Sử dụng CNG để tiết kiệm nhiên liệu và bảo vệ môi trường

ThienNhien.Net – Không chỉ góp phần làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, việc sử dụng khí thiên nhiên CNG thay thế xăng dầu còn giúp tiết kiệm tới 40% chi phí nhiên liệu

Không chỉ góp phần làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, việc sử dụng khí thiên nhiên CNG thay thế xăng dầu còn giúp tiết kiệm tới 40% chi phí nhiên liệu

CNG (Compressed Natural Gas) là khí thiên nhiên nén, thành phần chủ yếu là metane CH4 được lấy từ những mỏ khí thiên nhiên, qua xử lý và nén ở áp suất cao (250atm) để tồn trữ. Do không có benzene và hydrocarbon kèm theo, nên hai loại nhiên liệu này không giải phóng nhiều khí độc như NO2, CO… và hầu như không phát sinh bụi. Trên thế giới, CNG được sử dụng thay thế xăng do những lợi thế hơn hẳn. CNG dễ phát tán, không tích tụ như hơi xăng, nếu CNG bị rò rỉ ra môi trường không khí, nguy cơ hỏa hoạn chưa bằng một nửa xăng dầu nên hạn chế nguy cơ cháy nổ.

Xe bus chạy bằng CNG tại TPHCM
Xe bus chạy bằng CNG tại TPHCM

Theo số liệu của Hiệp hội Các phương tiện giao thông sử dụng khí thiên nhiên châu Á Thái Bình Dương, chỉ riêng khu vực này đã có khoảng 5 triệu phương tiện sử dụng khí CNG. Trong đó, Pakistan có hơn 2 triệu ôtô, Argentina và Brazil mỗi nước hơn 1 triệu chiếc… Tại Việt Nam, công nghệ khí nén thiên nhiên CNG lần đầu tiên xuất hiện bằng sự ra đời của nhà máy khí thiên nhiên CNG tại Khu Công nghiệp Phú Mỹ I, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vào tháng 8-2008.

Và vào tháng 5.2010, để hạn chế ô nhiễm môi trường, chống biến đổi khí hậu, vì môi trường xanh sạch, Tập đoàn Dầu khí đã ban hành Nghị quyết số 2958/NQ-DKVN thông qua việc chuyển đổi và sử dụng nhiên liệu khí nén CNG cho toàn bộ xe ô tô tại các đơn vị thành viên của tập đoàn trên địa bàn TP.HCM và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (ước khoảng 600 xe).

Ông Đoàn Văn Nhuộm – Tổng Giám đốc PV Gas South – đơn vị được Tập đoàn Dầu khí giao nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi và cung cấp nhiên liệu CNG cho các đơn vị thành viên của tập đoàn cho biết, việc chuyển đổi nhiên liệu sử dụng CNG cho các xe là hết sức cần thiết, vì nó giúp giảm chi phí nhiên liệu rất lớn (từ 30-50%), đồng thời giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thực hiện tốt chủ trương của Tập đoàn Dầu khí về phát huy nội lực cũng như chương trình hợp tác của ngành dầu khí với TPHCM và tỉnh BR-VT.

Không chỉ dừng lại đó, giá CNG hiện nay thấp hơn giá xăng dầu và cả LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng). Đây là nhiên liệu rẻ, sạch, phù hợp với dịch vụ tại các thành phố lớn và các khu công nghiệp, đặc biệt trong tình hình giá xăng dầu tăng cao trong những năm gần đây. Đó cũng chính là lý do vì sao mà các chuyên gia đều đánh giá tiềm năng phát triển của thị trường CNG là rất lớn, hứa hẹn mang lại lợi nhuận cũng như tiếng vang cho ngành dầu khí trong việc đi tiên phong giữ gìn và làm trong sạch môi trường.

Tại hội thảo quốc tế về “Sử dụng khí thiên nhiên CNG cho các phương tiện giao thông vận tải”, ông Hyong Luu Jeon, Vụ phó Vụ Vận tải – Môi trường (Bộ Môi trường Hàn Quốc) cũng cho biết, sử dụng khí nén CNG chi phí chỉ bằng khoảng 50% so với dùng xăng dầu nhưng lại giảm thiểu tới 35% khí hydro carbon, 62% oxide, 9% carbon oxide… thải ra môi trường. Đồng quan điểm này, TS Phạm Xuân Mai, Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông – ĐH Bách khoa TPHCM, tính toán: giá 1 tấn khí CNG khoảng 318 USD, chỉ bằng 53,5% giá xăng, 42% giá dầu.

Mỗi xe buýt sử dụng CNG hoạt động 1 năm tiết kiệm 8.308 USD nhiên liệu so với dầu diesel. Với 10.000 xe tại TPHCM, nếu chuyển sang sử dụng khí CNG sẽ tiết kiệm 83.080.000 USD mỗi năm. Như vậy, trong khoảng 3 năm, TPHCM sẽ tiết kiệm được 250 triệu USD. Điều này chứng tỏ việc chuyển đổi các loại xe ô tô, xe buýt sử dụng diesel hiện tại sang sử dụng khí nén CNG không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn giúp tiết kiệm tiền bạc, giảm cước phí vận chuyển, tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế…