% từ vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam). Sau khi chương trình này kết thúc vào tháng 3-2014 sẽ triển khai tiếp đến năm 2017 về bảo vệ và sử dụng bền vững – khôi phục và tái tạo với phần chính là khôi phục rừng ngập mặn. Trong đó có việc trồng mới rừng ngập mặn với biện pháp bảo vệ chặt chẽ. Việc quản lý này có người dân tham gia bằng hình thức hợp tác xã, chỉ cho phép dân vào khai thác thủy sản khi thủy triều xuống để bảo vệ cây con không bị tổn hại.

Sắp tới sẽ có thêm dự án toàn diện để hỗ trợ và phát triển bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như các giải pháp phát triển đô thị bền vững. Sóc Trăng là địa phương đầu tiên thực hiện trước dự án, sau đó sẽ áp dụng mô hình này cho 5 tỉnh khác ở đồng bằng sông Cửu Long.

Chống xói mòn

Dự án đang thử nghiệm các phương pháp bảo vệ bờ biển khỏi bị xói lở, trong đó có việc khôi phục rừng ngập mặn, sử dụng rào chắn sóng, hạn chế xói lở và gia tăng bồi lắng. Dự án cũng đang thiết kế các tường phá sóng để giảm xói lở, tăng bồi lắng và giúp tránh xói lở cuối dòng.

Ông Lê Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết dự án này không chỉ giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu mà còn giúp địa phương phát triển kinh tế bền vững, trong đó nông dân là đối tượng chính tham gia bảo vệ rừng và khai thác thủy – hải sản tại địa phương. Đê chống sóng bằng tre bước đầu đã đạt được kết quả tốt. Khôi phục rừng ngập mặn đang tiến triển khả quan. Tuy nhiên, ông Trí cho rằng để đạt được kết quả tốt cần có sự quản lý toàn diện.

Còn theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, hiện tượng suy thoái rừng, thiếu nước xuất hiện nhiều nơi. Giải pháp hiệu quả là tiếp cận phù hợp tiến bộ khoa học kỹ thuật, giải quyết tốt nhu cầu dân sinh. Ông Nguyễn Đức Hoàng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng, cảnh báo quá trình hình thành và phát triển diện tích rừng ngập mặn luôn biến đổi nên phải có biện pháp bảo vệ rừng hiệu quả, nhất là khả năng phục hồi. Hiện độ trồng rừng chỉ khoảng 50 m, có nơi hẹp hơn nên khi chuyển đổi làm mất rừng ở nhiều nơi. Nếu chỉ trồng rừng không thôi thì cũng không hiệu quả mà phải kết hợp bảo vệ, quản lý rừng.

Nhiều loại cây rừng bị đe dọa

Trong số 170.000 ha rừng ngập mặn ở Việt Nam, chỉ khoảng 60.000 ha là rừng tự nhiên, số còn lại là rừng phục hồi. Trong số 73 loại cây rừng ngập mặn, Việt Nam và những nước vùng Đông Nam Á có khoảng 38 loài nhưng 10 loại có nguy cơ đe dọa bị tiệt chủng do biến đổi khí hậu và khai thác không có sự quản lý.