Các nước hạ nguồn cần lên tiếng trước quyết định của Lào

ThienNhien.Net – Đó là khuyến cáo từ Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) trước quyết định của chính phủ Lào về việc tiến hành xây dựng đập Don Sahong trên dòng chính của sông Mê Kông mà không tuân theo quy trình tham vấn của Uỷ hội sông Mê Kông (MRC).

Ngày 30 tháng 9 năm 2013, chính phủ Lào đã thông báo với MRC về quyết định triển khai dự án đập thuỷ điện Don Sahong tại khu vực Siphandone, Nam Lào.

Dự kiến dự án sẽ bắt đầu được xây dựng vào tháng sau và hoàn thành vào tháng hai năm 2018. Quá trình vận hành thương mại được lên kế hoạch bắt đầu vào tháng 5 năm 2018, với toàn bộ nguồn năng lượng được lên kế hoạch phục vụ nhu cầu năng lượng trong nước.

Đập Don Sahong có chiều cao 30 mét và bắc qua cuối dòng chảy ở hạ du với chiều rộng 100 mét sẽ chặn đường di cư duy nhất của cá vào mùa khô, gây rủi ro lớn cho ngành thủy sản của khu vực.

Ảnh: Sông Mê Kông gần khu vực dự kiến xây đập Don Sahong (Ảnh: International Rivers)
Ảnh: Sông Mê Kông gần khu vực dự kiến xây đập Don Sahong (Ảnh: International Rivers)

Theo thoả thuận của MRC, tất cả các con đập xây trên dòng chảy chính của sông Mê Kông đều phải thông qua quy trình tham vấn các quốc gia láng giềng để đánh giá với mục tiêu đạt được sự đồng thuận trong quyết định nên hay không nên triển khai.

Tuy nhiên, tháng 11 năm ngoái chính phủ Lào đã đơn phương tiến hành xây dựng con đập Xayaburi khi chưa nhận được sự đồng thuận của MRC. Và nay, chính phủ Lào tiếp tục bỏ qua quy trình tham vấn trước vì cho rằng thủy điện Don Sahong chỉ nằm trên “dòng chảy bị phân dòng của sông Mê Kông”.

“Thật khó mà tưởng tượng rằng dòng Mê Kông có thể được khai thác một cách bền vững nếu như MRC không hoạt động hiệu quả, và không có khả năng đảm bảo các quyết định chung đưa ra về phát triển đập có lợi cho tất cả các bên.” – Tổng giám đốc của WWF Quốc tế – ông Jim Leape phát biểu.

Phản đối xây đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông, WWF cũng kêu gọi các quốc gia hạ nguồn sông Mê Kông xem xét các dự án thuỷ điện ít rủi ro và tác động hơn trên một số nhánh phụ của sông Mê Kông.

Bạch Dương/Diễn đàn Đầu tư