Công nghiệp khai khoáng: Cần minh bạch hoá

ThienNhien.Net – Việt Nam cần sớm tham gia Ủy ban Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng quốc tế (EITI). Đây là nhận định chung của các chuyên gia tại Hội thảo chuyên đề “Báo cáo Nghiên cứu khả thi về việc Việt Nam tham gia sáng kiến minh bạch hóa ngành công nghiệp khai khoáng” do Bộ Công thương tổ chức hôm 2/5.

Các chuyên gia cho rằng, EITI là một công cụ phù hợp, có hiệu quả trong phạm vi khuôn khổ hiến pháp hiện hành ở Việt Nam. Về bản chất EITI hoạt động theo cơ chế yêu cầu các công ty khai khoáng và cơ quan Nhà nước công khai các khoản thu chi từ hoạt động khai khoáng và được giám sát bởi một Ủy ban đa bên. Đây được coi là động thái hữu hiệu giúp chống lại tham nhũng, giúp Chính phủ thu được nhiều lợi nhuận cũng như giúp phát triển bền vững ngành công nghiệp khai khoáng.

Đối với Việt Nam, việc tham gia EITI còn giúp đảm bảo chất lượng thông tin tốt hơn, toàn diện hơn về ngành công nghiệp chiến lược này.

Ảnh minh họa: pukmedia.com
Ảnh minh họa: pukmedia.com

Báo cáo được công bố tại hội thảo cho thấy, hiện các cơ quan của Chính phủ rất khó có thể truy cập các thông tin đầy đủ về ngành công nghiệp khai khoáng Việt Nam, đơn cử trong Bộ Công Thương, chủ yếu nhận các báo cáo từ doanh nghiệp Nhà nước, nhưng lại khó tiếp cận thông tin từ các doanh nghiệp tư nhân.

Việc tham gia EITI sẽ giúp tăng nguồn thu cho Chính phủ, bởi gần đây có những dấu hiệu cho thấy tại một số địa phương có tới 50% lượng khoáng sản bị xuất lậu, chưa kể có dấu hiệu báo cáo thấp đi một khối lượng sản lượng khoáng sản đáng kể.

Bên cạnh đó, việc tham gia EITI sẽ tăng tính cạnh tranh toàn cầu cho các doanh nghiệp. Đặc biệt những doanh nghiệp khai khoáng lớn nhất như Vinacomin, Petrovietnam… nhờ việc công bố thông tin theo quy định của EITI, các doanh nghiệp này sẽ trở nên có tính cạnh tranh toàn cầu cùng với 70 công ty dầu khí và khai thác đứng dầu thế giới là các công ty đã chấp thuận tham gia EITI.

Đồng thời, nhờ việc cung cấp thông tin chất lượng tốt hơn, EITI còn tạo ra một hình thức tham gia cùng quản lý của cải tài nguyên, thiên nhiên cho nhân dân, làm giảm thiểu các rủi ro căng thẳng giữa các hoạt động khai thác và cộng đồng cư dân địa phương.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang, Việt Nam có nguồn tài nguyên phong phú và phần lớn nguồn thu ngân sách của Việt Nam cũng do ngành công nghiệp khai khoáng đóng góp. Để đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Việt Nam đã cho phép khai thác nhiều loại tài nguyên, từ đó cũng tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, mặt trái của các hoạt động khai thác khoáng sản quy mô công nghiệp là sự tác động xấu đến tự nhiên, làm biến đổi địa hình, gây ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tài nguyên khoáng sản là nguồn tài nguyên không thể tái tạo. Cho nên việc chấp thuận ký kết và tham gia EITI sẽ giúp Việt Nam nâng cao tính công khai, minh bạch trong các ngành công nghiệp khai khoáng, hạn chế được nạn buôn lậu, tham nhũng, hối lộ…