Giảm hạn ngạch nhập khẩu chất gây suy giảm tầng ô-zôn

ThienNhien.Net – Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên&Môi trường đang dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn quản lý nhập khẩu, xuất khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-zôn theo quy định của Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-zôn.

Theo Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên&Môi trường), việc xây dựng Thông tư liên tịch nhằm mục tiêu kiểm soát nhập khẩu và sử dụng các chất làm suy giảm tầng ô-zôn nhóm chất HCFC; loại trừ dần, tiến tới loại trừ hoàn toàn nhập khẩu và sử dụng các chất này theo quy định của Nghị định thư Montreal mà Việt Nam đã phê chuẩn tham gia, thiết lập cơ sở dữ liệu cho việc xây dựng các dự án hỗ trợ tài chính và công nghệ từ Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư Montreal cho việc loại trừ các chất HCFC ở Việt Nam.

Dự thảo nêu rõ hạn ngạch nhập khẩu từng năm bắt đầu từ ngày 1/1/2012 đến 31/12/2019 cho từng nhóm chất HCFC. Cụ thể:

Trong năm 2012, hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC-14b  là 500 tấn, năm 2013 là 300 tấn… và từ năm 2015 trở đi, hạn ngạch nhập khẩu loại chất này là 0. Với các chất HCFC  khác, hạn ngạch nhập khẩu cũng sẽ giảm dần từ 3.700 tấn vào năm 2012 xuống còn 3.600 tấn vào năm 2015.

Hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC cho từng năm từ năm 2016 đến năm 2019 sẽ được cắt giảm tương ứng đối với các chất mà các doanh nghiệp sử dụng các chất đó hoàn thành quá trình chuyển đổi sản xuất sang các chất thay thế do Quỹ đa phương thi hành Nghị định thư cung cấp tài chính, công nghệ cho quá trình chuyển đổi.

Trước ngày 31 tháng 12 hàng năm, Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường thông báo lượng cắt giảm hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC cho năm tiếp theo.

Hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC cho các năm sau năm 2019 sẽ được Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật theo kết quả loại trừ các chất HCFC ở Việt Nam và theo quyết định của các nước thành viên Nghị định thư.

Cũng theo Dự thảo, hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC chỉ cấp cho các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu các chất này trong vòng 3 năm tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2011.

Hạn ngạch nhập khẩu HCFC không được phép chuyển nhượng

Hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC không được phép chuyển nhượng. Chất được cấp hạn ngạch phải nhập khẩu vào Việt Nam trước ngày 31 tháng 12 của năm cấp. Nếu được nhập khẩu sau thời gian này, lượng nhập khẩu sẽ được tính vào hạn ngạch năm tiếp theo và doanh nghiệp phải làm lại thủ tục nhập khẩu như đối với lô hàng mới.

Các doanh nghiệp nhập khẩu các chất HCFC theo hạn ngạch nhưng sau đó xuất khẩu (trực tiếp hoặc thông qua các doanh nghiệp khác), nếu có chứng từ chứng minh (hoá đơn bán hàng cho doanh nghiệp xuất khẩu và tờ khai hải quan của doanh nghiệp xuất khẩu) và có nhu cầu nhập khẩu tiếp thì sẽ được cấp hạn ngạch bổ sung không vượt quá lượng đã xuất khẩu.

Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-zôn được ký kết ngày 16/9/1987 tại thành phố Montreal, Canada, là Nghị định thư của Công ước Vienna (1985) về bảo vệ tầng ô-zôn.

Mục tiêu của Nghị định thư Montreal là loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-zôn, tầng khí quyển có chức năng lọc ánh sáng mặt trời, ngăn chặn bức xạ tia cực tím có hại chiếu xuống bề mặt trái đất, nhờ vậy bảo vệ sự sống trên trái đất.

Nghị định thư Montreal qui định nghĩa vụ loại trừ hoàn toàn sản xuất và sử dụng các chất làm suy giảm tầng ô-zôn bao gồm các chất CFC, CTC, halon, HCFC và methyl bromide, trong đó các chất CFC, halon và CTC được loại trừ hoàn toàn từ 1/1/2010 và các chất HCFC sẽ được loại trừ hoàn toàn vào năm 2040.

Việt Nam phê chuẩn Nghị định thư Montreal vào năm 1994.