Hồ đập miền Trung kêu cứu

ThienNhien.Net – Miền Trung có hàng trăm hồ thủy lợi được xây dựng trước năm 1990 nay xuống cấp nghiêm trọng, nhiều hồ đập không phát huy được công năng, ảnh hưởng rất nặng nề đến sản xuất. Mưa bão đang đến, người miền Trung nơm nớp nguy cơ vỡ đập.

Đụng đâu hỏng đó!

Khảo sát của PV NNVN tại tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, hiện có hơn 100 hồ đập thủy lợi xuống cấp, có những hồ đập hư hỏng rất nghiêm trọng. Dường như hồ đập nào cũng cùng chung số phận, thân, mái đập, cống xả nước, tràn xả lũ… hư hỏng.

Bỏ rơi hồ đập nhỏ

Theo Chi cục Thủy lợi Quảng Nam, hiện nay có hơn 173 hồ đập chứa nước được xây dựng trước năm 1990. Trong đó, có 45 hồ đập nhỏ xuống cấp nghiêm trọng. Số hồ đập này phục vụ tưới ở vùng trung du, miền núi. Nguyên nhân các hồ đập xuống cấp là do thời gian sử dụng đã lâu nên đều bị sụt lún, xói lở mái thượng lưu, hạ lưu, lòng hồ bị bồi lấp, cầu công tác hư hỏng, tràn xả lũ bong vữa bê tông, cửa cống và thiết bị đóng mở bị rò rỉ.

Hồ Hóc Két mái đập hư hỏng nghiêm trọng nhưng chưa được khắc phục (Ảnh: Đắc Thành/Nông nghiệp Việt Nam)
Hồ Hóc Két mái đập hư hỏng nghiêm trọng nhưng chưa được khắc phục (Ảnh: Đắc Thành/Nông nghiệp Việt Nam)

Các hồ đập hư hỏng nghiêm trọng như: Hồ Đồng Nhơn, Hố Mây, Hồ Trầu, Đập Quang – huyện Núi Thành; hồ Đồng Chùa, Ma Phan, Thành Công, Đập Phấn, Chủ Bò, Hố Quốc, Hố Quờn – huyện Tiên Phước; hồ Đập Đá, Ma Phan – huyện Phú Ninh; hồ Dương Hòa, Hồ Rin, Cây Sơn – huyện Bắc Trà My; Hồ Cây Sơn, Khe Cát, Hóc Két, Hóc Bầu, Đồng Minh, hồ 3/2 – huyện Duy Xuyên; hồ Đá Chồng, Hồ Giếng, Vũng Tôm – huyện Quế Sơn; hồ An Vang, Bình Hòa, Nà Hoa – huyện Đông Giang; hồ Chấn Sơn, Mười Tấn, Cửu Kiến, Ồ Ồ, Hố Chình, Khe Bò, Cây Xoan, Hố Lách – huyện Đại Lộc; hồ Hóc Hạ, Trung Lộc, Dùi Chuyên, Hóc Hương, Hố Cái, Hóc Thầy, Xã Bai, Phước Bình – Nông Sơn.

Như Quảng Nam, hồ đập thủy lợi ở Quảng Ngãi cũng xuống cấp, hư hỏng nặng. Trên địa bàn Quảng Ngãi hiện có 117 hồ chứa nước, trong đó 100 hồ dung tích dưới 3 triệu m3 thì có 89 hồ được xây dựng trước năm 1990 đã “lão hóa”.

Các hồ này đều có tình trạng chung là thân đập không đảm bảo như thiết kế ban đầu do mái thượng lưu bị sạt lở, lớp đá gia cống mái thượng lưu hầu hết bị hỏng không còn tác dụng, nền và thân đập đất bị thấm lớn nhưng không có vật thoát nước hạ lưu đập.

Ngoài ra, tràn xả lũ phần lớn tràn tự nhiên trên nền đất hoặc đá phong hóa nên bị xói lở. Một số tràn xả lũ làm bằng bê tông hoặc đá xây dựng đã lâu, nay bị xói lở và hư hỏng bể tiểu năng. Cống lấy nước dưới đập cửa van đóng mở cống bị hư hỏng, không kín nước, rất khó khăn trong công tác quản lý, vận hành. Một số cống nước rò rỉ dọc thân phải xử lý. Đường quản lý công trình kết hợp cứu hộ, cứu nạn mặt đường bằng đất không được gia cố, thường bị xói lở vào mùa mưa lũ, rất khó khăn trong giao thông, đi lại đến công trình đầu mối. Nhà quản lý đầu mối và trang thiết bị phục vụ quản lý phần lớn chưa được xây dựng và chưa có trang thiết bị quản lý.

