Dùng dụng cụ kích điện để đánh bắt cá: Hành vi hủy hoại môi trường

Tình trạng người dân dùng dụng cụ kích điện để đánh bắt cá không những khiến nguồn lợi thủy sản nước ngọt đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt mà còn đe dọa trực tiếp đến tính mạng người đánh bắt.

Trước tình trạng trên, các ngành chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền gắn với xử lý nghiêm hành vi này.

ụng cụ kích điện đánh bắt thủy sản bị Công an xã An Sơn, TX.Thuận An thu giữ

Nhiều hệ lụy!

Trên sông Sài Gòn đoạn qua TX.Thuận An vào những ngày nước ròng thỉnh thoảng xuất hiện một chiếc ghe máy do một nam thanh niên điều khiển chạy với tốc độ cao ở giữa sông tạo thành những đợt sóng lớn.

Sau nhiều lần quần thảo tạo sóng trên sông, nam thanh niên này tắt máy cho ghe tấp vào gần bờ, đoạn gần cầu sắt Phú Long (phường Lái Thiêu) và dùng mái chèo để di chuyển ghe.

Từ trên ghe, người thanh niên cầm hai cây tre dài khoảng 3m, gắn thanh sắt nhọn và vợt sắt có nối dây điện với bình ắc quy 12v thông qua một thiết bị kích điện.

Lướt ghe đến đâu, người này cầm cây vợt đưa xuống nước tới đó và tất cả các loại cá lớn nhỏ trong bán kính 2m đều nổi lên. Tuy nhiên, nam thanh niên này chỉ vớt những con cá lớn.

“Hiện nay, mức phạt cho hành vi dùng kích điện đánh bắt thủy sản là chưa đủ răn đe nên nhiều trường hợp bị xử lý vẫn tiếp tục vi phạm.

Để công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản đạt hiệu quả cao, góp phần gìn giữ đa dạng sinh học và bảo tồn nguồn lợi thủy sản, chính quyền địa phương cần tăng cường giám sát chặt chẽ hơn nữa việc khai thác nguồn lợi thủy sản, trong đó lực lượng CA xã, phường là yếu tố quan trọng giúp phát hiện và ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm đánh bắt bằng các công cụ hủy diệt nguồn lợi thủy sản và môi trường tự nhiên.

Cùng với việc xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng công cụ xung điện trong đánh bắt thủy sản, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần có những giải pháp hỗ trợ về vốn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm… để giải quyết triệt để tình trạng trên, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản nói riêng, bảo vệ môi trường nói chung”.

(Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh)

Nhiều lần chứng kiến cảnh tương tự, ông Long, một người câu cá tại khúc sông này cho biết khi nước ròng, những người chích điện như nam thanh niên kia sẽ đánh một chiếc ghe máy chạy với tốc độ cao nơi giữa sông để đánh dạt các con cá giữa sông vào hai bờ để “khai thác”.

Ông Long cho rằng: “Để tận diệt các loài cá trên sông, họ thường sử dụng loại máy kích điện có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc Thái Lan với công suất lớn. Với loại máy này, các loại cá nổi lên hết. Một thời gian nữa sẽ không còn cá nữa!”.

Một số rạch khác trên địa bàn TX.Thuận An như rạch Bình Nhâm (phường Bình Nhâm), rạch Vàm Búng (phường Hưng Định)… thỉnh thoảng cũng xuất hiện một số đối tượng dùng kích điện để đánh bắt cá.

Theo người dân địa phương, việc sử dụng kích điện để đánh bắt thủy sản sẽ khiến tất cả các sinh vật ở dưới nước nằm trong bán kính từ 1,5 – 2m bị hủy diệt, trong đó toàn bộ cá con, trứng cá hay sinh vật phù du, làm cho nguồn lợi thủy sản không thể tái tạo, dẫn đến sụt giảm nhanh chóng số lượng các loài thủy sản.

Sử dụng xung điện để đánh bắt cá còn gây đột biến cho các loài thủy hải sản khác, gây mất cân bằng sinh thái, nguy hiểm đến tính mạng người đánh bắt.

