Đòi công lý cho khí hậu

Trong bối cảnh nhiệt độ trái đất liên tục phá kỷ lục đi liền với thiên tai tăng mạnh về tần suất và cường độ, việc người dân ở một số nước tìm đến tòa án để đòi công lý cho khí hậu trở thành chuyện ngày càng phổ biến. Họ cho rằng, chính quyền hành động chưa đủ để hãm đà biến đổi khí hậu trong khi các tập đoàn vẫn phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính quá mức.

Năm 2002, hội nghị thượng đỉnh trái đất tại Johannesburg (Nam Phi) thông qua các nguyên tắc Bali về Công bằng khí hậu. Công lý về khí hậu khẳng định quyền của các cộng đồng phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên cho sinh kế và văn hóa để sở hữu và quản lý bền vững và trái ngược với hàng hóa thiên nhiên và nguồn tài nguyên của nó. Theo các nhà quan sát, dựa trên nguyên tắc Công bằng khí hậu, xu thế “tư pháp hóa” trở thành phương thức mới để vừa thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vừa buộc cả chính phủ cũng như khu vực tư nhân phải đối diện với trách nhiệm của mình trước tác động nghiêm trọng của thách thức này đối với cuộc sống của các cộng đồng dân cư.

Báo cáo tổng kết của Chương trình Môi trường của LHQ (UNEP)  công bố ngày 27-7 cho biết, số lượng các vụ kiện liên quan khí hậu tăng từ 884 năm 2017 lên 2.180 cuối năm 2022, có nghĩa tăng hơn gấp đôi. Năm 2016, cơ quan chính phủ của Philippines khởi động cuộc điều tra chính thức liên quan thay đổi khí hậu với 47 nhà sản xuất cácbon lớn nhất thế giới. Năm 2017, San Francisco, Oakland và các cộng đồng ven biển California khác ở Mỹ kiện các công ty nhiên liệu hóa thạch nhiều vì mực nước biển dâng cao. Năm 2018, thành phố New York (Mỹ) kiện 5 công ty nhiên liệu hóa thạch lên tòa án liên bang do “sự đóng góp” của họ đối với thay đổi khí hậu. Báo cáo của UNEP  nhấn mạnh, 34 vụ kiện là do, hoặc nhân danh, những người dưới 25 tuổi, trong đó phải kể đến các em nhỏ chưa đến 10 tuổi ở Pakistan và Ấn Độ thực hiện.

Trận lũ kinh hoàng ở Pakistan tháng 6-2022 khiến hơn 1.600 người thiệt mạng, hơn 9 triệu người phải di dời và hơn hai triệu ngôi nhà bị phá hủy, hàng triệu gia đình sống trong lều tạm bợ hoặc trú ẩn ven đường. Thiệt hại sơ bộ ước tính 30-35 tỷ USD. Phát biểu tại Lahore, thủ phủ tỉnh Punjab, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif cảnh báo, nước này đang đối mặt cuộc khủng hoảng chưa từng có về y tế, an ninh lương thực và làn sóng di cư sau thảm họa mưa bão bắt đầu từ tháng 6-2022 và kéo dài suốt nhiều tháng, khiến hơn 1/3 đất nước chìm trong lũ lụt. “Tôi xin nói rõ, đây là vấn đề công bằng khí hậu. Chúng tôi không đổ lỗi cho bất kỳ ai, cũng không cáo buộc ai, chúng tôi chỉ đang nói điều này không phải do chúng tôi gây ra, chúng tôi chỉ là nạn nhân”. Thủ tướng Pakistan nhấn mạnh; đồng thời kêu gọi các nước cần chủ động hỗ trợ bởi Pakistan không thể rơi vào tình thế phải chạy vạy cầu xin những nước phát thải lớn?!

Bên cạnh sự lên tiếng phản kháng, đòi công lý cho khí hậu ngày càng gia tăng, các tòa án cũng tiến hành xét xử đơn kiện của các tổ chức, cá nhân. Đơn cử, Tập đoàn dầu mỏ Shell bị tòa án Hà Lan buộc phải cắt giảm 45% khí thải trước 2030. Tháng 5-2023, Nhà nước Pháp bị Tòa án Hành chính Tối cao (Tham chính viện) của nước này đặt dưới chế độ giám sát đặc biệt để theo dõi việc tuân thủ mục tiêu cắt giảm 40% khí thải trước 2030 như luật quy định. UNEP đánh giá, việc ngày càng có nhiều vụ kiện về khí hậu sẽ cho phép hướng đến mục tiêu bảo vệ tốt hơn các nhóm xã hội dễ tổn thương nhất.

Ngày 27-7, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng thời kỳ nóng lên toàn cầu đã kết thúc, thế giới bắt đầu chuyển sang “kỷ nguyên đun sôi”. “Biến đổi khí hậu đang xảy ra thật kinh khủng, nhưng đó mới là khởi đầu”, ông Gutterres cảnh báo. Rõ ràng, đây chính là lời thúc giục mạnh mẽ các nước phải hành động quyết liệt ngay lập tức để tránh kịch bản biến đổi khí hậu tồi tệ nhất.