Vườn thú Hà Nội với công tác bảo tồn đa dạng sinh học

ThienNhien.Net – Bên cạnh việc bảo tồn quần thể trong hệ thống các VQG, Khu BTTN, thì việc tổ chức bảo tồn chuyển vị (ex-situ) cũng rất quan trọng. Các vườn thú được thành lập, ngoài việc đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách, còn là nơi tiến hành các công trình nghiên cứu khoa học về sinh học – sinh thái, chăn nuôi, thú y, môi trường, giáo dục bảo tồn… Vườn thú Hà Nội trong nhiều năm qua đã làm tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Đáng chú ý là có khá nhiều loài động vật được chuyển trực tiếp từ môi trường tự nhiên về nuôi dưỡng tại đây.

Việt Nam được đánh giá là một trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới. Đây là một tài sản vô giá, có ý nghĩa lớn không chỉ cho khoa học mà còn là nguồn lợi kinh tế do thiên nhiên ban tặng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau như: môi trường sống của các loài bị thu hẹp, khai thác quá mức, tình trạng buôn bán các loài động vật quý hiếm cùng với nhận thức của một bộ phận cộng đồng chưa cao đã có tác động xấu đến quần thể các loài sinh vật đặc biệt đối với các loài đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Vì vậy, sự nghiệp bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên động vật hoang dã Việt Nam là vô cùng quan trọng – mang tính chiến lược.

Bên cạnh bảo tồn quần thể trong hệ thống các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên trên phạm vi cả nước, việc tổ chức bảo tồn chuyển vị (ex-situ) cũng vô cùng quan trọng. Chính vì vậy mà Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Vườn Thú Hà Nội ngày nay, trước đây là Vườn thú Hà Nội, có vai trò quan trọng trong việc sưu tầm, nuôi dưỡng, trung bày động vật hoang dã kể cả các loài động vật nuôi. Đây không chỉ là môi trường thuận lợi nhằm phục vụ khách thăm quan mà còn là một trung tâm nghiên cứu, giáo dục về sự bảo tồn chuyển vị nhiều loài động vật hoang dã đặc hữu, quý hiếm có tên trong Sách Đỏ của Việt Nam và Thế giới. Đó là các loài động vật thuộc họ chim Trĩ (Phasianidae), họ Cầy (Veverridae), họ Vượn (Hylobatidae), họ Khỉ (Cercopithecidae), họ Mèo (Felidae)… Nhờ sự nỗ lực của toàn thể cán bộ công nhân viên, đến nay Vườn Thú Hà Nội đã thu thập, tổ chức nuôi dưỡng gần 100 loài và loài phụ động vật với khoảng 800 cá thể thuộc các lớp lưỡng cư – bò sát, chim và thú đang được trưng bầy theo các mô hình khác nhau đã góp phần giới thiệu về sự đa dạng của khu hệ động vật Việt Nam và thế giới.

Một đặc trưng của Vườn Thú Hà Nội là có nhiều loài động vật được chuyển trực tiếp từ môi trường tự nhiên về nuôi dưỡng tại vườn. Đó là một khó khăn không nhỏ, bởi vì cần phải có các biện pháp thích hợp để tạo điều kiện cho động vật thích nghi với điều kiện sống mới, nên những thành công trong việc nhân giống, bảo tồn các loài trong điều kiện nuôi ở Vườn Thú càng có ý nghĩa. Thực vậy, trong thời gian qua, Vườn Thú Hà Nội đã được giới chuyên môn trong nước và nước ngoài đánh giá cao và ghi nhận về sự thành công đầu tiên trên thế giới trong việc nhân giống loài Gà lôi lam đuôi trắng (Lophura hatinhen-sis) năm 1993, Cá cóc Tam Đảo (Paramesotriton de loustal) năm 1995, là những loài động vật đặc hữu của Việt Nam, Trĩ sao (Rheinartia ocel-lata) năm 1997, lần đầu tiên ở Việt Nam đã cho loài Ngựa hoang (Equus przewalskii) sinh sản năm 1998, đặc biệt loài Hổ Đông Dương (Panthera tigris corbetti) cũng đã sinh sản trong điều kiện nuôi, loài Vẹt vàng xanh Nam Mỹ (Ara ararauna) đã sinh sản năm 2003, nuôi bộ giống chim Già đẫy non (Leptoptilos) đã phát triển tốt vào dịp tháng 4/2006 và một số loài động vật quý hiếm khác là những minh chứng, làm cơ sở để Vườn Thú Hà Nội đoạt Giải Ba, giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 1997 thuộc lĩnh vực Sinh học phục vụ cuộc sống. Với sự năng động sáng tạo của Ban Giám đốc, của cán bộ khoa học kỹ thuật, Vườn Thú đã và sẽ là nơi có sự giao lưu, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học trong cả nước và quốc tế như tổ chức SEAZA, các vườn động vật thuộc Cộng hoà Liên bang Đức, Hà Lan, Hội Động vật học Việt Nam, Hội Sinh học Việt Nam…

Với những thành tựu to lớn trong việc tổ chức công nghệ nhân nuôi sinh sản và trưng bầy sinh động về sự đa dạng các loài động vật cùng với sự phát triển của Vườn Thú về cơ sở hạ tầng, cảnh quan… đã thu hút du khách đến thăm quan, vui chơi, giải trí ngày một đông, đặc biệt với các học sinh sinh viên, thầy cô ở mọi miền Tổ quốc, đưa số lượng khách liên tục trong nhiều năm qua đạt trên 1,5 triệu lượt người vào thăm mỗi năm. Rõ ràng đây là điểm phục vụ cho việc thăm quan giải trí, vui chơi có hiệu quả ở Thủ đô.

Vườn Thú Hà Nội không chỉ là nơi thăm quan mà còn là nơi tiến hành các công trình nghiên cứu khoa học về sinh học – sinh thái, chăn nuôi, thú y, môi trường, giáo dục bảo tồn… Một số công trình đã được Hội đồng nghiệm thu thành phố đánh giá đạt kết quả tốt, có tính khoa học và ứng dụng thực tiễn cao. Tiêu biểu là các đề tài khoa học: “Nghiên cứu xây dựng quy trình nhân nuôi bảo tồn một số loài động vật quý hiếm tại Vườn Thú Hà Nội”, năm 1999-2000; “Nghiên cứu xây dựng chương trình giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường”, năm 2000; “Tình hình bệnh tụ huyết trùng ở chim họ Trĩ (Phasianidae) – Phân lập mầm bệnh, chọn chủng chế Auto vacxin thử nghiệm phòng bệnh”, năm 2001-2002… Những kết quả nghiên cứu này đã được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và nước ngoài, là cơ sở cho việc bảo vệ thành công 05 luận văn thạc sỹ và nhiều luận văn đại học, đội ngũ cán bộ quản lý, khoa học kỹ thuật của Vườn Thú Hà Nội trong những năm gần đây.