Năng lượng từ phụ phẩm lúa gạo còn bỏ ngỏ

ThienNhien.Net – Là quốc gia đứng thứ 2 về xuất khẩu gạo, với sản lượng hơn 7 triệu tấn/năm, nếu Việt Nam tận dụng được nguồn phụ phẩm từ lúa gạo cho sản xuất năng lượng sẽ đem lại lợi ích kép: Vừa khai thác được nguồn năng lượng tái tạo khổng lồ, vừa giảm đáng kể ô nhiễm môi trường.

Rơm, rạ và trấu – nguồn năng lượng tái tạo khổng lồ

Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, với 32 triệu tấm rơm, rạ và 8 triệu tấn trấu từ phụ phẩm lúa gạo mỗi năm, Việt Nam có thể sản xuất ra xấp xỉ 40 triệu tấn năng lượng sinh khối/năm- chiếm tới 64% các nguồn sinh khối ở nước ta; khả năng đáp ứng 28% nhu cầu tiêu thụ năng lượng sơ cấp.

Hơn thế, nếu các phụ phẩm từ lúa gạo này được tận dụng cho mục đích sản xuất năng lượng, sẽ thay thế được một lượng lớn các nhiên liệu hóa thạch đang và có thể được sử dụng.

Bên cạnh đó, thay vì đốt bỏ ngoài đồng, rơm rạ được tận dụng cho mục đích sản xuất năng lượng còn giúp tránh được lượng phát thải lớn. Giả định mỗi năm có ít nhất 50% lượng rơm, rạ (tương đương khoảng 16 triệu tấn) bị đốt trên đồng ruộng, lượng phát thải sẽ là: 18,7 triệu tấn CO2, 500.000 tấn CO, 12.000 tấn CH4, 44.800 tấn Nox, gần 12.000 tấn Sox và trên 100.000 tấn bụi lơ lửng.

Đốt rơm, rạ ngoài đồng gây lãng phí một nguồn năng lượng không nhỏ
Đốt rơm, rạ ngoài đồng gây lãng phí một nguồn năng lượng không nhỏ

Lãng phí lớn 

Trong khi ở các nước tiên tiến như: Đan Mạch, Mỹ hay một số nước Đông Nam Á như Philippin đã cấm đốt rơm, rạ ngoài đồng ruộng từ lâu, thì ở Việt Nam, việc đốt rơm, rạ ngày càng trở nên phổ biến ở các vùng nông thôn và vùng ven đô, gây ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông và lãng phí một nguồn tài nguyên năng lượng vô giá.

Khảo sát của ThS Đỗ Đức Tưởng (Tổ chức phát triển Hà Lan) mới đây cho thấy: Tại Cần Thơ 86% lượng rơm, rạ bị đốt bỏ, chỉ 12% được vùi xuống đất làm phân; ở Thái Bình, lượng rơm, rạ bị đốt bỏ là 36%; Quảng Bình mỗi hộ trung bình đốt 600kg rơm, rạ/năm; không còn hộ gia đình nào ở Cần Thơ hay Quảng Bình còn sử dụng rơm, rạ cho việc đun nấu.

ThS Đỗ Đức Tưởng (Tổ chức phát triển Hà Lan): Để đưa năng lượng sinh khối từ phụ phẩm lúa gạo trở thành loại năng lượng phổ biến trong cộng đồng, phải đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân; việc nghiên cứu xây dựng các chính sách cần sự tham vấn và vào cuộc của các nhà khoa học để các chính sách thực sự mang lại hiệu quả.

Đi tìm lời giải

Hiện, có một số công nghệ đang được các nước áp dụng để sản xuất năng lượng từ phụ phẩm lúa gạo như: Công nghệ ép củi trấu; cuốn ép rơm, rạ; đốt trực tiếp rơm rạ trong nhà máy nhiệt điện… đều cho hiệu quả kinh tế lớn hơn sử dụng than, gas. Tuy nhiên, do rơm, rạ là loại vật liệu sinh khối có khối lượng riêng nhỏ, phân bố dàn trải, khó thu gom trong điều kiện máy móc và mặt bằng nước ta hiện nay. Ngoài ra, rơm, rạ chỉ có theo mùa (sau mỗi vụ gặt) nên việc sử dụng rơm rạ muốn liên tục phải có sự chế biến, bảo quản hợp lý. Các nguồn trấu cũng có khó khăn tương tự… Đây chính là lý do dẫn đến việc, mặc dù năng lượng sinh khối từ các phụ phẩm lúa gạo đã được khẳng định là rất lớn, nhưng việc khai thác nó tại Việt Nam đến nay vẫn chưa khả thi.

ThS Đỗ Đức Tưởng nhấn mạnh: Rõ ràng, nếu các công nghệ trên được áp dụng ở Việt Nam sẽ giúp người nông dân tăng thu nhập và lợi ích về môi trường là rất lớn. Tuy nhiên, bên cạnh nhận thức của người dân còn hạn chế; thiếu sự nhiệt huyết của các nhà nghiên cứu; nhà nước vẫn thiếu chính sách quan tâm hiệu quả đến năng lượng tái tạo (hiện mới có biểu giá cho năng lượng gió); chưa có sự quyết liệt trong cấm đốt rơm rạ một cách bừa bãi…