Chiếm dụng đất đai và những hệ lụy về nguồn nước

ThienNhien.Net – Chiếm dụng đất đai (Land-grabbing) được coi như một hình thức thuộc địa đã lan rộng trong những năm gần đây do nhu cầu lương thực tăng, chế độ dinh dưỡng thay đổi và sản xuất nhiên liệu sinh học được đẩy mạnh. Tuy nhiên, điều mà gần đây mới được nhìn nhận là cuộc đua chiếm dụng đất trên toàn cầu này còn ảnh hưởng mật thiết đến tài nguyên nước bởi vì sản xuất tất cả các loại thực phẩm đều cần tới đất và nước một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

Chiếm đụng đất đai theo nghĩa rộng hơn được sử dụng để nói về việc chuyển đổi quyền sở hữu hoặc sử dụng đất từ cộng đồng địa phương cho các nhà đầu tư nước ngoài thông qua chuyển nhượng đất đai ở quy mô lớn (hơn 200ha cho mỗi giao dịch).

Từ định nghĩa này, nghiên cứu “Global land and water grabbing” (Chiếm dụng đất và nước toàn cầu) đăng trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ tháng 7/2012, đã tập hợp các dữ liệu về chiếm dụng đất và sử dụng các mô hình thủy học để xác định mức độ chiếm dụng nước liên quan trên toàn cầu. Từ đó, nghiên cứu đã kết luận rằng chiếm dụng đất và nước đều đang diễn ra với tốc độ đáng báo động tại khắp các châu lục, trừ Nam Cực.

Theo nghiên cứu, diện tích đất bị chiếm dụng cho nông nghiệp liên tục tăng và tới tháng 5/2012 con số được báo cáo toàn cầu đã vào khoảng 32,7 đến 82,2 triệu ha, tùy thuộc vào cách tính theo số lượng giao dịch đã hoàn tất hay đang diễn ra. Con số này tương đương với 0,7-1,75% đất nông nghiệp của thế giới.

Nghiên cứu nhận định, chiếm dụng đất đã trở thành một hiện tượng toàn cầu với sự tham gia của ít nhất 62 quốc gia có đất bị chiếm dụng và 41 quốc gia chiếm dụng đất. Trong đó, Châu Phi và Châu Á có diện tích đất bị chiếm dụng nhiều nhất với con số lần lượt là 47% và 33% diện tích đất bị chiếm dụng toàn cầu.

Đặc biệt, diện tích đất bị chiếm dụng ở các quốc gia là không hề nhỏ (lên tới 19,6% ở Uruguay, 17,2% ở Philippines hoặc 6,9% ở Sierra Leone). Các nước “năng nổ” nhất trong chiếm dụng đất nằm ở Trung Đông, Đông Nam Á, Châu Âu và Bắc Mỹ với ba nước dẫn đầu về diện tích đất chiếm dụng lần lượt là Vương quốc Anh, Mỹ và Trung Quốc. Một số nước đồng thời vừa là đối tượng bị chiếm dụng đất lại vừa là nước chiếm dụng đất như Argentina, Australia, Philippines và Sudan.

Điều đáng nói là chiếm dụng đất không chỉ là cuộc đua giành đất đai mà còn gây ra những ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn tài nguyên nước. Bởi lẽ khoảng 86% nguồn nước ngọt mà con người có thể khai thác được dành cho sản xuất nông nghiệp, chiếm dụng đất vì vậy cũng chính là chiếm dụng nguồn nước bao gồm cả nước mưa (nước xanh lục) và nước mặt và nước ngầm (nước xanh lam).

Ảnh: b-fair.net
Ảnh: b-fair.net

Khoảng 19% đất nông nghiệp toàn cầu là diện tích được tưới tiêu, sản xuất 40% sản lượng lương thực toàn cầu. Như vậy, khi diện tích đất chiếm dụng được tưới tiêu thì nguồn nước ở hạ nguồn và xung quanh đó sẽ bị giảm sút, có thể gây ra tình trạng khan hiếm nước, suy giảm chất lượng nước và kéo theo những bất ổn xã hội.

