Dự án phát triển lâm nghiệp giúp cải thiện đời sống

ThienNhien.Net – Được triển khai thực hiện từ tháng 6/2007 và kết thúc vào tháng 2/2014, Dự án Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên (FLITCH) đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, xóa đói giảm nghèo bền vững cho cộng đồng người dân sống gần rừng ở trên địa bàn bốn huyện K’Bang, Ia Pa, Krông Pa và Kông Chro của tỉnh Gia Lai.

(Ảnh minh họa: Nguyễn Văn Nhật/TTXVN)
(Ảnh minh họa: Nguyễn Văn Nhật/TTXVN)

Tại huyện K’Bang – một trong những huyện có diện tích rừng lớn của tỉnh Gia Lai, dự án đã mang lại những tín hiệu khả quan cho những hộ dân sống gần rừng. Không chỉ giúp các hộ gia đình cải thiện đời sống, dự án còn hỗ trợ vốn xây dựng các công trình dân sinh, nhà sinh hoạt cộng đồng.

Đứng trước ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng khang trang, sạch đẹp, anh Đinh AQuy, làng Lợt, xã Lơ Ku, huyện K’Bang cho biết trước đây cả làng Lợt không có nhà sinh hoạt nên mỗi lần sinh hoạt là phải tập trung ở nhà của già làng, Giờ đây, làng có nhà sinh hoạt to đẹp, dân làng mừng lắm.

Bên cạnh đó, dự án FLITCH còn tạo điều kiện cho các hộ gia đình khó khăn, thiếu nguồn vốn để phát triển sản xuất không lãi suất. Nhờ những nguồn vốn này mà nhiều hộ gia đình đã vực dậy được cuộc sống, phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo bền vững.

Ông Huỳnh Ngọc Tính – Phó Ban quản lý dự án phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên huyện K’Bang chia sẻ dự án được triển khai thực sự đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân được thụ hưởng dự án và các doanh nghiệp.

Riêng trên địa bàn huyện K’Bang, từ khi dự án được triển khai đã có gần 550ha rừng được trồng mới; hàng chục ha vườn cây ăn quả được đầu tư với số hộ được thụ hưởng lên tới hàng trăm người. Chính sự hỗ trợ này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người nghèo thiếu điều kiện phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững.

Ngoài ra, dự án còn xây dựng cho các làng một bộ mặt mới, góp phần vào chương trình xây dựng nông thôn mới.

Dự án FLITCH được triển khai thực hiện tại 60 xã thuộc 22 huyện của 6 tỉnh miền Trung – Tây Nguyên gồm Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng do Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Quỹ Ủy thác ngành lâm nghiệp TFF (Hà Lan, Phần Lan, Thụy Điển và Thụy Sĩ) tài trợ.

Riêng tại tỉnh Gia Lai, tổng vốn của dự án là 15,3 triệu USD, được triển khai thực hiện trên 4 huyện là K’Bang, Kông Chro, Ia Pa và Krông Pa.