Đà Nẵng có cần xây thủy điện?

ThienNhien.Net – Là địa phương ít tiềm năng về thủy điện, thế nhưng cách đây 4 năm, UBND TP Đà Nẵng đã cho phép Cty CP Thủy điện Geruco Sông Côn (GSC) triển khai Dự án xây dựng thủy điện sông Nam, sông Bắc thuộc địa phận xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Dự án khởi công ngày 16/6/2010.

Theo thiết kế, cụm 3 Nhà máy thủy điện sông Nam – sông Bắc 1, sông Bắc 2, tổng công suất 49,2 MW, vốn đầu tư 1.412 tỷ đồng. Kế hoạch ban đầu, cuối năm 2013, Thủy điện sông Bắc 2 hoàn thành; 2 nhà máy còn lại sẽ hoàn thành vào cuối năm 2014. Khi đi vào hoạt động, 3 nhà máy thủy điện nhỏ này cung cấp lượng điện 151,6 triệu kWh/năm. Ngoài ra hồ chứa thủy điện còn cung cấp cho Nhà máy nước Hòa Liên phía hạ du 240 nghìn m3/ngày đêm.

Hơn 3 năm kể từ ngày ấn nút khởi công, đến nay, việc xây dựng các nhà máy thủy điện này vẫn dẫm chân tại chỗ. Có chăng, chủ đầu tư đã xây dựng một số trụ điện cao thế ngoài phạm vi đất được giao của dự án. Còn đất khu vực triển khai dự án đến nay vẫn chưa được bàn giao.

Thủy điện xả lũ gây thiệt hại vô cùng lớn tại miền Trung vừa qua (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)
Thủy điện xả lũ gây thiệt hại vô cùng lớn tại miền Trung vừa qua (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam) 

Cơ quan chức năng đã xác định 3 nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự chậm trễ thi công nhà máy thủy điện sông Nam, sông Bắc. Một là diện tích đất rừng đặc dụng được UBND TP Đà Nẵng giao một đằng, chủ đầu tư đưa ra phương án thu hồi một nẻo.

Cụ thể, đầu năm 2010, UBND TP Đà Nẵng có văn bản giao 948,4 ha cho Cty CP Geruco Sông Côn quản lý, triển khai dự án xây dựng nhà máy thủy điện sông Nam, sông Bắc; tuy vậy, phương án thu hồi của chủ đầu tư đưa ra là 1.141 ha, nên Ban Quản lý rừng đặc dụng Đà Nẵng chưa bàn giao khu vực đã phê duyệt.

Hai là phương án trồng rừng thay thế chưa triển khai. Về vấn đề này, Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án trồng rừng thay thế diện tích rừng đặc dụng bị thu hồi, gửi về Sở ngày 30/6/2013, thế nhưng đến nay vẫn chưa có.

Ba là, việc đền bù giải tỏa diện tích đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất cho 104 hộ dân 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí chưa dứt điểm.

Mặc dù đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt triển khai dự án xây dựng 3 nhà máy thủy điện nhỏ ở đầu nguồn sông Cu Đê, song người dân sinh sống ở vùng hạ du con sông này không đồng tình với chủ trương xây dựng nhà máy thủy điện. Họ đang rất lo ngại, thủy điện triển khai sẽ là hiểm họa không nhỏ đối với đời sống, sản xuất của hàng chục nghìn người phía hạ du.

Trước hết, môi trường sinh thái sẽ bị tàn phá nghiêm trọng. Chỉ cần vệ sinh lòng hồ, đất đá sẽ bị lũ cuốn trôi bồi lấp hết đất canh tác. Bấy lâu nay, chưa có thủy điện mà hễ sau một đợt lũ, khá nhiều đất canh tác ven sông bị bồi lấp. Tình trạng sạt lở bờ sông sẽ nghiêm trọng hơn gấp bội.

Khi lũ về, hồ thủy điện không thể không xả lũ. Lúc đó, hàng nghìn hộ dân ở các xã Hòa Bắc, Hòa Liên (Hòa Vang), phường Hòa Hiệp Bắc (Liên Chiểu) sẽ bị lũ quét tàn phá.

