Kênh Tham Lương sẽ hồi sinh vào năm 2015

ThienNhien.Net – Nước thải được thu gom xử lý, dọc kênh có đường giao thông giống kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.

“Khi dự án hoàn thành (dự kiến vào năm 2015 – PV), tuyến kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên sẽ được hồi sinh giống kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè” – ông Nguyễn Ngọc Công, Phó Giám đốc Trung tâm Chống ngập TP.HCM, khẳng định tại buổi giám sát dự án Tiêu thoát nước và giải quyết ô nhiễm kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên của Ban Kinh tế – Ngân sách (KT-NS) HĐND TP, ngày 3-9.

27.000 tỉ đồng để hồi sinh tuyến kênh

Ông Công cho biết mục tiêu của dự án là giải quyết ngập úng và cải thiện môi trường cho khu vực rộng gần 15.000 ha, bao gồm các quận/huyện 8, 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Bình Chánh. Giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư gần 2.000 tỉ đồng (riêng chi phí giải phóng mặt bằng đã hơn 1.500 tỉ đồng), dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2013. Giai đoạn này chủ yếu xây đê bao, nạo vét kênh với chiều dài toàn tuyến hơn 32 km. Sau đó sẽ triển khai tiếp giai đoạn 2 theo hình thức BT hoặc BOT với tổng mức đầu tư hơn 25.000 tỉ đồng.

“Giai đoạn 2 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, gồm các dự án thành phần như mở đường giao thông dọc kênh, xây hệ thống tuyến cống bao để thu gom nước thải. Hai đầu tuyến kênh sẽ có hai cống ngăn triều kết hợp với âu thuyền và có hai nhà máy xử lý nước thải. Khi dự án hoàn thành, nước kênh sẽ được thu gom xử lý tương tự ở dự án Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Cuộc sống người dân ven kênh sẽ được cải thiện rất nhiều” – ông Công thông tin.

Câu chuyện muôn thuở: Vướng mặt bằng

Ông Trần Đăng Nghĩa, Phó ban Quản lý dự án công trình, thuộc Trung tâm Chống ngập (chủ đầu tư dự án), cho biết thêm: Hiện giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành 27/32,9 km bờ đê cần phải thực hiện. Thời gian qua, dự án chậm tiến độ là do vướng công tác bàn giao mặt bằng. Cụ thể, dù UBND TP đã có văn bản chỉ đạo đến 30-8-2013 phải hoàn tất việc giải phóng mặt bằng nhưng hiện vẫn còn 543 trường hợp chưa di dời. Nhiều nhất ở đoạn thuộc phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân với 473 hộ.

Ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban KT-NS – HĐND TP, cho rằng dự án có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần thay đổi diện mạo của TP. Do đó các đơn vị liên quan phải khẩn trương giải quyết các vướng mắc, nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư tổ chức thi công để dự án kịp tiến độ. “Trong tháng 9, chúng tôi sẽ làm việc với UBND quận Bình Tân để tìm hướng giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng” – ông Đông quyết liệt.

Tuyến kênh Tham Lương sẽ được cải tạo như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: T.THANH
Tuyến kênh Tham Lương sẽ được cải tạo như kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Ảnh: T.THANH

Để dòng kênh Tham Lương – Bến Cát sớm hồi sinh, ông Đông lưu ý: Ngay từ bây giờ, cần các quận/huyện có dự án đi qua phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường cho người dân cũng như chủ các cơ sở sản xuất dọc kênh chứ không phải đợi khi dự án hoàn thành rồi mới thực hiện. “Sáng nay, khi đi canô dọc kênh, tôi thấy vẫn còn tình trạng công nhân vệ sinh vứt rác xuống kênh, các nhà máy vẫn còn xả nước thải ô nhiễm ra kênh. Hình như ai cũng có tâm lý rằng sau này dự án sẽ giải quyết ô nhiễm nên bây giờ cái gì dơ thì cứ vứt hết ra kênh. Điều này cần phải chấn chỉnh ngay từ bây giờ!” – ông Đông dẫn chứng.