Kiên quyết xử lý

Đại úy Lê Hòa Bình, Trưởng Công an (CA) phường Hưng Định, TX.Thuận An, cho biết thời gian qua, CA phường đã phát hiện và lập biên bản xử phạt hành chính một số trường hợp dùng kích điện đánh bắt cá trên các kênh, rạch trên địa bàn.

Bên cạnh đó, CA phường còn phối hợp các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu rõ tác hại của việc dùng xung điện đánh bắt thủy sản, các quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thủy sản…

Từ đó, giúp người dân nâng cao nhận thức, tự nguyện giao nộp hoặc cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động sử dụng xung điện khai thác thủy sản cho lực lượng chức năng.

Đại úy Trần Thanh Quang, Trưởng CA xã An Sơn, cho biết nhờ CA địa phương tăng cường tuần tra nên tình trạng người dân dùng kích điện đánh bắt cá trên sông, rạch đã giảm đáng kể.

Trong thời gian qua, CA xã đã phát hiện khoảng 30 trường hợp dùng dụng cụ kích điện để đánh bắt cá trên sông Sài Gòn và một số kênh, rạch khác trên địa bàn. Chỉ riêng trong tháng 3-2019, CA xã đã phát hiện và lập biên bản xử phạt hành chính 3 trường hợp.

Điển hình mới đây, qua công tác quản lý địa bàn, CA xã An Sơn phát hiện ông Nguyễn Văn C. (SN 1976, quê Kiên Giang) sử dụng bộ phận kích điện để đánh bắt cá trên sông thuộc ấp An Hòa. Sau đó, CA xã đã mời ông C. về trụ sở để làm việc.

Ông C. cho biết bộ dụng cụ kích điện mang từ quê lên để đi “rà” cá kiếm thêm thu nhập. Với hành vi trên, ông C. bị CA xã An Sơn lập biên bản xử phạt hành chính 1,5 triệu đồng, đồng thời tịch thu bộ dụng cụ kích điện.

Khoản 1 Điều 15, Nghị định số 103/2013/NĐ-CP, ngày 12-9-2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản quy định: Hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng; đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển công cụ kích điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng và bị tịch thu công cụ kích điện.

Đáng nói, một số trường hợp sau khi bị CA xã An Sơn xử phạt hành chính và tịch thu dụng cụ kích điện thì ít hôm sau lại tiếp tục “hành nghề”. Như trường hợp Nguyễn Đông Giang (SN 1987, ngụ phường An Thạnh) và Nguyễn Quốc Khánh, (SN 1989, ngụ xã An Sơn).

Trước đó, Khánh, Giang và Nguyễn Việt Liêm (SN 1957, ngụ TP.Thủ Dầu Một) đi trên 3 ghe máy chở theo bộ dụng cụ kích điện đánh bắt cá trên sông Bà Lụa (ấp Phú Hưng, xã An Sơn) thì bị CA xã An Sơn phát hiện và xử phạt hành chính mỗi người 1,5 triệu đồng.

Một tuần sau, CA xã An Sơn phát hiện Khánh và Giang tiếp tục đi ghe máy dùng kích điện “hành nghề” trên sông Bà Lụa, đoạn qua ấp An Phú, xã An Sơn.

Theo đánh giá của lực lượng chức năng các địa phương, hiện nay, việc đấu tranh, xử lý, giải quyết tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện gặp nhiều khó khăn, do các đối tượng chủ yếu là người địa phương, thông thạo địa bàn, khi phát hiện lực lượng chức năng, họ vứt bỏ dụng cụ kích điện xuống nước để phi tang, bỏ chạy, thậm chí nhảy xuống sông, rạch… để trốn thoát.

Các đối tượng này thường hoạt động về ban đêm, sáng sớm và mang tính chất đơn lẻ, tự phát. Cùng với đó, quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này còn thấp, chưa đủ sức răn đe.

Trong khi đó, việc đánh bắt cá bằng dụng cụ kích điện mang lại hiệu quả rất lớn và chỉ cần khoảng từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng là có thể mua hoặc “chế” được một bộ kích điện. Vì vậy, nếu bị lực lượng chức năng phát hiện và xử lý thì người dân lại “đầu tư” một bộ dụng cụ kích điện mới để tiếp tục “hành nghề”.