Bất cập trong bảo vệ rừng ở Tà Thiết

ThienNhien.Net – Trong lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước có di tích khu căn cứ Quân ủy Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam ở ấp Tà Thiết, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh. Khu di tích lịch sử này được công nhận cấp quốc gia vào ngày 16/11/1988. Nơi đây còn là căn cứ các cơ quan lãnh đạo đầu não của cách mạng miền Nam và vào năm 1975 còn là nơi thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên thời gian qua, với diện tích rừng tự nhiên còn sót lại khoảng 1.600 ha, khu căn cứ di tích lịch sử Tà Thiết và du lịch sinh thái Bộ chỉ huy Miền B2 đã trở thành món mồi béo bở cho những người phá rừng và khai thác gỗ làm giàu bất chính.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, từ đầu năm 2013 đến nay, trên lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, huyện Lộc Ninh không xảy ra phá rừng mới. Tuy nhiên, các hành vi khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản đang diễn biến rất phức tạp.

Nhóm người dân tộc Khơme tại ấp Chà Là, xã Lộc Thịnh và ấp Cần Dực, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh chuyên sử dụng xe mô tô 2 bánh lắp ráp, hoán cải vào rừng khai thác. Họ chọn những cây có đường kính từ 15-25cm, cắt hạ thành từng long dài trung bình 2m và chặt hạ cây non, đường kính từ 8-10cm, dài từ 4-5 m, mục đích là bán cho các hộ dân làm nọc giả để trồng tiêu. Họ vận chuyển gỗ ra khỏi rừng theo các tuyến đường xương cá chằng chịt trong khu vực rừng Di tích Tà Thiết, chủ yếu ở tiểu khu 217, 218, 219.

Nhóm khác ở xã Thanh Lương, thị xã Bình Long cũng tham gia khai thác, vận chuyển gỗ tròn, gỗ đẽo hộp, vận chuyển theo các tuyến đường tắt về xã Thanh Lương tiêu thụ; nhất là vào đêm tối và các ngày nghỉ trong tuần.

Thực tế cho thấy, việc khai thác gỗ trái phép tại Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết tồn tại từ các năm trước, việc khai thác cây gỗ non để làm nọc tiêu giả chỉ mới phát sinh trong những tháng đầu năm 2013. Thế nhưng sự việc này vẫn chưa được ngăn chặn và xử lý triệt. Thêm vào đó, từ khi Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết bị tạm giam vì có liên quan đến trách nhiệm để mất rừng, thì tình hình lại càng phức tạp, do các hoạt động bảo vệ rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết hầu như bị tê liệt.

Phá rừng làm rẫy và lấy cắp lâm sản luôn diễn biến phức tạp ở rừng Tà Thiết (Ảnh: Thúy An/Petrotimes)
Phá rừng làm rẫy và lấy cắp lâm sản luôn diễn biến phức tạp ở rừng Tà Thiết (Ảnh: Thúy An/Petrotimes)

Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã xác định lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết là trọng điểm phá rừng, khai thác lâm sản trái phép của tỉnh. Sở và Chi cục đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, truy quét xử lý các hành vi vi phạm tại khu vực này, đồng thời, tham mưu chính quyền các cấp tăng cường công tác chỉ đạo bảo vệ rừng Tà Thiết.

Tuy nhiên, theo đánh giá thì hiện nay, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên lâm phần được giao của Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết vẫn còn nhiều bất cập và không đạt ỵêu cầu nhiệm vụ được giao.

Hiện nay, trên lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, việc tổ chức bảo vệ rừng có nhiều lực lượng chức năng thuộc nhiều sở, ban, ngành từ tỉnh đến huyện, xã. Thế nhưng, việc thực hiện nhiệm vụ phối hợp bảo vệ rừng chưa hiệu quả.

Ngoài lực lượng 11 người của Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết với vai trò là chủ rừng, còn có thêm lực lượng như Hạt Kiểm lâm Lộc Ninh với 4 người, lực lượng phối hợp Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh với tiểu đoàn 208 phụ trách. Bên cạnh đó là các Ban bảo vệ rừng tại các xã Lộc Thịnh, Lộc Thành, Lộc Thiện; 2 Đồn biên phòng Tà Vát và Tà Pét cũng cử cán bộ phụ trách địa bàn cùng tham gia hỗ trợ khi có đề nghị…

Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết đa số là người mới, chưa chủ động nắm bắt về hiện trạng rừng và đất rừng trên lâm phần quản lý để đề ra các phương án, kế hoạch nhằm quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng và đất rừng được giao. Công tác tuần tra bảo vệ rừng thường xuyên bị động, không có kế hoạch cụ thể, lực lượng bảo vệ rừng của Ban rất thụ động khi tham gia các đợt truy quét bảo vệ rừng. Công tác phối hợp chưa được duy trì liên tục vì các lực lượng tham gia còn phải giải quyết công tác chuyên môn của lực lượng mình. Ngoài ra Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết cũng không đủ kinh phí để đảm bảo sinh hoạt cho lực lượng hỗ trợ.

Trong năm 2013, với yêu cầu của tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã chỉ đạo tiểu đoàn 208 tiếp tục thực hiện công tác bảo vệ rừng, nhưng do không bị ràng buộc bởi hợp đồng giao khoán nên việc bảo vệ chỉ là hình thức, không có trách nhiệm cụ thể. Hiện nay, tiểu đoàn 208 đã có 4 chốt bảo vệ rừng tại 4 vị trị quan trọng ra vào rừng Tà Thiết, tuy nhiên thực tế hoạt động lại không hiệu quả. Lực lượng tại chốt bình quân chỉ có 1 chiến sĩ nghĩa vụ quân sự trực chốt, không có phương án tuần tra rừng nên chỉ đảm bảo giữ chốt, chưa thấy hiệu quả giữ rừng. Khi các đối tượng ra vào rừng mà chưa có dấu hiệu vi phạm, chưa chở lâm sản thì có thể qua lại chốt dễ dàng.

Còn hai đồn biên phòng Tà Vát và Tà Pét chỉ cử cán bộ hỗ trợ khi có đề nghị, tuy nhiên, công tác kiểm soát hành chính khu vực biên giới cũng chưa thật chặt chẽ, người dân qua lại các tuyền đường trong khu vực biên giới dễ dàng, nhất là đồng bào dân tộc.

Trách nhiệm bảo vệ rừng các khu vực cảnh quan rừng xung quanh các di tích lịch sử Tà Thiết của Ban quản lý di tích thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh chưa được thể hiện cụ thể. Có những vụ vi phạm như cưa cắt cây rừng xảy ra chỉ cách trụ sở của Ban quản lý di tích khoảng vài trăm mét, nhưng cũng không được phát hiện, ngăn chặn. Việc phối hợp với xã và các ngành chức năng của huyện để bảo vệ các khu vực rừng cảnh quan trong khu di tích chưa được thực hiện.