Đơn cử như hồ Đá Bàn, xã Đức Tân, huyện Mộ Đức thân đập thấm nặng, cống lấy nước hư hỏng, tràn xả lũ bong tróc. Hồ An Phong, xã Bình Mỹ, Bình Sơn cũng chẳng khác gì, hư hỏng nặng…

Có một thực tế, việc các hồ đập xuống cấp, hư hỏng có phần trách nhiệm của người quản lý công trình. Hiện ở các tỉnh miền Trung những hồ đập lớn thì được các Cty khai thác công trình thủy lợi quản lý, còn các hồ nhỏ giao lại cho HTX, UBND xã, huyện. Thế nhưng những người quản lý, vận hành hồ không được đào tạo chuyên sâu, họ làm theo kiểu cảm hứng, thích thì xả nước, không thích đóng lại.

Ông Nguyễn Hoài Phương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Nam chia sẻ: “Hàng năm, chúng tôi mở lớp đào tạo cho những người vận hành hồ. Tuy nhiên làm được một thời gian người ta bỏ. Người mới lên thay lại trở về xuất phát điểm”.

Còn ông Phan Văn Ơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: Các hồ đập nhỏ giao cho địa phương quản lý nhưng người vận hành không có quy trình. Theo luật thì người vận hành hồ thủy lợi phải học trung cấp trở lên, nhưng thử hỏi, ở Quảng Ngãi có bao nhiều người. Nếu có học trung cấp họ cũng không nhận làm công việc này. Thế nên việc điều hành hồ đập thích thì làm, không bỏ mặc.

Ông Ơn đề nghị: “Bộ NN-PTNT cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi của các tổ chức hợp tác dùng nước. Bên cạnh đó, bố trí kinh phí tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân, người hưởng lợi để thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi”.

Trông chờ Trung ương

Đặt vấn đề hướng khắc phục hồ đập nhỏ, hầu hết lãnh đạo Chi cục Thủy lợi Quảng Nam, Quảng Ngãi đều trả lời một câu ngắn gọn là thiếu tiền. Bởi mỗi hồ sửa chữa “ngốn” rất nhiều kinh phí, trong khi nguồn ngân sách của tỉnh ít ỏi. Ông Nguyễn Hoài Phương cho biết: “Việc khắc phục sửa chữa đều dựa vào nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, còn về phía tỉnh chỉ sửa chữa những hồ đập vài ba tỷ đồng nhưng cũng hạn hẹp. Ở Quảng Nam trong những năm qua đã nâng cấp được một số hồ chứa có dung tích trên 3 triệu m3, nhờ thực hiện Dự án Quản lý thiên tai (WB5), còn các hồ đập nhỏ thì vẫn đắp chiếu chờ kinh phí Trung ương”.

Còn theo ông Phan Văn Ơn, trước đây Quảng Ngãi sửa chữa nâng cấp theo kiểu chắp vá, tuy nhiên được một thời gian đâu lại vào đấy. Sạt lở, sụt lún lại xảy ra. Nếu làm theo cách này chẳng khác gì đút tiền vào… túi rách! Do đó, Quảng Ngãi không tiến hành sửa chữa theo kiểu chắp vá mà hướng tới đầu tư nâng cấp toàn bộ. Bởi cách làm này sẽ đồng bộ được các hạng mục và tuổi thọ sẽ kéo dài hơn.

Nói về hướng khắc phục, ông Ơn cho rằng: “Cơ bản là không có tiền, do đó những vùng thiếu nước là hồ đập thiếu, công trình hồ đập hư hỏng xuống cấp. Để nâng cấp một hồ thủy lợi, tiền vài ba tỷ đồng chẳng thấm vào đâu, một công trình có trên hàng chục tỷ đồng thì mới hoàn thiện. Để các hồ này phát huy được công năng cần phải nâng cấp đồng bộ các hạng mục”.

144 đập dâng ở Quảng Nam hư hỏng nặng

UBND tỉnh Quảng Nam vừa thống kê có đến 144/536 đập dâng ở khu vực miền núi đang xuống cấp, hư hỏng nặng. Đây là mối quan tâm của địa phương khi đa số công trình thủy lợi ở 9 huyện miền núi có qui mô đầu tư nhỏ, công suất tưới thấp (chủ yếu là đập dâng, đập bổi), lại thường xuyên bị hư hỏng và bồi lấp vào mùa mưa… khiến chi phí duy tu sửa chữa hàng năm rất lớn.