Ô nhiễm môi trường sản xuất nông nghiệp ngày càng trầm trọng

ThienNhien.Net – 60-65% lượng phân đạm không được cây trồng hấp thụ; hàng chục triệu tấn chất thải chăn nuôi, 90% khối lượng chất thải rắn chưa được xử lý chủ yếu đổ ra ven đường làng, bờ kênh, mương mỗi năm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…

Ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Hoàng Chiên
Ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Hoàng Chiên

Theo Cục Chăn nuôi, chất thải chăn nuôi là một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp. Mỗi con bò có thể thải ra 10 -15kg phân/ngày; 1 con lợn thải 2,5-3,5kg phân/ngày; mỗi gia cầm thải 90g phân/ngày, theo đó tổng khối lượng chất thải chăn nuôi khoảng 73 triệu tấn/năm.

Chưa kể ở nước ta hiện nay, phương thức chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, vì vậy việc xử lý và quản lý chất thải chăn nuôi ngày càng khó khăn. Cả nước có 8,5 triệu hộ chăn nuôi quy mô gia đình, 18.000 trang trại chăn nuôi tập trung, nhưng mới chỉ có 8,7% số hộ xây dựng công trình khí sinh học (hầm biogas). Tỷ lệ hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh cũng chỉ chiếm 10% và chỉ 0,6% số hộ có cam kết bảo vệ môi trường. Vẫn còn khoảng 23% số hộ chăn nuôi không xử lý chất thải bằng bất kỳ phương pháp nào mà xả thẳng ra môi trường bên ngoài.

Tình trạng sử dụng thuốc thú y, vắc-xin, phòng chống dịch bệnh không đúng kỹ thuật cũng đang gây tác hại lớn đến môi trường. Kiểm tra 134 mẫu nước lấy từ các giếng khoan gần những hố chôn gia cầm chết, phát hiện 23% số mẫu bị nhiễm bẩn các chất hữu cơ vượt mức cho phép; 42,3% mẫu bị nhiễm vi sinh vật vượt giới hạn cho phép.

Theo Cục Trồng trọt, có tới 80% khối lượng rơm rạ, thân các loài cây lương thực bị đốt hoặc vứt bỏ ngoài đồng ruộng. Bên cạnh chất thải hữu cơ, nguồn chất thải rắn phát sinh từ hoạt động sản xuất cũng khá lớn và ngày càng đáng báo động. Chỉ tính riêng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), mỗi năm nước ta nhập khẩu 130.000 -150.000 tấn. Hiện tượng lạm dụng thuốc BVTV trong phòng trừ dịch hại, tùy tiện không tuân thủ quy trình kỹ thuật, không đảm bảo thời gian cách ly dẫn đến hậu quả: ngộ độc thực phẩm, mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Với tỷ lệ vỏ bao bì 15% thì hàng năm thải ra môi trường 19.000 tấn bao bì, đây là loại rác thải nguy hại, nhưng hầu hết không được xử lý do việc thu gom và gửi đi xử lý không thuận tiện.

Theo Tổng cục Thủy sản, vấn đề nổi cộm trong môi trường nuôi trồng thủy sản hiện nay chính là ở các vùng nuôi tôm và cá da trơn tập trung. Để có 1kg cá tra thành phẩm, nông dân phải sử dụng 3-5kg thức ăn, nhưng chỉ khoảng 17% lượng thức ăn được cá hấp thụ, phần còn lại hòa lẫn vào môi trường nước, trở thành các chất hữu cơ phân hủy làm ô nhiễm môi trường. Chất thải trong nuôi trồng thủy sản là bùn thải chứa phân của các loài thủy sản, nguồn thức ăn dư thừa thối rữa bị phân hủy, các chất tồn dư của vật tư sử dụng như hóa chất, vôi, khoáng chất, lưu huỳnh lắng đọng… Ô nhiễm môi trường ngày càng tăng là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh phát sinh trên diện rộng ở các loại cá, tôm nuôi.

Ông Lê Văn Bầm, quyền Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và PTNT) nhận định, mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ngày càng lớn. Tình trạng tự phát trong sản xuất thể hiện rõ ở nhiều lĩnh vực hoạt động của ngành, đặc biệt là vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng thiếu quy hoạch, chuyển đổi đất giữa trồng lúa và nuôi tôm, phá rừng ngập mặn để nuôi tôm, khai thác hải sản quá mức… dẫn đến dịch bệnh lây lan và phát tán nhanh, hiệu quả kinh tế giảm. Công tác quy hoạch khó cân đối việc sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên, thường ưu tiên cho khai thác tài nguyên và canh tác cao độ, ít cân nhắc đến mặt môi trường và phát triển bền vững. Do vậy, các nguồn tài nguyên bị chia cắt cục bộ, phá vỡ tính thống nhất của hệ sinh thái, dễ phát sinh sự cố môi trường. Quá trình phát triển kinh tế không hợp lý sẽ dẫn đến môi trường ngày càng bị ô nhiễm, làm thu hẹp dần các vùng sản xuất.

Luật Bảo vệ môi trường đã có hiệu lực hơn 7 năm nhưng các chế tài chưa đủ mạnh để ngăn chặn những hành vi xâm hại môi trường trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Một số chính sách về bảo vệ môi trường đang thiếu các điều kiện để triển khai như: hỗ trợ thu gom và quản lý rác thải ở nông thôn, sử dụng khí sinh học, sản xuất sạch, quản lý tài nguyên dựa vào cộng đồng… Bởi vậy, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường đang kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Luật Đa dạng sinh học 2010 và một số văn bản hướng dẫn thực hiện các luật này. Đồng thời, cần tăng cường vận động các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ Việt Nam giải quyết các vấn đề môi trường trong nông nghiệp, nông thôn phục vụ phát triển bền vững, ứng phó có hiệu quả với những tác động xấu của biến đổi khí hậu.