Ngang nhiên phá rừng, lấn đất ở Tiểu khu 192

ThienNhien.Net – Anh Lê Danh Nhật, bảo vệ chốt đi cùng chúng tôi chỉ từng đám keo, số mới trồng, số đã cao ngang bụng người, diễn giải: “Anh xem. Mạnh ai nấy chiếm. Mỗi hộ bao lấy mỗi vùng. Tùy theo nhân lực mà hình thành nên vô số khoảnh lớn nhỏ khác nhau… Đất của Công ty mà họ làm như đất của mình vậy…

Cán bộ chức năng chỉ ra những vi phạm của người dân.
Cán bộ chức năng chỉ ra những vi phạm của người dân.

Bất lực

Trên cơ sở quy hoạch phát triển cây cao su tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, ngày 29-8-2011, tỉnh đã ra quyết định chuyển đổi 517,7 héc-ta rừng và đất lâm nghiệp sang trồng cao su tại tiểu khu (TK) 192, 193 xã Hòa Hải (Hương Khê). Ngày 26-10-2012, Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê (Công ty CSHK) được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao và cho thuê 324,5 héc-ta rừng và đất rừng ở TK 192 để trồng cao su.

Công ty CSHK đã tiến hành đầy đủ các thủ tục cần thiết về giao nhận đất, rừng và phối hợp với các ngành, địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến, công khai phương án trồng cao su để người dân biết và kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án trên diện tích được giao.

Công ty CSHK đã hoàn tất các khoản tài chính phải nộp theo quy định. Dự kiến, khi dự án đi vào hoạt động, công ty sẽ tuyển khoảng 100 người dân địa phương vào làm công nhân, chưa kể số hợp đồng, ăn theo dịch vụ khác; đồng thời, tạo điều kiện để địa phương phát triển cao su tiểu điền hay liên kết góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho xã miền núi nghèo Hòa Hải.

Mọi việc tưởng chừng “thuận buồm”, nhưng đến ngày 22-11-2012, khi Công ty này đưa máy vào mở đường để trồng cao su tại khoảnh 11, TK 192 thì bốn công dân xóm 11 đã có hành động ngăn cản, đồng thời sẻ phát, bao chiếm một số diện tích đất rừng để trồng keo.

Trước tình hình trên, UBND xã đã mời các công dân này lên làm việc. Thế nhưng không lâu sau đó, ngày 5-12-2012, khi Công ty phối hợp với Công an huyện, xã và đồn Biên phòng bảo vệ khai hoang, thì có đến 13 hộ dân xóm 11 ra ngăn cản. Và theo báo cáo của UBND xã Hòa Hải, có thời điểm xuất hiện tới bốn đảng viên, ba CCB, 42 thành viên Hội Nông dân, 11 hội viên Hội Phụ nữ… vào lấn chiếm, sẻ phát đất rừng trái phép tại TK 192.

Theo đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản yêu cầu các ngành, địa phương liên quan và Công ty CSHK phối hợp đảm bảo an ninh trật tự và phát triển cao su tại xã Hòa Hải; đồng thời, chỉ đạo địa phương khẩn trương rà soát lại diện tích đất lâm nghiệp do xã quản lý, trên cơ sở nhu cầu chính đáng của người dân xây dựng phương án ưu tiên cho các hộ dân ở xóm 10, 11 được giao đất, rừng kịp thời để phát triển sản xuất. Ngoài ra, huyện Hương Khê đã thành lập tổ công tác do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm trưởng đoàn cùng với địa phương và Công ty CSHK tổ chức tuyên truyền, vận động, đối thoại với nhân dân và xử lý vi phạm.

Nhưng việc thực thi không đơn giản. Phóng viên NDĐT đã vài lần “đột nhập” vào TK 192 và thấy tận mắt sự “bất lực” của địa phương và doanh nghiệp.

Phía ngoài, Công ty CSHK phối hợp với địa phương lập các chốt chặn trên các đường độc đạo vào TK 192 ngăn không cho người vào rừng sẻ phát trái phép, nhưng bên trong, dân làm lán tạm bên khe suối cùng các vật dụng xoong nồi, bát đĩa. Không chỉ tự ý lấn chiếm rừng và đất rừng có chủ, những hộ dân này còn “cả gan” đốt thực bì để trồng keo ngay trong thời điểm nắng nóng.

Anh Lê Danh Nhật, bảo vệ chốt đi cùng chúng tôi chỉ từng đám keo, số mới trồng, số đã cao ngang bụng người, diễn giải: “Anh xem. Mạnh ai nấy chiếm. Mỗi hộ bao lấy mỗi vùng. Tùy theo nhân lực mà hình thành nên vô số khoảnh lớn nhỏ khác nhau… Đất của Công ty mà họ làm như đất của mình vậy. Bảo vệ bọn em khó xử lắm. Làm căng thì sợ xảy ra đụng độ như ở xã Hương Giang trước đây. Mà nhẹ nhàng với họ thì chẳng ích gì…”.

Trên đường, không ít lần tôi gặp xe máy mang theo cả thùng chở cây keo giống, dựng lòi đuôi trong những lùm cây ven theo lối mòn nằm sâu trong các chốt chặn, gây khó dễ cho lực lượng bảo vệ lẫn chính quyền địa phương.

Quyền Tổng Giám đốc Công ty CSHK Trần Thanh Hà còn cho biết: “Ở những khu rừng keo nguyên liệu chuyển sang cao su, chúng tôi phải tập trung nhân lực vừa thu hoạch keo, vừa tiến hành đào lỗ và trồng cao su luôn đến đó. Chỉ cần để trống đất một vài ngày là người dân trồng keo, bất chấp luật pháp”.

Bất lực trước cảnh người dân đốt phá.
Bất lực trước cảnh người dân đốt phá.

