Quản trị tài nguyên khoáng sản còn nhiều bất cập

ThienNhien.Net – Không phủ nhận những đóng góp tích cực của ngành khai khoáng đối với sự phát triển của nền kinh tế, song nhiều đại biểu tham dự Hội thảo về quản trị tài nguyên khoáng sản do Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức sáng nay (08/10) đều thừa nhận, công tác quản trị tài nguyên khoáng sản còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần sớm được khắc phục.

Ảnh minh họa: ThienNhien.Net
Khai thác khoáng sản trái phép tại Cao Bằng (Ảnh: ThienNhien.Net)

Phát biểu và chia sẻ tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Võ Tuấn Nhân, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, Cục trưởng cục Kiểm soát hoạt động Khoáng sản Lại Hồng Thanh cùng một số ý kiến đều nhận định: Thời gian qua, công tác quản lý khoáng sản đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, hiện Nhà nước vẫn chưa kiểm soát được sản lượng khai thác của doanh nghiệp (doanh nghiệp tự kê khai) dẫn đến khó kiểm soát nguồn thu thuế tài nguyên; việc kiểm tra thực thi cũng chưa đạt hiệu quả do hạn chế về mặt kinh phí, lực lượng. Đặc biệt, công tác ban hành các văn bản hướng dẫn dưới Luật còn chậm, gây khó khăn cho hoạt động thẩm định hồ sơ cấp phép khoáng sản tại Trung ương cũng như địa phương.

Song song với đó, quy trình lập quy hoạch khoáng sản, nhất là việc bổ sung, điều chỉnh quy hoạch đã được phê duyệt cũng chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý liên quan cũng như giữa cơ quan quản lý về khoáng sản với các cơ quan thuế trong việc xác định sản lượng thuế, điều này dễ dẫn tới tình trạng thất thu ngân sách nhà nước.

Thêm nữa, việc thực hiện báo cáo định kỳ hoạt động khai thác thực tế của tổ chức, cá nhân cũng chưa được thực hiện nghiêm; trung bình chỉ có khoảng 30 – 40% tổ chức đang khai thác thực hiện; chế tài xử phạt còn thấp, chưa đủ sức răn đe; thông tin trong báo cáo định kỳ khai thác khoáng sản chưa đầy đủ, thiếu tính chính xác.

Nhằm gỡ vướng các bất cập nêu trên, nhiều giải pháp đã được đề xuất tại Hội thảo, trong đó hầu hết các ý kiến đều nhấn mạnh Việt Nam cần sớm hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đồng thời nâng cao tính khả thi của quy hoạch khoáng sản và chất lượng thẩm định hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản. Đặc biệt, cần sớm thúc đẩy việc tham gia Sáng kiến minh bạch trong ngành khai khoáng (EITI) để góp phần nâng cao hiệu quả quản trị tài nguyên trong thời gian tới.