Hội thảo phát triển phát thải thấp ở Việt Nam

ThienNhien.Net – Sáng 24/10, tại TP Thái Bình, Tổ chức Bánh mỳ cho thế giới (Đức) và Quỹ Bảo vệ thiên nhiên; Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (Đức); Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (Green ID) và Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đồng tổ chức Hội thảo: Phát triển phát thải thấp ở Việt Nam, tạo lập cơ sở chung cho tăng trưởng xanh và xóa đói giảm nghèo.

Đây là Hội thảo khởi động cho dự án ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nghèo do các tổ chức quốc tế khởi xướng để thúc đẩy các Chiến lược phát triển các-bon thấp (LCDS) được đặt ra tại Hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu ở Cancun năm 2010.

Dự án dành cho bốn nước là Tanzania, Kazakhstan, Peru và Việt Nam với mục tiêu tổng thể là thiết lập một thông điệp mới mẻ, đầy cảm hứng và thúc đẩy công chúng về phát triển các-bon thấp.

Khẳng định việc phát triển các-bon thấp có thể không tốn kém và thúc đẩy môi trường quốc tế bằng việc trợ giúp cho các nghiên cứu hàn lâm, đưa ra các bằng chứng, các mô hình và các thực tế tốt nhất.

Dự án tạo ra những diễn đàn đối thoại ở cấp độ quốc gia với nhiều nhóm đối tượng liên quan khác nhau (các tổ chức phi chính phủ về môi trường, các tổ chức phát triển, công đoàn, các tổ chức khoa học và truyền thông).

Việt Nam được chọn thực hiện dự án vì là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong ba thập kỷ qua. Việt Nam cũng là quốc gia sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, Việt Nam phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, phát thải khí nhà kính đã tăng lên gấp đôi trong thập kỷ vừa qua và dự báo sẽ tăng lên gấp ba lần đến năm 2030.

Tại Hội thảo, các phát biểu của Tổ chức Green ID, Tổ chức Bánh mỳ cho thế giới và Qũy bảo vệ thiên nhiên tập trung phân tích, thảo luận về Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh bao gồm các nhiệm vụ và biện pháp trực tiếp cho phát triển các-bon thấp tập trung vào những biện pháp giảm thiểu biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Hội thảo diễn ra trong ba ngày (từ ngày 24 đến 26/10), kết thúc là chuyến đi thực địa tới xã Bắc Hải, xã Nam Cường (huyện Tiền Hải, Thái Bình) thăm quan mô hình nuôi giun, làm phân hữu cơ, sử dụng bếp đun cải tiến, mô hình cung cấp nước thẩm thấu ngược sử dụng năng lượng điện mặt trời.