Bất cứ người dân nào chúng tôi gặp cũng đặt ra câu hỏi: TP Đà Nẵng liệu có cần thiết xây dựng nhà máy thủy điện? Với sản lượng 151,5 triệu kWh/năm, liệu có giúp Đà Nẵng cải thiện nhu cầu điện? Xây dựng 3 nhà máy thủy điện nhỏ, công suất thiết kế 49,2 MW mà mất hơn 1.000 ha rừng đặc dụng, liệu có tương xứng.

Trong khi tại diễn đàn Quốc hội, các đại biểu cho rằng xây dựng các thủy điện nhỏ là lợi bất cập hại. Thậm chí có đại biểu nhất quyết khẳng định: không thể phá rừng làm thủy điện. Một cây rừng cũng phải giữ, một ha rừng cũng phải giữ. Thế mà hơn 1.000 ha rừng đặc dụng ở Đà Nẵng chỉ dành cho việc xây dựng 3 nhà máy thủy điện nhỏ, công suất thiết kế vỏn vẹn 49,2 MW, liệu có cần thiết?

Ai sẽ chịu trách nhiệm trước môi trường sinh thái bị tàn phá và hậu quả khôn lường về tính mạng người dân vùng hạ du, mỗi khi lũ được tiếp sức từ… hồ thủy điện?

Ông Lê Lở, Bí thư chi bộ thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc, người có gần 1 ha đất ven sông bị sạt lở cho rằng, chưa xây thủy điện mà bờ sông Cu Đê bị sạt lở rất nghiêm trọng. Hiện nay, để bảo vệ đường ĐT 601 khỏi bị cắt đứt, thành phố đã đầu tư 5 tỷ đồng xây dựng bờ kè. Thủy điện sông Nam, sông Bắc, đi vào hoạt động có lẽ hàng nghìn hộ dân phải chuyển đi nơi khác. Vừa mất an toàn về tính mạng, vừa mất đất canh tác tại những chỗ sạt lở, chỗ bồi lấp.

Ông Đỗ Việt Vĩ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Bắc lường trước hậu quả không nhỏ từ thủy điện. Ông khẳng định: không chỉ môi trường rừng đầu nguồn bị tàn phá khi hơn 1.000 ha rừng đặc dụng phải chuyển đổi mục đích mà phía hạ du tính mạng, tài sản của người dân cũng bị đe dọa rất nghiêm trọng.

Còn người dân thôn Trường Định, xã Hoà Liên, định cư dọc sông Cu Đê, biết bao lần ngập chìm trong lũ dữ, phản đối quyết liệt việc xây dựng thủy điện sông Nam, sông Bắc. Họ cho rằng, thủy điện lợi ít hại nhiều.

Đó là chưa nói, khi dự án triển khai, trong quá trình tận thu gỗ tại rừng đặc dụng của khu vực lòng hồ, tránh sao được tình trạng mượn gió bẻ măng. Không chỉ trong phạm vi hơn 1.000 ha, mà diện tích rừng sát đó, gỗ rừng nguyên sinh sẽ lũ lượt về xuôi.

Được biết, thời gian qua, sau khi xem xét cẩn trọng, cơ quan chức năng và các địa phương đã quyết định loại bỏ khỏi quy hoạch 424 dự án thủy điện nhỏ trên phạm vi cả nước. Đáng tiếc, trong số thủy điện nhỏ loại khỏi quy hoạch không có thủy điện sông Nam, sông Bắc tại Đà Nẵng. Trong khi đó, việc chuyển đổi mục đích sử dụng của 239,6 ha rừng đặc dụng tại khu vực dự án, theo nguyên tắc phải được Quốc hội cho phép.

Thiết nghĩ, với hậu quả nhãn tiền từ các thủy điện nhỏ tại các địa phương gây nên trong thời gian qua, UBND TP Đà Nẵng và ngành chức năng cần đánh giá lại tính khả thi của Dự án Thủy điện sông Nam, sông Bắc, sớm có sự điều chỉnh hợp lý, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đông đảo người dân và góp phần bảo vệ rừng nguyên sinh vốn không nhiều của thành phố biển miền Trung.