Phế phẩm độc hại ngành thép đi đâu? – Bài 3

Hướng xử lý: Bế tắc!

ThienNhien.Net – Chất thải của năm nhà máy thép ở Bà Rịa – Vũng Tàu chưa có cách giải quyết căn cơ thì có thêm hai nhà máy sắp đi vào hoạt động.

Trên hai số trước chúng tôi nêu thực trạng có hàng trăm ngàn tấn phế phẩm của ngành thép tại Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) đang tồn đọng nhưng đến nay, tỉnh BR-VT vẫn chưa có cách giải quyết.

Phương án xử lý bụi lò của BR-VT chưa khả thi còn việc quản lý xỉ thép chưa ai ngó ngàng tới nên mối nguy hại ô nhiễm môi trường đang lơ lửng trên đầu người dân…

Mang bụi lò ra tận… Hải Dương

Theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh BR-VT, ngoài năm nhà máy đang hoạt động, hiện nay tại BR-VT còn có hai nhà máy khác đang xây dựng, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2015. Khi đó tổng công suất luyện phôi thép của bảy nhà máy sẽ hơn 4,7 triệu tấn/năm, tương ứng với khối lượng bụi thép thải ra khoảng 90.000 tấn/năm. “Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nhà máy hay dự án nào trên địa bàn tỉnh được đầu tư để xử lý loại chất thải này. Nếu không được quản lý chặt chẽ, lượng bụi thép này sẽ gây nguy hại nghiêm trọng cho môi trường” – Sở Xây dựng bày tỏ lo ngại.

Để giải quyết lượng bụi lò đang tồn đọng và sẽ phát sinh tại các nhà máy thép, Sở TN&MT đưa ra phương án sẽ chuyển giao cho Nhà máy xử lý chất thải ngành luyện kim của Công ty Khoáng sản Việt Nam ở tỉnh Hải Dương xử lý. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhà máy luyện kim ở huyện Kinh Môn vẫn chưa được cấp phép hoạt động. Trong khi đó, theo ghi nhận của chúng tôi, lượng bụi lò do đơn vị này thu gom đưa về tại khu vực cảng Phú Thái và nhà máy luyện kim ở huyện Kinh Môn để chạy thử nghiệm đang chất cao như núi, để ngổn ngang ngoài trời.

Điều đáng nói là huyện Kinh Môn là nơi mà chúng tôi vừa có loạt bài phản ánh “Đại họa ô nhiễm ở Kinh Môn” gây tỉ lệ ung thư cao bất thường ở địa phương này và bị người dân nơi đây phản ứng dữ dội về các nhà máy đang hoạt động ở đây. Vì thế, chưa biết đến khi nào nhà máy luyện kim ở huyện Kinh Môn mới được cơ quan chức năng cấp phép. Đó là chưa kể việc vận chuyển bụi lò từ BR-VT ra Hải Dương với chặng đường quá xa (khoảng 2.000 km), rất khó kiểm soát việc phát tán bụi lò trong quá trình vận chuyển…

Nói cách khác, lời giải cho bài toán bụi lò ở BR-VT đang gặp bế tắc.

Bụi lò đưa về chất đầy ở cảng Phú Thái, tỉnh Hải Dương. Ảnh: TT – KB
Bụi lò đưa về chất đầy ở cảng Phú Thái, tỉnh Hải Dương. Ảnh: TT – KB

Xỉ thép: Bí hướng xử lý

Như đã đề cập, hiện lượng xỉ thép tồn đọng chưa được xử lý trên địa bàn tỉnh BR-VT đã hơn 35.000 tấn. Theo Công ty TNHH Vật liệu xanh – đơn vị đang ký hợp đồng thu gom, xử lý thép, có nhiều nhà máy thép không mấy mặn mà trong việc chuyển giao xỉ, thậm chí có nhà máy không hề chuyển giao. “Việc ký hợp đồng nhưng không chuyển giao xỉ thép cho thấy các nhà máy thép có dấu hiệu đối phó. Do đó, Sở TN&MT tỉnh BR-VT cần phải kiểm tra làm rõ khối lượng xỉ thép không giao xử lý hiện ở đâu? Có lưu giữ an toàn không? Qua đó đưa ra hướng xử lý cụ thể” – một cán bộ cảnh sát môi trường, Cục Phòng chống tội phạm về môi trường (C49), nhận định và đặt câu hỏi.

Sở TN&MT tỉnh BR-VT cho biết phần xỉ thép các nhà máy chuyển giao cho Công ty Vật liệu xanh, sau khi qua xử lý, sản phẩm thu được là đá nhân tạo, chủ yếu dùng để san lấp mặt bằng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên Công ty Vật liệu xanh chưa hoạt động hết công suất. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc tồn đọng xỉ thép, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường.

“Để giải quyết những vấn đề liên quan đến chất thải từ các nhà máy thép, đầu tháng 6-2013, Sở TN&MT tỉnh đã có văn bản đề nghị Tổng cục Môi trường hướng dẫn công tác quản lý xỉ thép theo đúng quy định. Thế nhưng đến nay, Sở vẫn chưa nhận được hướng dẫn của Tổng cục” – một cán bộ của Chi cục Bảo vệ môi trường – Sở TN&MT tỉnh BR-VT thông tin.

Với thưc trạng này, xem ra phế phẩm ngành thép ở BR-VT vẫn tiếp tục nằm phơi mưa phơi gió và người dân sẽ lãnh đủ hậu quả vì ô nhiễm môi trường.

Sở TN&MT tỉnh BR-VT trông chờ vào nhà máy xử lý bụi lò ở Hải Dương nhưng nhà máy này vẫn chưa hoạt động. Ảnh: TT - KB
Sở TN&MT tỉnh BR-VT trông chờ vào nhà máy xử lý bụi lò ở Hải Dương nhưng nhà máy này vẫn chưa hoạt động. Ảnh: TT – KB
Cần có nhà máy xử lý ở địa phươngNhiều chuyên gia về môi trường cho rằng trong bụi lò, xỉ thép có chứa các kim loại như sắt, kẽm… Do đó rất cần đầu tư xây dựng nhà máy xử lý ngay trên địa bàn tỉnh BR-VT để thu hồi lại nguồn nguyên liệu này. Tuy nhiên, một số đơn vị có ý định đầu tư xây dựng nhà máy xử lý bụi lò ở BR-VT liên hệ với Sở TN&MT tỉnh đặt vấn đề thì Sở trả lời không còn đất cho dự án.

Bí cách xử lý chất thải ngành thép ở BR-VT có nguyên nhân từ việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) quá dễ. Trong ĐTM, các nhà máy luyện thép đều nói chất thải ngành thép như được tận dụng làm vật liệu xây dựng và dễ dàng được thông qua. Song trên thực tế, ai cũng biết hiện nay ở Việt Nam hiện chưa có nhà máy nào xử lý được bụi lò. Còn xỉ thép, hiện chỉ mới có một đơn vị xử lý duy nhất đó là Công ty Vật liệu xanh ở BR-VT. Công ty này cũng chỉ mới hoạt động một, hai năm nay. Vậy trong thời gian qua, các chất thải này đi đâu?

PGS.TS Lê Trình, Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam