Công cụ đánh giá tính bền vững của thủy điện bị nghi ngờ

ThienNhien.Net – Bộ quy tắc Đánh giá Thủy điện Bền vững (HSAP) – một công cụ đánh giá tính bền vững của các dự án thủy điện trên toàn cầu vừa được chính thức giới thiệu tại Đại hội Thế giới 2011 về Thúc đẩy Thủy điện Bền vững do Hiệp hội Thủy điện Quốc tế (IHA) tổ chức tại Iguassu, Brazil tháng 6/2011. Tuy nhiên, tính ưu việt của Bộ quy tắc này hiện vẫn đang bị đặt nghi vấn.

Đánh giá tính bền vững trên 4 khía cạnh

Được biết IHA đã công bố Bộ quy tắc cuối cùng do các thành viên IHA thông qua từ ngày 16/11/2010.  Trong dịp ra mắt chính thức này, IHA cũng đồng thời công bố 8 Đối tác Bền vững đầu tiên gồm các doanh nghiệp tham gia thúc đẩy thực thi các dự án thủy điện bền vững là: Tập đoàn Năng lượng Pháp (EDF), Tập đoàn năng lượng E.ON (Đức), Tập đoàn Itaipu Binacional (Ấn Độ), Tập đoàn Hydro Tasmania (Úc), Công ty điện lực quốc gia Landsvirkjun (Iceland), Công ty năng lượng Manitoba Hydro (Canada), Công ty Năng lượng Sarawak (Malaysia) và Công ty tài chính năng lượng Statkraft (Thụy Điển). Các Đối tác này sẽ được đào tạo về nội dung và ứng dụng cụ thể Bộ quy tắc HSAP cũng như hai công cụ đánh giá Bộ quy tắc này.

Nhấn mạnh đến tính ưu việt của HSAP, IHA cho biết, Bộ quy tắc HSAP cung cấp phương pháp luận phù hợp, có thể áp dụng trên toàn cầu để đánh giá tính bền vững các thủy điện với gần 20 chủ đề quan trọng, tùy thuộc vào từng giai đoạn đánh giá. Các chủ đề tập trung xoay quanh 4 khía cạnh mang tính nguyên tắc về bền vững, bao gồm: xã hội, kinh tế, môi trường và kĩ thuật.

Tương ứng với các chủ đề sẽ là các vấn đề cụ thể được đánh giá như: chế độ dòng chảy hạ lưu, cư dân bản địa, đa dạng sinh học, an toàn cơ sở hạ tầng, tái định cư, chất lượng nước và hiệu quả kinh tế.

Bộ quy tắc này có thể được sử dụng trong tất cả các giai đoạn phát triển của dự án thủy điện, bao gồm: giai đoạn khởi đầu, giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn thực thi và giai đoạn vận hành. Nó cũng được thiết kế để áp dụng đánh giá tính bền vững của dự án thủy điện ở bất cứ nơi đâu trên thế giới.

Dựa trên những phân tích khách quan và các chứng cứ tài liệu thu thập được, IHA cũng khẳng định, kết quả đánh giá tính bền vững của các dự án thủy điện theo Bộ quy tắc HSAP được trình bày theo cấu trúc và sơ đồ chuẩn, cho phép thông tin một cách minh bạch và nhanh chóng.

Liệu có thực sự ưu việt?

Dù nhận được không ít những lời ngợi ca từ IHA nhưng bấy nhiêu những điểm ưu việt mà IHA chỉ ra từ Bộ quy tắc vẫn chưa thể khiến các nhà quản lý và các nhà khoa học “tâm phục khẩu phục”. Peter Bosshard, Giám đốc chính sách Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (International Rivers) đã chỉ ra không ít những lỗ hổng trong Bộ quy tắc này. Ông cho rằng công cụ này là một bảng đánh giá tự nguyện mà các nhà xây dựng đập và các nhà tư vấn có thể sử dụng để đánh giá các dự án với rất nhiều tiêu chí. Tuy nhiên, cách tiếp cận mới của Bộ quy tắc này lại gặp phải một số vấn đề cơ bản như:

“Chúng tôi sẽ vẫn dõi theo Bộ quy tắc này xem chúng được sử dụng ra sao và sẽ chỉ thừa nhận sự tiến bộ khi chúng tôi thấy được điều đó. Trong khi đó, chúng tôi sẽ tố cáo bất cứ nỗ lực nào núp bóng dưới danh nghĩa thân thiện với môi trường và làm suy yếu các tiêu chuẩn hiện có. Và chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các cộng đồng địa phương và các tổ chức phi chính phủ để họ có thể đứng lên đấu tranh giành lấy quyền lợi khi họ phải đối mặt với những dự án tiêu cực” (Peter Bosshard)

