Tổn thất do thiên tai ở Đông Á – Thái Bình Dương gây lo ngại về tiến độ giảm nghèo

ThienNhien.Net – Hôm nay, tại Bang-Kok (Thái Lan), Ngân hàng thế giới (WB) công bố báo cáo với chủ đề “Mạnh mẽ, An toàn, Thích ứng – Hướng dẫn Chính sách Chiến lược cho Quản lý Rủi ro Thảm hoạ Thiên tai tại Đông Á – Thái Bình Dương”. Ở Việt Nam, Lễ công bố này được truyền hình qua điểm cầu tại trụ sở của WB tại Việt Nam.

Ông Bert Hofman, Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại khu vực Đông Á – Thái Bình Dương và ông Abha Jha, Giám đốc Giám đốc Lĩnh vực giao thông, đô thị và quản lý rủi ro thảm hoạ thiên tai tại Đông Á – Thái Bình Dương đã trình bày ngắn gọn về những kết quả điều tra được thực hiện. 

Theo WB, các thành phố đang tăng trưởng nhanh ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương ngày càng trở nên dễ bị tổn thương bởi thiên tai do việc lập kế hoạch kém và những tổn thất kinh tế tăng lên trầm trọng. Các nhà hoạch định chính sách có thể tạo sự khác biệt lớn nhằm đảm bảo những tiến bộ trong phát triển và giảm nghèo không bị mất đi bằng cách hành động ngay bây giờ để xây dựng sự thích nghi. Đầu tư vào các hoạt động phòng chống thiên tai, từ tăng cường các dịch vụ dự báo thảm họa đến phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, có thể mang lại hiệu quả chi phí đáng kinh ngạc.

Hình ảnh điểm cầu truyền hình tại Việt Nam (Ảnh: M.P)
Hình ảnh điểm cầu truyền hình tại Việt Nam (Ảnh: M.P)

Theo báo cáo, từ năm 2000 đến nay, hơn 1,6 tỉ người trong khu vực đã bị ảnh hưởng bởi thảm họa thiên tai. Trong 20 năm qua, khu vực này đã chịu tổn thất tương đương với 6% tổn thất mà thế giới phải chịu do thiên tai gây ra. Với góc độ toàn cầu, tổn thất kinh tế do thiên tai tăng ngày càng nhanh, tổn thất trong thập kỷ 1990 lớn gấp 15 lần so với thập kỷ 50 và năm 2011 là năm bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong đó, các quốc đảo tại vùng Thái Bình Dương bị ảnh hưởng lớn nhất trên toàn thế giới, với tổn thất trung bình hàng năm ở Vanuatu và Tonga ước đoán lần lượt là 6,6% và 4,4% GDP.

Xu hướng này được dự đoán là sẽ tiếp tục xảy ra do tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hoá nhanh, với sự tập trung người và của cải nhiều hơn ở các thành phố. Đô thị hoá không có kế hoạch hoặc kế hoạch kém, đặc biệt là việc định cư không theo quy định và quản lý đất đai không thoả đáng đã đặt các cộng đồng dân cư vào nhiều nguy cơ. Do châu Á dự định sẽ xây dựng 21 trong tổng số 37 siêu đô thị trên toàn cầu vào năm 2025, những thảm hoạ gây tổn thất tới nhiều tỉ đô la có thể sẽ thường xuyên hơn.

Các nước đang phát triển trong khu vực sẽ chịu tác động tài chính lớn lên chi tiêu công, vì các chính phủ sẽ phải gánh vác trách nhiệm tài chính ngày càng tăng cho việc khôi phục và tái thiết đất nước sau thảm hoạ. Trên quần đảo Solomon, động đất và sóng thần năm 2007 đã gây tổn thất ước chừng 95% ngân sách quốc gia. Cam pu chia, Lào, và Philipin có thể phải chịu tổn thất tổng cộng tới 18% hoặc cao hơn trong tổng chi tiêu công trong trường hợp một thảm hoạ 200 năm mới xảy ra một lần. Thảm hoạ xảy ra tại khu vực đô thị hoá, lũ lụt thường xuyên, phức tạp gia tăng và những tác động xuyên khu vực ngày càng lớn, kêu gọi chúng ta phải hành động khẩn cấp.

Tại Lễ công bố, ông Bert Hofman nói : “Chúng tôi làm việc với các chính phủ và đối tác để tăng cường khả năng tài chính vững vàng nhằm đối phó thiên tai… Chúng ta cần làm nhiều hơn nữa, cải thiện các công cụ mô hình phòng chống rủi ro thảm hoạ nhằm trợ giúp các chính phủ đánh giá tác động của thảm hoạ thiên tai lên ngân sách và xây dựng các chiến lược cung cấp tài chính khắc phục thảm hoạ”.

Một điều mà chưa chắc mọi người đều biết đó là đầu tư vào các hoạt động giảm thiểu rủi ro và sẵn sàng đối phó trường hợp khẩn cấp là những chi phí vô cùng hiệu quả, giúp giảm đáng kể tác động thảm hoạ thiên tai.

Về ngắn hạn, đầu tư vào dự báo thảm hoạ và các hệ thống cảnh báo sớm khí tượng thuỷ văn có thể đạt tỉ suất chi – lợi nhuận cao với lợi ích to lớn trước mắt. Tăng cường khung pháp luật, đẩy mạnh hợp tác thể chế và các hoạt động giảm thiểu rủi ro thảm hoạ trong các chương trình phát triển dựa trên cộng đồng cũng mang lại nhiều lợi ích.

Về trung tới dài hạn, vấn đề mấu chốt là phải cân đối giữa các khoản đầu tư vào những biện pháp có cấu trúc và phi cấu trúc. Các biện pháp bao gồm bê tông “xám” và hạ tầng cơ sở “xanh”, ví dụ như xây dựng các cánh rừng đước, vùng đệm ngập nước và phục hồi các khu vực ven biển. Mở rộng các hệ thống cảnh báo sớm dựa trên dữ liệu theo thời gian thực và công tác dự báo cũng rất quan trọng, cũng như phát triển một chiến lược cung cấp tài chính để khắc phục thiên tai một cách toàn diện và các hệ thống bảo vệ xã hội có thể tăng cường trong trường hợp có thảm hoạ.

Về dài hạn, quá trình đô thị hoá phải được quản lý thông qua việc sử dụng có hệ thống các đánh giá rủi ro, lập quy hoạch và phát triển đô thị với nhận thức rõ về rủi ro thiên tai và ban hành các quyết định thiết thực có xem xét đến thảm hoạ thiên tai, rủi ro khí hậu và những bất ổn khác.

Theo ông Abhas Jha, quản lý rủi ro thảm hoạ phải trở thành một phần quan trọng trong các nỗ lực giảm nghèo và phát triển bền vững. Không phải rủi ro thiên nhiên nào cũng biến thành thảm hoạ. Với việc quy hoạch và phối hợp tốt hơn, quá trình đô thị hoá có thể chuyển thành một động lực vô cùng tích cực cho sự phát triển, tạo cơ hội đáp ứng nhu cầu của dân nghèo thành thị, những người thường hứng chịu rủi ro nhiều nhất…