Tàn phá rừng Tà Xùa

ThienNhien.Net – Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Xùa rộng 17.650 ha. Về hành chính, Khu Bảo tồn thuộc địa bàn xã Suối Tọ và xã Mường Thải, huyện Phù Yên; xã Háng Đồng và xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên (Sơn La). Đây là khu bảo tồn có tính đa dạng sinh học cao với 613 loài thực vật, 348 loài động vật… Tuy nhiên, từ năm 1990 đến nay, rừng nơi đây liên tục bị phá, nhất là loại gỗ pơ mu đang đứng trước nguy cơ tuyệt diệt.

Ngược núi xem pơ mu bị “giết”

Theo phản ánh của người dân, chúng tôi lên Làng Sáng, xã Háng Đồng (Bắc Yên, Sơn La), nơi có 82 hộ dân tộc Mông sinh sống, nằm chon von trên những đỉnh núi quanh năm được ủ trong những làn sương trắng bạc. Đây cũng là điểm giáp ranh với xã Suối Tọ (Phù Yên) và xã Bản Mù (Trạm Tấu, Yên Bái), khu vực mà người dân phản ánh về tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.

Người dân chỉ điểm

Đường vào Háng Đồng vô cùng khó khăn, nhất là khi có những đợt mưa. Sau 5 tiếng xuất phát từ Hà Nội để có mặt tại huyện Bắc Yên, chúng tôi phải mất thêm gần 4 tiếng đồng hồ đi xe ôm vượt qua hơn 20 km đường đất, con dốc như có ai cố tình đổ mỡ ra mặt đường, để có mặt tại trung tâm xã Háng Đồng.

Cũng bởi đường đi lại khó khăn như vậy nên đồng bào nơi đây đã có sáng kiến cuốn xích vào bánh sau cho dễ đi để an toàn hơn là đi “xe của bộ”.

8 giờ tối, khi mưa đã giăng kín các cánh rừng cũng là lúc chúng tôi đặt những bước chân rệu rã tại trung tâm xã Háng Đồng. Như đã thống nhất từ trước, sau khi vào tá túc tại nhà một người dân, mọi người lặng lẽ cơm nước rồi nghỉ ngơi lấy sức để mai ngược núi chứng kiến những thân cây pơ mu 3 – 4 người ôm bị tàn sát ra sao.

Gần 5 giờ sáng, khi cái lạnh, mưa và sương mù còn bao trùm những đỉnh núi và những mái nhà gỗ nơi đây thì cũng là lúc chủ nhà đánh thức chúng tôi dậy: Các cháu dậy ăn sáng rồi chuẩn bị lên đường. Đợi lát nữa là nó (người dẫn đường cho chúng tôi) sẽ đến. Các cháu phải nhớ không được nói mình là nhà báo nhé. Nếu không sẽ ảnh hưởng đến những người thông tin và dẫn đường khi tới khu vực giáp ranh.

Gần 5 giờ 30 phút, mưa có phần nặng hạt hơn. Sau khi chuẩn bị các vật dụng thiết yếu cho mấy ngày xuyên rừng sắp tới, trong đó không thể thiếu là chiếc gậy đi đường và gói cơm trưa dọc đường do chủ nhà chuẩn bị cho, người dẫn đường đã tới và chúng tôi 5 người lầm lũi khoác áo mưa hướng vào phía rừng đặc dụng Tà Xùa.

Khoảng 1 tiếng đồng hồ xuất phát từ trung tâm xã, chúng tôi có mặt tại khu vực cửa rừng, nơi đường ô tô mở đến đây thì tạm dừng thi công vì lý do cần phải giữ rừng. Bởi trước đó, khi đường ô tô mở tới đâu là người dân lại di chuyển đến đó với mục đích khai thác gỗ.

Cũng bởi tạm dừng thi công tuyến đường lên Làng Sáng nên trong chuyến này không còn bắt gặp những chiếc lán căng bạt do người dân dựng lên để tiện việc khai thác gỗ như năm 2010.

Gỗ cất giấu tại khu vực bản Làng Sáng để chờ chuyển xuống suối Làng Sáng (Ảnh: Đại Sơn/Báo Nông nghiệp Việt Nam)
Gỗ cất giấu tại khu vực bản Làng Sáng để chờ chuyển xuống suối Làng Sáng (Ảnh: Đại Sơn/Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Bắt đầu từ khu vực cửa rừng, hình ảnh rừng đặc rụng Tà Xùa bị tàn sát hiện ra trước mắt rõ hơn với những thân cây nằm chỏng lỏng phía tà luy âm hay những gốc cây có chu vi 2 – 3 người ôm đã bị lâm tặc xẻ trước đó cùng những hộp gỗ nằm hai ven đường.

Chỉ tay về phía những hộp gỗ nằm ven đường, người dẫn đường giải thích: Gỗ đó là gỗ dổi, kích thước đó là do người dân sở tại xẻ để làm nhà. Còn loại gỗ do lâm tặc xẻ trộm cho các đầu lậu dưới huyện Phù Yên là gỗ pơ mu, có kích cỡ khác. Cứ đi khoảng 30 phút nữa là sẽ thấy ngay thôi.