Nguy hại khó lường

Ngày 3-7-2013, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn sau khi đi thực tế nắm tình hình và làm việc với lãnh đạo xã Hòa Hải (từ thôn trưởng trở lên), đã nêu rõ nguyên nhân chủ yếu là do sự non yếu của các cấp chính quyền của các cấp chính quyền địa phương, ngành chuyên môn.

Ông còn cho hay, việc để người dân ngang nhiên lấn chiếm đất, rừng trái pháp luật, vi phạm Luật đất đai, Luật bảo vệ rừng nhưng không kịp thời xử lý theo đúng quy định, thiếu biện pháp đồng bộ, hiệu lực thấp làm tình hình thêm phức tạp; sự phối hợp giữa các ngành, chính quyền địa phương và doanh nghiệp chưa tốt, nhất là chính quyền địa phương và doanh nghiệp trong giải quyết các vướng mắc phát sinh.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về đất lâm nghiệp còn yếu kém, tồn tại kéo dài.

Để tạo sự đồng thuận của người dân xóm 11, UBND xã Hòa Hải cùng Tổ công tác của huyện phải tổ chức rất nhiều cuộc họp bàn, đối thoại, nhưng không có kết quả. Cuộc đối thoại với người dân vào tối ngày 13-8, không hiểu lý do gì mà tổ công tác của huyện không có ai dự.
Báo cáo của Công ty CSHK đã nêu rõ: Dù được thuê đất từ cuối năm ngoái nhưng đến nay, doanh nghiệp vẫn không thể tiến hành trồng cao su trên diện tích được cấp, Hiện nay, diện tích rừng bị dân lấn chiếm trái phép “da báo” tại TK 192 lên đến gần … 200 héc-ta.

Theo Q. Tổng giám đốc Công ty CS HK Trần Thanh Hà, Công ty phải chi 5,8 tỷ đồng cùng một khoản lớn đầu tư hạ tầng vào đây để… đối mặt với nguy cơ không hoàn thành kế hoạch và những hệ lụy đi kèm.

Bùng nhùng ở TK 192 còn tạo ra một tiền lệ xấu: một số người dân ở các địa phương khác “đua nhau” vào xâm chiếm hoặc tái xâm chiếm đất, rừng đã có chủ.

Điển hình như ngày 7-8, ông Trần Hà ở xóm Bình Trung, xã Hương Bình (Hương Khê) cùng bốn hộ dân ngang nhiên vào trồng cây trái phép tại khoảnh 11, TK 192. Mà theo “lý” của người vi phạm thì “Hòa Hải xâm lấn được thì chúng tôi cũng xâm lấn được(!)”

Ngày 17-8, Công ty đã phát hiện một số người dân ở xóm 5, xóm 6 (Hòa Hải) vào sẻ phát, trồng cây trái phép tại lô 6 (khoảnh 1) TK 179. Gần đây, nhiều hộ dân xã Hương Giang bị số đối tượng lôi kéo, tiếp tục vào sẻ phát, lấn chiếm đất, rừng trái phép tại TK 195 và TK 200 (xã Hương Giang). Xin được nói thêm, tại các tiểu khu này, cách đây ba năm, từng là “điểm nóng” đã xảy ra tranh chấp, đụng độ với lực lượng bảo vệ, chặt phá cây cao su…

Theo Hạt trưởng hạt kiểm lâm Hương Khê Nguyễn Sỹ Lương, sau sự kiện TK 192, việc xâm lấn đất rừng trái phép có chiều hướng gia tăng tại các khu vực thượng nguồn sông Ngàn Sâu, sông Tiêm, Công ty Chúc A… Một vấn đề khá phức tạp, là do đất, rừng đều đã có chủ, trong lúc một số hộ dân ở gần rừng có nhu cầu về đất để trồng rừng không được giải quyết nên đã xảy ra việc xâm lấn đất, rừng trái phép một cách âm ỉ và diễn ra khá lâu, lại không được các cấp chính quyền quan tâm giải quyết dứt điểm. Thậm chí có nơi, một số đối tượng còn lôi kéo người dân ồ ạt chiếm rừng trái phép, tự do sẻ phát, trồng cây, tiềm ẩn tạo ra những điểm nóng.

Trong lúc chờ giải pháp đồng bộ, Công ty CS HK đã chấp nhận hỗ trợ bằng tiền mặt với diện tích mà các hộ dân đã tự ý xâm lấn, sẻ phát, trồng keo trên diện tích mà công ty đã được UBND tỉnh cho thuê; hỗ trợ 50% kinh phí thuê tư vấn lập hồ sơ, thủ tục cấp quyền sử dụng đất cho các hộ dân… phát sinh lên đến hàng tỷ đồng.

Cùng với đó, Công ty cam kết ưu tiên sử dụng lao động tại địa bàn; làm đường giao thông vào vùng sản xuất cho người dân; lồng ghép các dự án đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn… Tất cả chỉ để đổi lại việc thi công khai hoang, trồng cao su trên diện tích 153,4 héc-ta, tại TK 192 (nằm ngoài diện tích mà các hộ dân đã sẻ phát, lấn chiếm), lo việc làm cho 134 công nhân ở Nông trường Hương Long (trong đó có nhiều công nhân là người dân trong vùng) cùng hàng chục vạn cây cao su giống đã quá lứa…

Hướng giải quyết vấn đề trên đã được tỉnh và huyện Hương Khê đề ra khá căn bản trong các văn bản chỉ đạo gần đây. Tuy nhiên, ngoài văn bản, tỉnh Hà Tĩnh cần chỉ đạo huyện Hương Khê cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các giải pháp để giải quyết dứt điểm việc xâm lấn đất, rừng trái phép tại TK 192 không để phức tạp, kéo dài…