Nhiều sai phạm trong sử dụng công trình thủy lợi ở Bắc Giang

ThienNhien.Net – Lợi dụng chủ trương của địa phương cho phép đầu tư diện tích hồ, đập để nuôi trồng thủy sản, một số tổ chức, cá nhân đã sử dụng sai mục đích, làm ảnh hưởng đến công tác điều tiết thủy lợi, môi trường.

 Công trình thủy lợi hồ Cầu Rễ (xã Tiến Thắng, Yên Thế, Bắc Giang) có dung tích thiết kế khoảng 5,4 triệu m3 nước cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp cho hơn 600 ha lúa và hoa màu của các xã: Tiến Thắng, Tân Hiệp, An Thượng, Phồn Xương (Yên Thế) và xã Nhã Nam, Tân Trung (Tân Yên). Năm 1988, công trình được bàn giao cho Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Yên Thế quản lý và khai thác. Năm 2000, Công ty thủy lợi ký hợp đồng với Công ty TNHH An Khang do ông Ninh Tuấn Khang, trú tại phố Cả Trọng, thị trấn Cầu Gồ (Yên Thế) đại diện, mục đích sử dụng để nuôi trồng và khai thác thủy sản trong lòng hồ. Năm 2005, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế phê duyệt dự án đầu tư khu du lịch Cầu Rễ của Công ty An Khang trên diện tích hơn 36 nghìn m2. Thế nhưng, từ năm 2009 đến nay, Công ty TNHH An Khang (đã đổi tên thành Công ty cổ phần thương mại và du lịch An Hà do Ninh Tuấn Anh, con trai ông Khang làm Giám đốc) tự ý đổ đất, san gạt mặt bằng, đắp bờ bao, làm biến dạng lòng hồ, giảm khả năng tích nước của công trình.
Mới đây, công ty này tổ chức xây dựng trại nuôi vịt số lượng lớn, có thời điểm lên đến hơn 10 nghìn con. Những việc làm của công ty này cùng lúc đã vi phạm hợp đồng về mục đích sử dụng công trình; xây dựng không phép; vi phạm quy định bảo vệ đất, rừng…

Tại hiện trường, Công ty An Khang đang sử dụng, toàn bộ khu vực chăn nuôi được quây kín bằng dây thép gai, luôn khóa cổng bít bùng. Công ty này đã tổ chức san ủi, làm đường đi ven hồ khoảng ba km, san ủi, làm nhà ở, trại nuôi vịt trên đất rừng sát hồ… Theo người dân địa phương phản ánh, từ khi công ty nuôi vịt, mầu xanh của nước hồ dần biến thành mầu đục kèm theo đó là mùi hôi, thối, hễ cứ tắm giặt là bị mẩn ngứa. Thỉnh thoảng lại thấy cá trong hồ chết nổi trắng bờ…

Trong buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Thắng Lê Ðức Hải, đơn vị có trách nhiệm quản lý hành chính khu vực hồ Cầu Rễ, ông Hải cho biết: Việc Công ty An Hà thuê mặt hồ để kinh doanh du lịch, nuôi trồng thủy sản do cấp trên cấp phép nhưng công ty này sử dụng sai mục đích là có. Ðồng thời, công ty cũng vi phạm một số quy định như xây dựng trái phép, tự ý san lấp mặt hồ, san ủi đất rừng, sử dụng lao động người nước ngoài bất hợp pháp…

Theo ông Hải, những vấn đề thuộc thẩm quyền của xã, xã đã cho mời đại diện công ty đến lập biên bản và phạt hành chính đồng thời yêu cầu phía công ty khắc phục hậu quả. Những vấn đề khác thuộc trách nhiệm của cấp trên, xã cũng đã báo cáo và đề nghị cấp trên giải quyết. Ông Hải cũng khẳng định có biết việc lao động nước ngoài đang làm việc tại khu vực hồ, nhưng không biết họ làm thuê cho phía công ty hay họ thuê lại đất, mặt nước của công ty đã thuê của đơn vị quản lý hồ để tổ chức nuôi vịt. Những người này cũng không đăng ký tạm trú với địa phương.

Ảnh minh họa: Hoàng Chiên
Ảnh minh họa: Hoàng Chiên

Theo một số nguồn tin của người dân địa phương, trong khu vực hồ thường xuyên có từ ba đến năm lao động người nước ngoài làm việc, sinh hoạt. Mới đây, khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, đã phát hiện ba lao động người nước ngoài đang làm việc tại lán nuôi vịt và khu chế biến gỗ. Trong đó, một người vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh đã bị trục xuất khỏi địa bàn.

Theo Trưởng Công an huyện Yên Thế Vũ Quang Vinh, những lao động người nước ngoài đều có thẻ lưu trú tại Việt Nam đến ngày 18-4-2015 nhưng do… Công an tỉnh Bắc Ninh cấp. Hiện, Công an huyện đang đề nghị Công an tỉnh xác minh, kiểm tra hồ sơ, nếu những lao động này không được phép lưu trú cũng như lao động tại Bắc Giang, thì sẽ trục xuất khỏi địa bàn.

Sự việc xảy ra ở hồ Cầu Rễ cho thấy nhiều bất cập trong quản lý, khai thác và sử dụng diện tích hồ đập, mặt nước trên địa bàn huyện Yên Thế nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung. Nhiều đơn vị được giao quản lý thiếu sự sâu sát, không thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện sai phạm. Chính quyền địa phương cấp phép khai thác, đầu tư cho tổ chức, cá nhân nhưng lại không nắm được tổ chức, cá nhân đó sử dụng đúng mục đích hay không.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng “bỏ qua” những yếu tố liên quan khi cấp phép như ảnh hưởng đến điều tiết thủy lợi, ô nhiễm môi trường, sinh thái, an ninh trật tự…

Ở một địa phương nhiều hồ, đập như tỉnh Bắc Giang, cần phải có biện pháp triệt để trong quản lý những công trình Nhà nước đầu tư, phục vụ lợi ích của cộng đồng dân cư không bị sử dụng sai mục đích.