Ô nhiễm nghiêm trọng ở “Khu công nghiệp giấy lộn”

Về xã Phong Khê (Bắc Ninh) du khách rất dễ nhận thấy sự giàu có của một làng nghề truyền thống làm giấy dó lâu đời. Nhưng tìm hiểu, nhiều người sẽ ngạc nhiên, người dân nơi đây không phải làm giàu từ nghề truyền thống của địa phương, mà từ nghề chế biến giấy phế phẩm thành đủ loại: giấy ăn, giấy vệ sinh và cả giấy vàng mã… Phong Khê đang phải đối mặt với vấn nạn ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng. Đường làng bụi mù mịt, tấp nập xe tải ra vào “ăn” hàng, giấy phế liệu chờ tái sinh chất đống ven đường, đến đâu du khách cũng ngửi thấy mùi nồng nặc của thuốc tẩy rửa gia-ven, mùi khăm khẳm bốc lên từ ao hồ, kênh mương trong xã.

Chúng tôi có mặt ở Phong Khê-nơi được mệnh danh là “khu công nghiệp giấy lộn” vào loại lớn nhất miền Bắc-khi tấm băng rôn mang dòng chữ “chào mừng Phong Khê trở về thành phố Bắc Ninh” mới căng, bay phần phật trong gió. Điều chúng tôi nhận thấy đầu tiên là không khí tấp nập của khu công nghiệp ở xã Phong Khê. Tiếng chày thậm thịch giã dó xưa kia nay đã thay bằng tiếng máy nghiền giấy chạy ầm ầm suốt ngày đêm.
Giờ đây người dân Phong Khê không còn tính năng suất bằng bao nhiêu cối giã dó mà bằng tấn. Cả xã có khoảng 200 hộ sản xuất đủ các loại giấy. Trong đó, tại cánh đồng đầu làng hình thành Cụm công nghiệp giấy Phong Khê tập hợp hơn 120 xí nghiệp sản xuất, mỗi năm làm ra hơn 40.000 tấn giấy, vốn mỗi doanh nghiệp từ vài tỉ đến 50 tỉ đồng. Thu nhập bình quân đầu người 20 triệu đồng/người/năm.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, mỗi ngày có hàng trăm tấn giấy phế liệu đã qua sử dụng, thậm chí có cả các loại giấy từ các đống rác cũng được dân buôn thu gom về bán để đưa vào tái chế ra thành đủ các loại giấy, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong tỉnh và các địa phương lân cận.
Chị Nguyễn Thị Thu, chủ một cơ sở sản xuất giải thích cho chúng tôi về quy trình sản xuất giấy: “Sau khi phân loại, giấy vụn được ngâm vào bể nước súc cho rữa ra rồi cho vào máy thủy lực nghiền nát thành bột.
Độ trắng của giấy thành phẩm phụ thuộc vào lượng hóa chất tẩy trắng. Trung bình một tấn giấy nguyên liệu được ngâm với 500kg-600kg chất xút và khoảng 300kg gia-ven, cùng nhiều loại hóa chất khác. Tiếp theo là một số công đoạn như seo, ép nước, sấy… sẽ được thành phẩm là giấy ăn, giấy vệ sinh, giấy vàng mã...”.
Để đạt đến độ giấy trắng và có mùi thơm như giấy ăn thì công đoạn có phức tạp hơn một chút. Ở khâu ngâm tẩy người ta cho tăng lượng hóa chất lên, khi ra thành phẩm thì phun lên một ít nước hoa… là thành giấy ăn cao cấp có mùi thơm.
Nhờ chuyển sang sản xuất giấy các loại nên đời sống người dân Phong Khê đổi thay từng ngày, nhưng những hệ lụy từ ô nhiễm môi trường cũng khiến nhiều người phải giật mình.
Ông Nguyễn Văn Báu, một người dân xóm Dương Ổ cho biết: “Thực chất Phong Khê là bãi rác giấy lộn của cả nước, thậm chí từ các nước như Nhật, Xin-ga-po, Thái Lan cũng xuất cả công-ten-nơ sang đây. Những hôm hàng về nhiều, không còn chỗ để, người ta chất đống ngay trước cửa các cơ sở tái chế, mặc cho nắng mưa ngấm vào lên men, mọc nấm, một không khí oi nồng, ẩm mốc bao trùm khắp xã.
Song, đáng ngại nhất là sau nhiều cố gắng xây dựng hệ thống xử lý nước thải thì đến nay hệ thống vẫn “án binh bất động” vì không tải nổi lượng nước thải khổng lồ. Tất cả vẫn xả thẳng ra mương máng, ao hồ trong xã rồi đổ ra đoạn sông Cồn Cỏ chảy qua”. Quá trình này kéo dài hàng mấy chục năm nay khiến cho môi trường đất, không khí, tiếng ồn và nguồn nước ngầm ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Bác Nguyễn Văn Hiểu, thôn Đào Xá bức xúc cho biết: “Chưa bao giờ người già và trẻ con trong làng lại ốm nhiều như bây giờ. Thanh niên trai tráng trong làng cũng không tránh khỏi các bệnh về mắt, đường tiêu hóa, da liễu vì suốt ngày phải ngửi bụi giấy, hóa chất tẩy trắng và mùi của quá trình ngâm rữa lúc nào cũng đặc quánh xung quanh”.
Được biết, hơn 200 mẫu đất nông nghiệp của Phong Khê từ lâu đã nhường chỗ cho khu công nghiệp và chỗ để nước thải chảy ra. Trước tình trạng ô nhiễm này, nhiều người trong làng đã làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng. Thư đi, người cũng đến nhưng cuối cùng mọi việc vẫn không có chuyển biến tích cực nào.
Bác sĩ Lê Ngọc Long, Trạm trưởng trạm y tế xã Phong Khê cho biết: Do nghề sản xuất giấy phát triển mạnh, nên chất thải ở Phong Khê ngày một nhiều.
Những chất thải theo nước ngấm sâu vào lòng đất, khiến nguồn nước mặt, nước ngầm nơi đây bị ô nhiễm nghiêm trọng. Thế nhưng do không có nước máy nên người dân địa phương vẫn chủ yếu sử dụng nước giếng khơi lọc nước để dùng trong sinh hoạt hằng ngày.
Ở Phong Khê, trong những năm gần đây, ngoài tai nạn lao động và các bệnh nghề nghiệp tăng nhanh thì số người tử vong vì căn bệnh ung thư cũng không phải hiếm. Mặc dù chưa thống kê được con số chính xác, nhưng từ năm 2000 đến nay, số tử vong do căn bệnh ung thư chiếm khoảng 30% tổng số người chết trong xã, trong đó chủ yếu là ung thư gan, phổi, dạ dày.
Nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định nhưng con số biết nói đó phần lớn bắt nguồn từ việc chính quyền chưa giải quyết được vấn đề thu gom và xử lý rác thải từ các cơ sở sản xuất giấy tái chế.
Sự giàu có và ô nhiễm song song tồn tại ở Phong Khê là có thật. Vì sức khỏe con người, đề nghị chính quyền, các cơ quan chức năng của địa phương và người dân sớm có biện pháp cụ thể để vừa phát triển sản xuất vừa giảm được ô nhiễm môi trường.