Giải quyết hiệu quả vấn đề rác thải nông thôn

ThienNhien.Net – Một trong những giải pháp đơn giản, hiệu quả và có tính khả thi cao để giải quyết vấn đề quản lý, xử lý chất thải sinh hoạt tại khu vực ngoại thành Hà Nội là thực hiện phân loại rác tại nguồn và sử dụng rác hữu cơ làm phân bón cho cây trồng. Phương pháp này không những giải quyết được vấn đề môi trường mà còn tận dụng được các thành phần có ích trong rác thải, góp phần mang lại lợi ích kinh tế cho người nông dân.

Mỗi ngày, tại khu vực ngoại thành Hà Nội có khoảng 2.316 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh. Trong đó, rác hữu cơ chiếm khoảng 40 – 53%. Lượng rác này phần lớn đều không được phân loại mà bị trộn lẫn và được các tổ thu gom đưa đi chôn lấp tại các bãi tập trung của xã. Điều này dẫn đến một nghịch lý là trong khi phải tốn khá nhiều tiền để mua các loại phân vô cơ thì mỗi ngày người nông dân đang bỏ đi hàng nghìn tấn chất thải hữu cơ mà lẽ ra chỉ cần xử lý đơn giản, ít tốn kém là có thể sử dụng làm phân hữu cơ để bón cho cây trồng.

Không những thế, phân loại rác tại nguồn và làm phân bón từ rác hữu cơ không chỉ giúp bà con tăng thu nhập nhờ tiết kiệm chi phí mua phân bón vô cơ… mà còn làm giảm lượng rác thải mỗi ngày, góp phần giảm gánh nặng cho công tác thu gom và xử lý chất thải rắn, tạo ra môi trường sống trong lành hơn cho người dân.

Mỗi ngày, tại khu vực ngoại thành Hà Nội có khoảng 2.316 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh (Ảnh: Diệu Hương/Báo Hànộimới)
Mỗi ngày, tại khu vực ngoại thành Hà Nội có khoảng 2.316 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh (Ảnh: Diệu Hương/Báo Hànộimới)

Nhận thức rõ được vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp với Hội Nông dân thành phố triển khai thí điểm mô hình “Thu gom, phân loại rác tại nguồn và hướng dẫn sử dụng rác thải hữu cơ làm phân bón cho cây trồng“. Đây là một mô hình vì lợi ích cộng đồng và huy động sự tham gia của cộng đồng. Mục tiêu của mô hình là nâng cao kiến thức, thay đổi hành vi bảo vệ môi trường, hướng dẫn người dân cách phân loại rác thải tại nguồn, sử dụng rác thải hữu cơ làm phân bón cho cây trồng nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân.

Xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, có 1.220 hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó có 581 hộ trồng rau với nguồn rác thải hữu cơ lớn được lựa chọn để triển khai thí điểm mô hình. Tại đây, sau khi khảo sát cụ thể, căn cứ trên cơ sở những thông tin thu thập được từ 200 hộ gia đình tại xã Tiền Yên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Hội Nông dân tiến hành phân tích, đánh giá hiện trạng, xây dựng kế hoạch và nội dung chương trình triển khai mô hình này.

Mục tiêu hướng tới của chương trình là giúp người nông dân thấy rõ lợi ích của phân loại rác và tái chế rác làm phân bón hữu cơ; cung cấp kiến thức và hướng dẫn cho người dân về cách thức phân loại rác và làm phân bón từ rác hữu cơ. Đồng hành với người dân trong quá trình thực hiện mô hình tại gia đình còn có các cán bộ của Hội Nông dân huyện Hoài Đức, Hội Nông dân xã Tiền Yên nên việc triển khai khá nhanh và hiệu quả.

Trong khuôn khổ chương trình triển khai thí điểm mô hình, ngày 12/8 vừa qua, Hội nghị “Chuyển giao kiến thức phân loại rác thải tại nguồn, sử dụng rác thải hữu cơ làm phân bón cho cây trồng” đã được tổ chức tại xã Tiền Yên, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân.

Tại Hội nghị, TS. Lê Khắc Quảng – Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghệ Việt – Nhật – đã phổ biến các kiến thức về phân loại rác tại nguồn và cách làm phân bón từ rác hữu cơ, sử dụng chế phẩm EM Bokashi tới các hộ dân. Bên cạnh đó, người dân còn được trực tiếp thực hành phân loại rác và làm phân bón từ rác thải hữu cơ tại địa phương. Qua Hội nghị, người dân trong xã đã thấy được phân loại rác tại nguồn và làm phân bón từ rác hữu cơ mang lại lợi ích lớn cả về kinh tế và môi trường nên tham gia nhiệt tình và đồng tình ký cam kết thực hiện tại gia đình.

Mặc dù mô hình thí điểm “Thu gom, phân loại rác tại nguồn và hướng dẫn sử dụng rác thải hữu cơ làm phân bón cho cây trồng” tại xã Tiền Yên vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, nhưng những thành công ban đầu rất đáng khích lệ. Với tính chất đơn giản, dễ thực hiện, mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân, hy vọng mô hình sẽ thành công tốt đẹp, làm tiền đề để nhân rộng, triển khai tại các địa phương khác trên địa bàn thành phố, góp phần giảm lượng rác thải phát sinh, thay đổi bộ mặt nông thôn, xây dựng Thủ đô xanh – sạch – đẹp.