Truyền thông nên đóng vai trò kép khi đưa tin về ĐTM

ThienNhien.Net – Dù nhìn từ phương diện nào, truyền thông vẫn chưa phát huy hết vai trò trong việc đưa tin về Đánh giá Tác động Môi trường (ĐTM), thúc đẩy một quy trình ĐTM khoa học và hiệu quả. Điều này có thể thấy ngay ở tần số xuất hiện cũng như chất lượng tin, bài về ĐTM trên mặt báo hoặc các kênh phát thanh, truyền hình… Câu chuyện về báo chí ở châu Phi đối với vấn đề ĐTM dưới đây của TS John.O.Kakonge – cố vấn đặc biệt của hãng tin South-South News – có lẽ cũng là một thông điệp cho báo chí Việt Nam.

Quy trình ĐTM đã được thế giới áp dụng hơn 40 năm qua và hiệu quả của nó cũng đã được thừa nhận. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau như vấn đề thể chế, pháp lý, kỹ thuật… các kết quả ĐTM thường mang tính hình thức và không phản ánh chính xác những tác động môi trường và xã hội mà một dự án phát triển có thể gây ra.

Trong bối cảnh đó, truyền thông nên đóng vai trò như một quan sát viên chủ động bám sát, tìm ra những kẽ hở trong việc triển khai ĐTM thay vì chỉ làm việc như một người đưa tin, chuyên nhắc lại thông tin ghi nhận được từ các nhà chức trách, từ các nhóm hoạt động môi trường, từ xã hội dân sự và các bên thực hiện dự án. Lý tưởng nhất là truyền thông tham gia vào quy trình ĐTM với vai trò một trong những bên liên quan.

Đề xuất trên xuất phát từ một thực tế là tất cả các hãng truyền thông lớn, nhỏ ở châu Phi đều e ngại việc đưa tin về môi trường vì sợ đụng chạm quyền lợi. Sự hạn chế về chuyên môn, kiến thức liên quan đến môi trường hay vấn đề ĐTM của phóng viên, biên tập viên cũng là một nguyên nhân khiến thông tin về ĐTM ít được đề cập trên các mặt báo.

Đập Gibe III (Ethiopia), con đập cao nhất châu Phi trên sông Omo, từng là điểm nóng của nhiều cuộc tranh luận về ảnh hưởng của nó đối với môi trường và đời sống của cư dân địa phương (Ảnh: Wodu Media)
Đập Gibe III (Ethiopia), con đập cao nhất châu Phi trên sông Omo, từng là điểm nóng của nhiều cuộc tranh luận về ảnh hưởng của nó đối với môi trường và đời sống của cư dân địa phương (Ảnh: Wodu Media)

Tuy nhiên, điều này đã ít nhiều được khắc phục tại châu Phi kể từ khi Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) hỗ trợ châu Phi thành lập Mạng lưới Các nhà báo Môi trường Châu Phi (ANEJ). Tầm ảnh hưởng của ANEJ tuy còn hạn chế, song cũng được coi là một bước khởi đầu tốt cho truyền thông về môi trường tại châu lục này.

Bên cạnh đó, các hướng tiếp theo đang được gợi ý để tăng khả năng tiếp cận của báo chí đối với vấn đề ĐTM là lồng ghép các khóa đào tạo tập huấn cho nhà báo vào các dự án phát triển và dự án giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về môi trường, đồng thời tạo ra các kênh truyền thông riêng về môi trường.

Dự án nước vùng cao nguyên Lesotho (LHWP) là một ví dụ thể hiện sự vào cuộc thành công của truyền thông các nước châu Phi. Rất nhiều tổ chức khác nhau, bao gồm cả các NGO quốc tế, đã gây sức ép buộc dự án phải đáp ứng tính minh bạch trong quy trình ĐTM. Họ sử dụng báo chí để buộc các nhà đầu tư lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), các nhà tài trợ song phương, các ngân hàng đầu tư và tài chính cùng các công ty xây dựng giải trình những vấn đề liên quan tới quy trình đấu thầu, hoạt động đền bù và công tác tái định cư cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi việc xây đập. Báo chí cũng đã vào cuộc phanh phui hoạt động hối lộ của các bên tham gia dự án.

Có thể thấy truyền thông không những cần đóng vai trò làm sáng tỏ quy trình ĐTM của các dự án mà còn cần góp phần nâng cao nhận thức về môi trường nói chung. Thường thì sau khi dự án hoàn thành quy trình ĐTM, chủ đầu tư ít khi tuân thủ đầy đủ kế hoạch quản lý. Đây là lúc truyền thông cần được đẩy mạnh nhằm phát hiện sai phạm, thúc đẩy chủ đầu tư thực thi đúng cam kết.