Trung Quốc cải thiện hình ảnh trong đầu tư nước ngoài

ThienNhien.Net – Môi trường không chỉ là một vấn nạn bên trong Trung Quốc khi mà các công ty Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài đang bị chỉ trích vì những nguy cơ môi trường họ mang đến các nước sở tại. Các ngân hàng, các công ty khai mỏ và thủy điện của Trung Quốc từng đối mặt với sự phản đối và mất đi những hợp đồng trị giá hàng tỷ đô la khi dự án của họ có nguy cơ hủy hoại môi trường. Trong bối cảnh ấy, Hướng dẫn Bảo vệ Môi trường trong đầu tư và Hợp tác Nước ngoài mà chính phủ Trung Quốc mới ban hành được coi là một nỗ lực cải thiện hình ảnh đầu tư nước ngoài.

Từ năm 2006 chính phủ Trung Quốc đã ban hành hàng loạt các yêu cầu và khuyến cáo kêu gọi các doanh nghiệp của mình bảo vệ môi trường, tôn trọng quyền lợi của cộng đồng và quyền của người lao động khi đầu tư ra nước ngoài.

Sau bản Hướng dẫn Tín dụng Xanh nhằm điều chỉnh hoạt động môi trường của các ngân hàng Trung Quốc được cập nhật hồi tháng 2/2012, việc Bộ Thương Mại và Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc mới đây ban hành Hướng dẫn Bảo vệ Môi trường trong Đầu tư và Hợp tác Nước ngoài được đánh giá là một nỗ lực để cải thiện hình ảnh đầu tư bên ngoài lãnh thổ của Trung Quốc.

Ảnh: BBC
Ảnh: AFP

Bản Hướng dẫn gồm 23 điều, bao trùm các vấn đề quan trọng, gồm tuân thủ luật pháp, các chính sách môi trường, kế hoạch quản lý môi trường, biện pháp giảm nhẹ, kế hoạch quản lý thảm họa, quan hệ cộng đồng, quản lý chất thải và các tiêu chuẩn quốc tế.

Chưa phải là một văn bản ràng buộc về mặt pháp lý, Hướng dẫn mới không được thiết kế để đình chỉ các dự án mà chỉ giúp hạn chế các tổn thất và cải thiện các dự án theo hướng bảo vệ môi trường.

Theo Hướng dẫn, các chiến lược môi trường và kế hoạch quản lý phải được triển khai; các đánh giá tác động môi trường và kế hoạch giảm nhẹ đối với các dự án nhạy cảm phải được chuẩn bị; các thông tin môi trường phải được công bố; và các khía cạnh môi trường phải được cân nhắc trong chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, dù nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập mối quan hệ tốt với cộng đồng địa phương, Hướng dẫn mới lại không thừa nhận bất cứ quyền nào của cộng đồng.

Hơn nữa, khác với Hướng dẫn của Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD) đối với các công ty đa quốc gia (OECD Guidelines for Multinational Enterprises), cho phép các nhóm xã hội dân sự và các đối tượng khác khiếu kiện, thì Hướng dẫn mới của Trung Quốc không hỗ trợ bất cứ cơ chế khiếu nại nào.

Mặc dù không thể ngay lập tức tạo ra những thay đổi ở các khu vực dự án, các nhóm xã hội dân sự và các cộng đồng bị ảnh hưởng ngay từ bây giờ đã có thể sử dụng Hướng dẫn này để giám sát các công ty Trung Quốc, buộc họ phải có trách nhiệm hơn đối với việc giảm thiểu thiệt hại môi trường và tôn trọng quyền lợi của cộng đồng.