Dấu chân nước và phát triển bền vững

ThienNhien.Net – Độc giả hẳn đã khá quen thuộc với các thuật ngữ “dấu chân sinh thái”, “dấu chân carbon” nhưng khái niệm “dấu chân nước” và nội hàm của nó chắc vẫn còn khá xa lạ với nhiều người. Cuộc phỏng vấn dưới đây với ông Ruth Matthews thuộc Mạng lưới Dấu chân Nước, do phóng viên tờ China Dialogue thực hiện, hy vọng sẽ mang tới cho độc giả những hiểu biết thú vị và từ đó hướng đến việc giảm thiểu dấu chân nước của chính mình vì một tương lai bền vững chung của nhân loại.

PV: Xin ông cho biết dấu chân nước là gì?

Ruth Matthews: Dấu chân nước bao gồm 3 thành tố: Dấu chân nước xanh lục là lượng nước mà cây cối hấp thu có nguồn gốc từ nước mưa và không bị ngấm vào lòng đất. Dấu chân nước xanh lam là lượng nước lấy từ nước mặt hoặc nước ngầm sử dụng trong công – nông nghiệp. Dấu chân nước xám là lượng nước cần thiết để hòa loãng nguồn nước ô nhiễm, đáp ứng được tiêu chuẩn về chất lượng nguồn nước.

Ảnh: Liveearth.org

PV: Ngành nào có dấu chân nước lớn nhất thưa ông?

Ruth Matthews: Ngành nông nghiệp có dấu chân nước lớn nhất, chiếm 92% dấu chân nước xanh lam. Một số tài liệu ghi nhận ngành nông nghiệp sử dụng 70-72% nguồn nước, nhưng con số hơn 90% mà chúng tôi muốn nói tới ở đây là lượng nước thực được tiêu dùng, bao gồm cả dấu chân nước xanh lục.

Công nghiệp cũng sử dụng lượng nước đáng kể nhưng phần lớn lượng nước đó không bốc hơi hoặc tồn tại trong sản phẩm mà quay về nguồn. Ví dụ, các nhà máy điện dùng nước để làm mát nhưng lượng nước đó không bị mất đi và không bị tiêu tốn. Còn trong nông nghiệp, cây hút nước rồi đẩy ra không khí qua quá trình bốc hơi và tích trong quả.

PV: Xin ông giải thích về các vấn đề trong ngành cung ứng thịt và dấu chân nước lớn mà ngành này để lại?

Theo ước tính của Mạng lưới Dấu chân Nước, dấu chân nước trung bình cho mỗi calo năng lượng từ thịt bò cao gấp 20 lần dấu chân nước cho lượng calo tương đương từ ngũ cốc và cây lấy củ cho tinh bột. Sở dĩ chăn nuôi tốn nước như vậy vì phần lớn nguồn nước được sử dụng là để sản xuất thức ăn cho gia súc. Chẳng hạn, ở Mỹ, 68% lượng ngũ cốc sản xuất là phục vụ cho chăn nuôi.

Ruth Matthews: Đã có 1 nghiên cứu được thực hiện, riêng ở Trung Quốc, về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và sự gia tăng nhu cầu sử dụng thịt. Điều này gây áp lực gia tăng lên sản xuất nội địa và nhập khẩu thịt. Sản xuất thịt tiêu tốn rất nhiều nước, nhất là cho khâu sản xuất thức ăn gia súc. Trong một số trường hợp, thức ăn chăn nuôi là đồng cỏ tự nhiên và nước mưa nên lượng nước được đưa vào sản xuất thức ăn gia súc không nhất thiết tác động đến các nguồn tài nguyên nước xanh lam. Tuy nhiên, nếu chúng ta sử dụng cùng lượng nước mưa đó trồng đậu tương để nuôi bò lấy thịt thì chúng ta thu được ít protein hơn so với việc chúng ta trồng đậu tương và sử dụng trực tiếp nguồn protein từ đó. Và như vậy là chúng ta đang tạo ra thêm một sự thiếu hiệu quả trong hệ thống cung cấp thực phẩm của mình.