Đúng như lời người dẫn đường, tiếng là rừng đặc dụng nhưng suốt từ khu vực cửa rừng, chúng tôi bắt gặp rất nhiều khu vực rừng bị tàn sát với những bìa bắp, thân, cành của loại gỗ pơ mu do lâm tặc bỏ lại sau khi đã lấy hết những phần có giá trị.

Trong đó có khá nhiều những gốc pơ mu có chu vi 3 – 4 người ôm do lâm tặc chặt hạ trước đó nằm chơ ra như những chiếc cọc cắm trên mặt đất. Cứ khu vực nào có gốc pơ mu bị chặt là y rằng cây cối nơi đó bị đổ theo, làm quang cả một khoảng rừng…

Cũng theo lời người dẫn đường, đây chỉ là ven đường đi, nếu tỏa ra hai bên đường thì hình ảnh pơ mu bị tàn sát sẽ còn nhiều hơn. Tuy nhiên, mục đích chính của chúng tôi là hướng về khu vực Làng Sáng, nơi mà theo người dân điện thoại thông tin rằng “có khoảng 1.000 hộp gỗ do lâm tặc xẻ đang chuẩn bị được chuyển xuống Phù Yên và sang bên kia huyện Trạm Tấu thuộc Yên Bái”.

Khu vực giáp ranh của rừng đặc dụng Tà Xùa bị tàn phá nặng nhất
Khu vực giáp ranh của rừng đặc dụng Tà Xùa bị tàn phá nặng nhất (Ảnh: Đại Sơn/Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Súng nổ

Càng đi vào sâu trong rừng đặc dụng, đường càng khó đi, dốc nhiều hơn, đường đất dính hơn bởi mưa vẫn không ngừng rơi. Lúc này, thời gian cả nhóm xuyên rừng đã gần 4 tiếng đồng hồ. Mặc dù, trời đã sáng nhưng mây mù và mưa vẫn bao trùm lên khu vực chúng tôi có mặt.

Ngạc nhiên hơn là cùng với hình ảnh loại gỗ pơ mu bị tàn sát trong rừng đặc dụng, còn bắt gặp cả những khoảng rừng do người dân xâm lấn trồng lúa nương, những tiếng cưa máy thi thoảng lại rền vang hay những tiếng súng nổ trong rừng (theo người dẫn đường thì đó là tiếng súng kíp).

Suốt chặng đường qua, bắt gặp không ít những thân cây pơ mu nằm vắt ngang lối đi do lâm tặc chặt hạ trước đó nhưng chưa kịp xẻ và đã xẻ được một phần hay những đống gỗ dùng để làm nhà được chất thành đống…

Trên đường tới gần bản Làng Sáng, ngoài việc bắt gặp cảnh người dân gùi những tấm gỗ pơ mu về làm nhà thì dưới chân chúng tôi hiện rõ những vết gỗ vừa mới được kéo qua hằn trên mặt đất.

Thậm chí, khi cách trung tâm bản khoảng 3 km đi bộ còn nhìn thấy cảnh người dân kéo gỗ phía xa từ trên dốc xuống phía dưới mà theo lời người dẫn đường là khu vực tập kết gỗ của lâm tặc, để xuống được đó phải mất hơn tiếng đồng hồ…

Lúc này đã gần 5 giờ chiều, cả nhóm vào tá túc nhà một người dân ở bản là người quen của người dẫn đường. Đây cũng là nơi chúng tôi sẽ ngủ qua đêm để lấy sức cho sáng mai còn thâm nhập vào nơi tập kết gỗ dưới khu vực suối Làng Sáng. Bởi chặng đường xuống khu vực đó chủ yếu là dốc, đường rất trơn do mưa.

Sau bữa cơm, cả nhóm quây quanh bếp lửa của gia chủ bàn bạc cách thức ngày mai thâm nhập xuống khu vực tập kết gỗ làm sao để an toàn và thuận tiện. Tuy nhiên, qua lời chủ nhà được biết, đội quân phá rừng hơn 30 người đến từ bản Tà Ghênh (Trạm Tấu) và bản Phai Làng (Phù Yên) đã rời đi từ 2 hôm trước rồi, chỉ còn lại 2 hay 3 người ở lại trông gỗ thôi.Bởi trước đó, có 2 đoàn gồm cả lãnh đạo, công an xã và nhà báo tỉnh xuống chụp ảnh nên họ đã tạm rời đi vì họ tưởng đó là lực lượng chức năng tới bắt gỗ. Toàn bộ số gỗ đã được chuyển đi một phần xuôi theo suối Làng Sáng hay sang phía bên kia vùng giáp ranh, chỉ còn lại khoảng 700 hộp gỗ với một nửa đã được tập kết dưới khu vực suối, một số được giấu ven rừng và tại nhà một người trong bản.