Ý tưởng làm đê… không vỡ

“Có thể hình dung mô hình của tôi giống như một chiếc thang đặt nằm xuống. Và sự khác biệt đó là, nếu như hiện nay mô hình đê đơn thì ý tưởng là sẽ làm đê kép", ông Trần Công Thịnh, tác giả của mô hình “đê không vỡ” nói. Theo ông: "Về nguyên lý, nếu như chúng ta đã và đang thụ động thì nay sẽ là chủ động chống đỡ với sức nước”.

Ông Trần Công Thịnh, trú tại số 15 đường Nguyễn Khắc Nhu, phường Trần Nguyên Hãn, TP Bắc Giang – người có ý tưởng xây dựng hệ thống đê sông biển chủ động chống chọi với sức nước.

Ý tưởng ấy đã được thai nghén từ mùa mưa bão năm 2005 và nay đã được tác giả này thể hiện ở dạng đề án. Nhưng đến nay ông Thịnh vẫn trăn trở vì không biết phải làm thế nào để đưa mô hình này vào thực tế.

“Tại sao đê bị vỡ?”

Câu hỏi ấy cứ xoáy mãi, vang vọng trong đầu ông Trần Công Thịnh khi chứng kiến cảnh vỡ đê tại xã Thịnh Long huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định trong mùa mưa bão năm 2005.

Quan sát nơi xảy ra sự cố với con đê, ông Thịnh nhận thấy đê thường vỡ ở những điểm xung yếu như khúc quanh gấp, thân đê cao, không có các công trình phụ trợ hay công trình xây dựng khác liền kề hỗ trợ chân đê; nơi có mạch đùn, mạch sủi, tổ mối hoặc bị sạt lở… (những thứ đáng buồn lại chỉ dễ phát hiện vào mùa mưa bão, khi thân đê ngậm nước).

Hệ thống đê chủ yếu được xây dựng theo mô hình đê hai tuyến. Tuyến 1 sát bờ sông, bờ biển, tuyến 2 cách tuyến 1 khoảng 500 – 1.000m. Khi nước lũ, triều cường đê tuyến 1 đơn độc chịu áp lực, tuyến 2 không hỗ trợ được gì khi nguy cấp.

Đến khi đê tuyến 1 bị vỡ thì đê tuyến 2 cũng lại đơn độc chống chọi với sức nước và khi nó bị vỡ sẽ gây hậu quả khôn lường. Từ thực tế đó, ông Thịnh đã có ý tưởng xây dựng hệ thống đê, kè sông biển theo mô hình và nguyên lý mới.

Ý tưởng làm “đê kép”

Chứng kiến cảnh đê ngoài bị vỡ, ông Thịnh muốn tạo một con đê thứ hai song song với đê tuyến 1 phía ngoài. Như vậy, theo mô hình ông Thịnh trình bày thì ở những nơi xung yếu cần đắp thêm một con đê nữa tương đương với con đê phía ngoài, khoảng cách giữa hai con đê là một lòng mương rộng khoảng từ 10 – 15 m.

Trong lòng mương ấy cứ khoảng 50 – 100 mét lại có một vách ngăn nối từ chân đê này tới chân đê kia để tăng cường sự ổn định; giữa các bờ ngăn đều có hệ thống cống nhỏ hơn để thoát nước.

Và, theo ông Thịnh, ngoài chức năng làm ẩm thân đê, chống mối, lòng mương hoàn toàn có thể cho người dân đấu thầu để nuôi trồng thủy sản; mặt đê có thể làm đường giao thông. Khi luôn có nước ở cả hai bên, nếu có mạch đùn, mạch sủi ở thân đê thì cũng sớm được phát hiện và giải quyết.

Khi mực nước sông, biển dâng cao tới mức độ nhất định, khoảng 2/3 thân đê và cao hơn tầm cống, áp lực của nước tác động vào sườn đê tăng cao, sẽ chủ động mở hệ thống cống ở thân đê 1, tạo ra một sự vỡ chủ động cho nước chảy vào trong lòng đê, chia sẻ cường lực đó cho thân đê thứ hai đồng thời tạo ra một lực tác động vào sườn trong của thân đê 1.

Nước từ ngoài sông, biển chảy qua cống vào lòng mương và lại thoát ra ngoài qua những cống khác. Khi áp lực đã được giải phóng một phần và chịu lực tác động của nước từ hai phía, đê 1 đứng vững hơn.

“Có thể hình dung mô hình đê kép của tôi giống như  một chiếc thang đặt nằm xuống. Và sự khác nhau đó là, nếu như hiện nay mô hình đê đơn thì ý tưởng là sẽ làm đê kép; về nguyên lý, nếu như chúng ta đã và đang thụ động thì nay sẽ là chủ động chống đỡ với sức nước; chức năng của đê hiện nay là phòng vệ thì đê xây dựng mô hình này sẽ có thêm cả chức năng sinh lợi” – Ông Thịnh nói.

Có thành dự án khả thi?

Mặc dù đánh giá, đây là giải pháp an toàn hơn so với hệ thống đê kè hiện nay của nước ta nhưng trong công văn gửi tới tác giả, Cục Đê điều cũng cho rằng, việc tạo ra thêm một tuyến đê mới song song với các tuyến đê hiện có đồng nghĩa với việc cần phải đắp thêm 3.000 km đê nữa (chỉ tính đối với các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra).

Theo đơn giá hiện nay, để đắp hoàn thiện 1 km đê phải chi phí khoảng 20 tỷ đồng chưa kể đến chi phí không nhỏ cho việc đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng các cống qua đê như ý tưởng của tác giả.

Mặt khác, khu vực nào cũng đắp đê thành 2 tuyến sẽ gây lãng phí lớn, giảm hiệu quả trong đầu tư.

Tuy nhiên, tác giả Trần Công Thịnh lại không đồng ý với quan điểm này. Ông cho rằng, ngay trong văn bản trình bày gửi tới Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp& Nông thôn Cao Đức Phát cũng như Cục quản lý Đê điều và phòng chống lụt bão thì tác giả đã đề xuất “nên áp dụng mô hình này với những đoạn đê xung yếu, có nguy cơ vỡ cao” chứ không phải áp dụng với tất cả hệ thống đê hơn 3.000 km như Cục Đê điều nói.

Mô hình của tác giả Trần Công Thịnh là một ý tưởng đáng trân trọng và cần được các cơ quan chức năng quan tâm nghiên cứu, nếu thiết thực nên hoàn thiện đưa vào ứng dụng.

Và nên chăng sự phản biện đối với ý tưởng, đề án này nên tập trung vào vấn đề: Có thể áp dụng mô hình đê kép đối với những đoạn đê xung yếu hay không?

“Ý tưởng của tác giả đề xuất giải pháp xây dựng hệ thống đê sông và đê biển theo mô hình đê kép với 2 tuyến đê song song với nhau, liên kết với nhau bởi các vách ngăn để tăng cường ổn định, đồng thời giảm lực thấm lên thân đê tuyến trực tiếp sông, biển (tuyến 1) và nền đê thông qua việc điều tiết các cống qua đê là giải pháp an toàn chống lũ, bão hơn so với một tuyến đê như hiện nay”.
Trích C/v số 421/ĐĐ ngày 28/8/2006 của Cục quản lý Đê điều và phòng chống lụt bão trả lời ông Trần Công  Thịnh