Không có tiêu chuẩn nền tảng: Bộ quy tắc mới không xác định được bất cứ tiêu chuẩn nền tảng nào. Nó không đòi hỏi các dự án phải thực hiện theo luật pháp quốc gia, công ước quốc tế hay những tiêu chuẩn về môi trường và xã hội hiện có để đánh giá cái được gọi là tính bền vững. IHA xem xét công nhận mọi dự án trải qua cuộc đánh giá “thủy điện bền vững” bất chấp kết quả đánh giá đó là tốt hay xấu. Các đơn vị làm việc với IHA về Bộ quy tắc cũng có thể tự nhận mình là “đối tác bền vững”. Danh sách này bao gồm cả Công ty Năng lượng Sarawak, đơn vị đang lên kế hoạch xây dựng 12 đập thủy điện trong rừng nhiệt đới Borneo – thuộc chủ quyền 3 nước Brunei, Indonesia và Malaysia. Trong khi đó, trên thực tế, công ty này là trường hợp điển hình cho việc doanh nghiệp thủy điện đang núp bóng dưới danh nghĩa thân thiện và có trách nhiệm đối với môi trường.

Làm suy yếu các tiêu chuẩn hiện tại: Mặc dù Bộ quy tắc không đưa ra bất cứ tiêu chuẩn nền tảng nào về các vấn đề môi trường hay xã hội, nhưng ngành công nghiệp đập vẫn cố gắng tiếp cận tới các khoản tín dụng các-bon và hỗ trợ từ tài chính công cho các dự án đã trải qua quá trình đánh giá. IHA hiện vẫn bí mật vận động cho HSAP nhằm đưa Bộ quy tắc này thành tiêu chuẩn thay thế cho những tiêu chuẩn khắt khe mà các dự án hiện tại buộc phải đáp ứng để có thể tiếp cận tới các khoản tín dụng các-bon, đặc biệt là khung tiêu chuẩn của Ủy ban Thế giới về Đập với những cách tiếp cận linh hoạt.

Bị kiểm soát bởi chính ngành công nghiệp thủy điện: Bộ quy tắc mới và việc đánh giá các dự án cụ thể được kiểm soát bởi ngành công nghiệp thủy điện. Các giám định viên cần phải được IHA cấp phép trước khi tiến hành đánh giá và chi phí đánh giá sẽ do các chủ dự án chi trả. Ngược lại, các chủ dự án sẽ kiểm soát các chương trình của các giám định viên và cả các thông tin mà các giám định viên được tiếp cận. Và họ chỉ công bố kết quả đánh giá khi họ thấy vừa lòng. Tuy nhiên, việc đánh giá trên thực tế  nhiều khi chỉ được làm chiếu lệ. Chẳng hạn, trong khi tiến hành đánh giá dự án đập Teesta V ở Đông Bắc Ấn Độ, giám định viên đã nghiên cứu rất nhiều tài liệu được chuẩn bị bởi chủ dự án nhưng họ lại không hề đi thăm người dân bản địa bị ảnh hưởng chỉ vì họ sống cách con đập 1-2 giờ đi bộ.

Việc xây đập thủy điện Belo Monte trên nhánh chính của sông Amazon, Brazil bị kịch liệt phản đối bởi những nguy hại nó có thể gây ra đối với môi trường rừng nhiệt đới Amazon. (Ảnh minh họa: Zunia.org)

Đồng tình với quan điểm của Peter Bosshard, một đồng nghiệp của ông, Zachary Hurwitz, đã phát biểu tại hội nghị ra mắt HSAP rằng: “Chúng tôi sẽ không chấp nhận các tiêu chuẩn ràng buộc được thay thế bằng phiếu ghi điểm tự nguyện, được điều chỉnh bởi chính ngành công nghiệp này” .

Việc con đập khổng lồ Belo Monte được xây dựng trên nhánh chính sông Amazon ở phía đông nam là một trong những bằng chứng xác thực nhất. Dự án này vẫn tiếp tục được triển khai dù không ít lần vi phạm luật và các điều kiện cấp phép xây dựng. Nhà hoạt động bảo vệ môi trường Sheyla Juruna đã kịch liệt phản đối dự án này, bà nhấn mạnh: “Toàn bộ những bộ lạc địa phương sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi con đập Belo Monte. Những nhà xây dựng đập không hề tuân thủ các trách nhiệm pháp lý nhằm tránh phải trả chi phí cao hơn. Thực xấu hổ khi ngành công nghiệp này đã bao biện và lấp liếm rằng họ đã đạt được sự đồng thuận từ phía các cư dân bị ảnh hưởng trong khi thực tế lại không phải vậy”.

Kết thúc bình luận về Bộ quy tắc mới này, Peter Bosshard khẳng định: “Tôi vẫn tin rằng các dự án thủy điện có thể trở thành nguồn cung cấp điện đáng tin cậy, tuy nhiên, nó phải được dựa trên việc đánh giá cân bằng tất cả các lựa chọn tối ưu cũng như sự tham gia cần thiết của các cộng đồng chịu ảnh hưởng trong quá trình ra quyết định, cùng những quy định nghiêm ngặt về các vấn đề về xã hội và môi trường, lẫn quá trình giám sát công khai”.