PV: Thiếu nước có thể ảnh hưởng thế nào đến chúng ta?

Ruth Matthews: Sự thật là các nước phát triển đang gia tăng “xuất khẩu” dấu chân nước của mình. Chẳng hạn, 42% dấu chân nước của châu Âu nằm nước ngoài. Ở một số nước châu Âu, con số này còn lớn hơn. Điều này cho thấy mối quan hệ giữa cư dân châu Âu với các lưu vực sông trên thế giới. Việc một đất nước quản lý nguồn tài nguyên nước của mình như thế nào cho thấy trách nhiệm của nước đó trong việc quản lý nguồn nước ở các lưu vực sông khác và sự đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ nguồn nước. Ở các nước đang phát triển, nơi mà các quy định về bảo vệ nguồn nước chưa chặt chẽ, nguồn nhân lực quản lý và thực thi còn nghèo nàn thì nông nghiệp được phát triển theo hướng mà nguồn nước chưa được bảo vệ nghiêm ngặt.

Những nước như Trung Quốc và Mỹ đang trong tình trạng khá thú vị. Họ sẵn có tài nguyên dồi dào vì diện tích đất đai lớn. Lượng nước xuất và nhập khẩu của Mỹ gần như nhau và vì thế nước này vừa đặt gánh nặng lên vai các quốc gia khác song cũng lại gánh một phần dấu chân nước cho các nước khác vì bản thân Mỹ cũng xuất khẩu hàng hóa, ví dụ như lúa mỳ.

PV: Chúng ta học được gì từ dấu chân nước?

RM: Với việc đánh giá dấu chân nước của mình, chúng ta có thể hiểu được nước được sử dụng như thế nào ở từng lưu vực sông và điều đó quan hệ thế nào tới lượng nước có ở con sông và lượng nước cần thiết mà con sông đó hoặc tầng ngậm nước cần có để duy trì được đa dạng sinh học, các dịch vụ sinh thái và sử dụng nước môt cách bền vững. Hiện nay, nhiều vùng xảy ra tình trạng là lượng nước có thể cung cấp luôn ít hơn lượng nước mà ngành nông nghiệp và các ngành khác sử dụng, gây ra tình trạng thiếu nước.

Một trong những điều mà chúng ta có thể thực hiện để đảm bảo an ninh lương thực là sử dụng hiệu quả và thông minh nguồn nước xanh lục. Chúng ta có thể giảm áp lực lên nguồn nước xanh lam từ sông hồ và tầng ngậm nước bằng cách tăng hiệu quả sử dụng nguồn nước mưa và như vậy dấu chân nước xanh lục cũng sẽ giảm đi.

PV: Phương pháp tốt nhất để giảm dấu chân nước là gì thưa ông?

Ruth Matthews: Khối tư nhân cần có trách nhiệm trong chuỗi cung ứng. Chẳng hạn, một công ty như Unilever khi bán sản phẩm của mình không những cần quan tâm đến “dấu chân hoạt động” mà cả dấu chân nước trong chuỗi sản phẩm của mình để đảm bảo rằng chính họ đang góp phần nâng cao tính bền vững và công bằng của dấu chân đó. Còn khối nhà nước thì cần có biện pháp quản lý dấu chân nước như cách họ quản lý GDP và xuất nhập khẩu.

Thống kê dấu chân nước có thể cho một quốc gia biết họ đang sử dụng nước như thế nào, mức sử dụng nước của mỗi ngành, sản phẩm được tạo ra và giá trị kinh tế của chúng. Nó còn cho biết lượng và giá trị nguồn nước “nhập khẩu” từ các dòng chảy và mối liên hệ của nó tới tình trạng khan hiếm và các điểm ô nhiễm nguồn nước cả trong và ngoài nước.