Cấp phép vét kiệt lòng sông: Hậu quả nhãn tiền

ThienNhien.Net – Người dân các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP HCM đang gánh hậu quả của những dự án mang danh nghĩa duy tu luồng tuyến, nạo vét lòng sông do Bộ Giao thông Vận tải cấp phép

Thay vì cho dừng để xem xét cẩn trọng, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) lại “xót” cho doanh nghiệp (DN) nên vẫn đốc thúc các dự án nạo vét lòng sông.

Mất đất đai, nhà cửa

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đã phản ánh đến Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) về các tác hại của dự án nạo vét, duy tu, nâng cấp bảo đảm chuẩn tắc luồng chạy tàu các đoạn luồng bị bồi cạn trên tuyến sông Đồng Nai do Công ty Xây dựng đầu tư và Phát triển cảng biển Tân Phú Thịnh (Công ty Tân Phú Thịnh) làm chủ đầu tư.

Theo đó, trong quá trình nạo vét, duy tu, chủ đầu tư đã gây sạt lở bờ sông, làm mất đất đai, nhà cửa, vườn cây…, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân ven sông Đồng Nai. Vì vậy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương kiến nghị Bộ TN-MT chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét cho dừng hoặc đình chỉ hoạt động lợi dụng chủ trương nạo vét luồng sông để tận thu cát trên sông gây nhiều tác động xấu.

Sông Đồng Nai - đoạn chảy qua huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương - nơi thực hiện dự án của Công ty Tân Phú Thịnh
Sông Đồng Nai – đoạn chảy qua huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương – nơi thực hiện dự án của Công ty Tân Phú Thịnh

Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang cho biết, Công ty Tân Phú Thịnh đang thực hiện dự án nạo vét đoạn cạn từ Km 44+500 m đến Km 70+ 500 m trên sông Đồng Nai. Dự án này đã được Bộ TN-MT thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trên cơ sở chấp thuận chủ trương của Cục Đường thủy nội địa – Bộ GTVT và sự cho phép của UBND tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, theo ông Quang, Bộ TN-MT cũng chưa nhận được văn bản chấp thuận, cho phép của cả 2 cơ quan này!

Ông Nguyễn Thành Phương – Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương – cho biết UBND tỉnh đã họp và quyết định tạm đình chỉ dự án để xử lý. Hiện tại, dự án đã ngưng hoạt động.

“O bế” doanh nghiệp

Trước phản ánh của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, Bộ GTVT đã làm việc với đại diện 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Mới đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã gửi văn bản đến UBND 2 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP HCM về các dự án nạo vét, duy tu luồng thủy nội địa trên sông Đồng Nai.

Bộ GTVT quyết định tạm dừng các dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Đồng Nai (trên thực tế, các dự án đều đã bị địa phương đình chỉ hoạt động vì chưa hoàn thành đầy đủ thủ tục). Bộ GTVT cũng cho biết sẽ thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, xác minh các nội dung kiến nghị của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương liên quan đến những sai phạm của Công ty Tân Phú Thịnh để có biện pháp xử lý; đồng thời kiểm tra hồ sơ, tiến độ, kết quả thực hiện dự án đối với Công ty CP Hàng hải và Đầu tư phát triển Hiệp Phước (Công ty Hiệp Phước – đơn vị cũng được Bộ GTVT cấp phép nạo vét, duy tu luồng tuyến sông Đồng Nai).

Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, Công ty Hiệp Phước đã bỏ chi phí đầu tư khá lớn nên việc tạm dừng thực hiện dự án sẽ làm chậm tiến độ, gây thiệt hại đáng kể cho DN. Bên cạnh đó, DN chưa khởi công, thi công nạo vét nên chưa phát sinh sai phạm.

Do đó, thay vì tập trung giải quyết sai phạm của Công ty Tân Phú Thịnh cũng như nhìn nhận thấu đáo việc duy tu, nạo vét sông Đồng Nai, bộ trưởng Bộ GTVT vẫn đề nghị UBND 3 tỉnh, thành nêu trên tạo điều kiện để Công ty Hiệp Phước tiếp tục thực hiện xong việc đăng ký tận thu để đủ điều kiện khởi công dự án!

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, từ tháng 2/2012, Công ty Hiệp Phước đã tiến hành khai thác cát khá rầm rộ trên sông Đồng Nai với khối lượng nạo vét 3.500-4.000 m3/ngày. Theo Sở TN-MT TP HCM, Công ty Hiệp Phước đã có nhiều sai phạm: Khai thác cát khi báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa được phê duyệt, không được chấp thuận hồ sơ đăng ký khối lượng tận thu khoáng sản, không hợp tác với địa phương trong quá trình giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện dự án… Như vậy, thông tin Công ty Hiệp Phước chưa khởi công dự án, chưa mắc sai phạm của Bộ GTVT là không chính xác.

Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, các DN được Bộ GTVT và các đơn vị trực thuộc cấp phép duy tu, nạo vét đều không phải là đơn vị trong ngành nhưng lại có cùng lĩnh vực kinh doanh là khai thác, buôn bán đất đá, cát sỏi hoặc xây dựng công trình.