Thỏa cơn khát ngàn đời

ThienNhien.Net – Lại một mùa mưa đang đến đong nước cho những hồ treo vùng cao nguyên đá. Đã qua rồi cảnh đi bộ hàng chục cây số gùi nước về chắt chiu dè sẻn từng giọt, giờ đồng bào dân tộc thiểu số các huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang đã được dùng nước sạch hàng ngày, thỏa “cơn khát” nhờ hệ thống hồ treo trên đá.

Lùi xa những ngày thiếu nước

Vài năm trở lại đây, nếu có dịp lên mảnh đất địa đầu tổ quốc Hà Giang bạn sẽ bắt gặp hình ảnh những công trình hồ chứa nước trong xanh nằm cheo leo giữa núi đá tai mèo xám xịt. Sau nhiều năm ròng miệt mài thử nghiệm, Viện Địa chất Việt Nam đã thành công trong việc xây dựng hồ treo đầu tiên tại xã Tà Phìn, huyện Đồng Văn và Tà Lủng, huyện Mèo Vạc, mở ra trang sử mới khi giải được bài toán thiếu nước sinh hoạt ngàn đời cho đồng bào nơi đây. Tiếp nối hai công trình trên, đến nay đã có 77 hồ treo khác được khánh thành tại các bản làng xa xôi hẻo lánh của tỉnh Hà Giang.

Người dân 4 huyện vùng cao Hà Giang đã "đỡ khát" nhờ hệ thống hồ treo.

Có mặt tại hồ treo thôn Sủng Nhí B, xã Sủng Máng, huyện Mèo Vạc đúng lúc bà con nơi đây đang tranh thủ lấy nước khi chiều về, tôi gặp chị Vàng Mẩy Sâu đang ngồi nghỉ bên chiếc hồ đẹp như tranh vẽ giữa trùng điệp núi đá tai mèo. Chị Sâu cho biết thời điểm này cách đây vài năm, ngày nào chị cũng phải đi bộ hơn chục cây số tới các khe suối hốc đá múc từng gáo nước về sinh hoạt. Do đường sá xa xôi, hiểm trở nên gia đình chị Sâu luôn phải cắt cử một người chuyên làm nhiệm vụ đi lấy nước. Năm 2010, công trình hồ treo Sủng Nhí B với dung tích trên 8000 m3 được khánh thành, đó là dấu son lịch sử đánh dấu việc chị Sâu và hơn 750 nhân khẩu xã Sủng Máng không còn phải vật lộn đi tìm nước mỗi khi mùa khô đến.

Cách huyện Mèo Vạc chừng 30 cây số, xã Phú Lũng, huyện Yên Minh cũng đang được hưởng lợi từ công trình hồ treo. Phấn khởi gùi trên lưng chiếc can 20 lít nước từ hồ treo Mẻo Ván, anh Sùng Mí Lùng kể ngày trước phải đi bộ 30 phút rồi xếp hàng đến chiều mới hứng được 1 can 20 lít, nhiều khi phải sang gần xã biên giới Trung Quốc mới mua được nước về dùng vất vả vô cùng. Nhưng từ ngày có hồ treo anh Lùng chỉ cần vục một cái là đầy can nước khoác vài phút đã về tới nhà. Chủ tịch UBND xã Phú Lũng, ông Nguyễn Xuân Hoán khẳng định, thiếu nước chính là nguyên nhân khiến cuộc sống của người dân nơi cao nguyên đá không thoát được cảnh đói nghèo.

