Đoàn chuyên gia IUCN thẩm định thực địa tại quần đảo Cát Bà

ThienNhien.Net – Ngày 29/9, đoàn chuyên gia Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) thẩm định thực địa tại quần đảo Cát Bà. Đây là ngày đầu thẩm định thực địa hồ sơ đề cử trình UNESCO công nhận quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới.

Tham dự đoàn có đại diện các sở, ngành, thành phố, Cục Di sản văn hoá (Bộ VHTTDL), Uỷ ban UNESCO Việt Nam, Vụ văn hoá và UNESCO (Bộ Ngoại giao), thành viên Ban quản lý Di sản thiên nhiên quần đảo Cát Bà và một số chuyên gia, nhà khoa học có liên quan.

Đảo ngọc Cát Bà (Ảnh: haiphong.gov.vn)
Đảo ngọc Cát Bà (Ảnh: haiphong.gov.vn)

Khảo sát thực địa tại khu vực rừng ngập mặn Phù Long, đoàn có ấn tượng tốt về cảnh đẹp tự nhiên ở đây với những dãy núi đá vôi xen kẽ. Theo cảm nhận của các thành viên đoàn IUCN, vẻ đẹp tự nhiên của Cát Bà không có gì thua kém so với Hạ Long và giữa hai địa danh có mối quan hệ, liên kết bởi hệ thống giao thông khá thuận lợi.

Qua quan sát, đoàn thẩm định nhận thấy có sự can thiệp tác động của con người ở khu vực rừng ngập mặn. Do vậy, các thành viên trong đoàn rất quan tâm đến giải pháp trả lại môi trường sinh thái tự nhiên, đặc biệt là giải quyết vấn đề nuôi trồng thuỷ sản của người dân xen kẽ trong rừng ngập mặn. Việc quản lý sản xuất nông nghiệp của người dân chung quanh hành lang vườn quốc gia Cát Bà cũng được đoàn đề cập và dành nhiều thời thảo luận.

Chiều cùng ngày, đoàn thẩm định IUCN đi thực địa tại đỉnh Ngự Lâm nơi có rừng kim giao nguyên sinh. Ở điểm cao nhất của đỉnh Ngự Lâm có thể nhìn bao quát hệ sinh thái quần đảo Cát Bà và các dãy núi đá vôi. Đoàn làm việc với Ban quản lý Dự án Voọc Cát Bà.

Hoạt động thực địa của đoàn IUCN là cơ hội để Hải Phòng giới thiệu giá trị thiên nhiên, đặc biệt là tính nổi bật toàn cầu về đa dạng sinh học của quần đảo Cát Bà. Đánh giá của đoàn thẩm định thực địa tại Cát Bà thiết thực góp phần hoàn thành các nội dung, luận cứ khoa học vững chắc, khẳng định rõ những giá trị nổi bật toàn cầu về đa dạng sinh học, tính toàn vẹn và hiệu quả quản lý của hồ sơ đề cử.

Dự kiến trong những ngày tới, đoàn thẩm định của IUCN tiếp tục đi thực địa tại Vườn quốc gia Cát Bà với các điểm: Mái gợ – Cây Cau (Áng Lúa cũ) – Cơm Kiêng – Áng Rí cây – Áng Giãn, Áng Sậy, Gia Luận, Áng De, Ao ếch, hang Quả vàng; tham quan rạng San hô và quan sát Voọc Cát Bà; vịnh Lan Hạ, đảo đèn Long Châu, tham gia các hoạt động sinh hoạt cộng đồng với người dân trên đảo, cùng nhiều hoạt động khác.