Khảo sát về sử dụng nước cho nông nghiệp tại 24 nước đứng đầu về diện tích đất bị chiếm dụng (chiếm 90% diện tích đất bị chiếm dụng toàn cầu) cho thấy lượng nước bị chiếm dụng ít nhất là tương đương với lượng nước xanh lục, nghĩa là nước mưa dùng cho nền nông nghiệp sử dụng nước mưa và nhiều nhất là bao gồm cả nguồn nước xanh lam khi mà đất đai được tưới tiêu thêm bằng nước mặt và nước ngầm để tối đa hóa sản lượng.

Theo nghiên cứu, mỗi năm sẽ có khoảng 308 tỷ m3 nước mưa và 11 tỷ m3 đến 146 tỷ m3 nước mặt và nước ngầm tùy theo phương thức tưới tiêu trên đất bị chiếm dụng trên toàn cầu.

Lượng tiêu dùng nước mưa và nước tưới tiêu để sản xuất nông nghiệp ở mỗi nước là khác nhau tùy thuộc vào điều kiện địa lý, khí hậu và loại hoa màu được gieo trồng vì thế lượng nước bị chiếm dụng cũng khác nhau ở mỗi quốc gia.

Quốc gia có lượng nước mưa bị chiếm dụng cao nhất là Indonesia, Philippines và CH Congo, trong khi đó tỷ lệ nước mặt và nước ngầm bị chiếm dụng nhiều nhất lại nằm ở Tanzania và Sudan.Với kịch bản tưới tiêu cho nông nghiệp ở mức tối đa, khu vực có lượng nước bị chiếm dụng cao nhất tính theo đơn vị diện tích là Cameroon và Tanzania với 2,68x104m3/ha và 2,03x104m3/ha. Những nước này cũng có mức nước mưa bị chiếm dụng nhiều nhất tính trên đơn vị diện tích. Nước tưới tiêu tính theo đơn vị diện tích bị chiếm dụng cao nhất là ở Papua New Guinea và Liberia.24 nước chiếm 90% diện tích đất bị chiếm dụng toàn cầu bao gồm Argentina, Úc, Brazil, Cameroon, CH Congo, Ethiopia, Gabon, Indonesia, Liberia, Madagascar, Morocco, Mozambique, Nigeria, Pakistan, Papua New Guinea, Philippines, CHDC Congo, Nga, Sierra Leone, Sudan, Tanzania, Uganda, Ukraine và Uruguay.

Lượng nước mưa bị chiếm dụng tương đối lớn so với nước mưa được sử dụng để trồng cấy lương thực (hoặc sản xuất năng lượng) ở các nước bị chiếm dụng đất. Thực tế này cho thấy rằng một phần đất bị chiếm dụng chưa hẳn đã được sử dụng cho nông nghiệp trước khi được chuyển giao.

Một số khu vực đất chiếm dụng được ghi nhận đã chuyển đổi từ các hệ sinh thái rừng và đồng cỏ. Do vậy, áp lực nhu cầu về đất nông nghiệp, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, có thể dẫn tới phá rừng hoặc làm suy thoái đất đai vốn đã tồn tại ở mức báo động ở hầu hết các quốc gia có đất bị chiếm dụng.

Ở một số quốc gia, lượng nước tưới tiêu bị chiếm dụng cũng tương đối lớn xét trên lượng nước tưới tiêu được sử dụng cho sản xuất nông nghiệp. Điều này đặc biệt gây quan ngại bởi tác động của nó có thể vượt ra ngoài phạm vi địa phương và gây ảnh hưởng tới khu vực hạ nguồn, làm bùng lên vấn đề khan hiếm nước, suy giảm chất lượng nước hoặc các xung đột xã hội.

Tháng 5/2012 Ủy ban An ninh Lương thực Thế giới của FAO (Tổ chức Nông Lâm Thế giới) đã chính thức thông qua Bản Hướng dẫn tự nguyện về quản trị có trách nhiệm quyền sử dụng đất, thủy sản và lâm nghiệp trong bối cảnh an ninh lương thực quốc gia. Điều này được kỳ vọng sẽ mang lại sự công bằng trong tiếp cận nguồn nước và đối với nông nghiệp quy mô nhỏ trước làn sóng chiếm dụng đất nông nghiệp quy mô lớn trên toàn cầu.