Trước đây, mùa khô năm nào xã Phú Lũng cũng phải trông chờ vào nguồn nước trợ cấp từ huyện mới đủ dùng. Nước sinh hoạt còn thiếu nên nước phục vụ trồng trọt chăn nuôi gần như chỉ trông vào… ông trời. Chính vì vậy mà một chậu nước sạch dù được người dân dùng vo gạo, rửa rau rồi mới cho bò uống, mà vẫn thiếu triền miên. “Từ khi hồ treo được đưa vào sử dụng người dân chúng tôi phấn khởi lắm. Không ngờ trong đời lại có lúc được dùng nước thoải mái đến như vậy. Không những thế, hồ treo Mẻo Ván còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho Phú Lũng, cây lúa, cây ngô không còn phải đợi nước trời nữa, lũ dê, bò cũng được sướng lây. Có nguồn nước ổn định rồi hi vọng cái nghèo sẽ dần lùi xa.” – ông Hoán hồ hởi nói. Nhìn ánh mắt tràn đầy hi vọng của ông, tôi không khỏi xúc động, “dùng nước thoải mái” với ông Hoán và bà con nơi đây, tôi hiểu, vẫn là khiêm tốn lắm so với nhu cầu sinh hoạt thông thường của người dân nông thôn vùng xuôi.

Không để nơi nào bị khát

Từ thành công ban đầu, tỉnh Hà Giang chủ trương xây dựng thêm 319 hồ treo tại 4 huyện vùng cao Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ và Yên Minh với số vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng. Với một tỉnh còn nghèo như Hà Giang, tôi đồ rằng số tiền là không nhỏ, nhưng hơn thế, trong ấy chứa đựng biết bao trông chờ của người dân và mong đợi của những người lãnh đạo nhằm giải quyết dứt điểm nhu cầu nước sinh hoạt cho bà con vùng cao, ổn định chính trị và quốc phòng vùng biên giới. Cho đến đầu năm 2012, tỉnh Hà Giang đã xây dựng được 585 công trình nước chảy tập trung tự chảy, gần 41.000 bể lu chứa nước, 77 hồ treo và 26 giếng đào Unicef, nâng tỷ lệ người dân nông thôn Hà Giang được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 58%, nghĩa là đã cung cấp cho khoảng 400.000 người.

Cùng chúng bạn vui đùa bên cạnh hồ nước khi tan học, cậu bé Phàn Mẩy Viễn (thứ tư tính từ bên trái), học sinh Trường THCS xã Sủng Máng, huyện Mèo Vạc ngây thơ bảo, trước đây cả tháng trời em mới được tắm một lần vì nước phải dùng để ăn và cho bò, ngựa uống, giờ có thể tắm thoải mái hơn rồi

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Bá Khoát – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN-PTNT Hà Giang) cho biết, hiện 77 công trình hồ treo đã hoàn thành tại 4 huyện miền núi phát huy hiệu quả tốt khi cung cấp đủ nước sinh hoạt cho trên 53.000 người dân trong 3 tháng mùa khô bình quân 20 – 40 lít/người/ngày. Điều đáng mừng là bà con dân tộc thiểu số nơi đấy rất có ý thức trong việc bảo quản giữ gìn nguồn nước, luôn có người trông coi hàng ngày.

Tuy nhiên, kế hoạch xây dựng 319 hồ treo tại 4 huyện miền núi của Hà Giang gặp rất nhiều khó khăn do phải thi công trên vùng núi đá có địa hình địa chất phức tạp nên dung tích của các hồ thường chỉ từ 2.000 m3 – 10.000 m3. “Dù biết hồ có dung tích càng lớn giá thành tính trên đơn vị mét khối nước càng rẻ nhưng dung tích hồ quá lớn sẽ phải giải quyết vấn đề kết cấu vô cùng khó khăn. Mặt khác, giá thành xây dựng hồ rất cao do cước vận chuyển vật liệu từ dưới xuôi lên đắt đỏ và mất thời gian, gần như phải làm toàn bộ bằng thủ công.” Ông Khoát tâm sự.

Ông cho biết khó nhất trong việc triển khai xây dựng 319 hồ treo hiện nay lại chính là nguồn vốn. 30 công trình đầu tiên do được Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ nên việc triển khai gặp nhiều thuận lợi, các công trình tiếp theo ngày một khó khăn hơn khi số vốn cần cho 77 công trình đã hoàn thành nhưng vẫn còn thiếu trên 400 tỷ đồng. Mặc dù vậy, tỉnh vẫn đang quyết tâm thực hiện kỳ được kế hoạch hoàn thiện 319 hồ treo vào năm 2015 gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.