“Cơn sốt” vàng và hệ lụy để lại

ThienNhien.Net – Cơn sốt vàng bắt đầu hình thành khi nhu cầu đối với thứ kim loại quý hiếm này tăng cao, kèm theo cơn sốt về giá cả. Thời gian gần đây, việc những khu khai thác vàng mọc lên như nấm, mỏ mới được mở ra, mỏ cũ được nới rộng đã và đang ảnh hưởng ngày một tiêu cực đến nguồn nước và môi trường tại những nơi mà cơn sốt này đi qua.

“Virus” lan truyền cơn sốt vàng

Giá vàng cao được nhận định là thứ “virus” làm bùng lên cơn sốt vàng trong những năm gần đây. Theo số liệu điều tra của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), giá vàng năm 2011 cao hơn năm 2010 tới 30% và đạt kỷ lục xấp xỉ 1.900 USD/lượng tây vào tháng 8/2011. Sản lượng vàng toàn cầu năm 2011 cũng tăng 140 tấn so với năm trước đó.

Tất nhiên chẳng ai có thể nghi ngờ giá trị, đặc tính quý hiếm của kim loại vàng, nhưng không phải ở thời đại nào, nó cũng được săn đón nhiều như bây giờ và không phải ở thời nào, giá của nó cũng cao như bây giờ. Do đó, người ta bắt đầu tò mò rằng: điều gì đã đẩy giá vàng lên cao?

Và câu trả lời cho trường hợp này là do sự gia tăng nhu cầu sử dụng vàng của các nền kinh tế đang phát triển nhanh ở châu Á, bao gồm cả nhu cầu sử dụng làm trang sức, trang trí đến sản xuất các thiết bị công nghệ cao như điện thoại thông minh, máy vi tính, máy tính bảng… Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ là hai trong số những nhân tố chính thúc đẩy nhu cầu sử dụng vàng. Chỉ tính riêng nhu cầu về vàng của hai nước này đã chiếm gần 50% nhu cầu toàn thế giới.

Ngoài ra, các ngân hàng trung ương cũng được xem là nhân tố góp phần đẩy giá vàng lên cao. Đa số ngân hàng, nhất là ở các nước phát triển phương Tây, bắt đầu bán vàng dự trữ sau khi từ bỏ chế độ bản vị vàng*. Trong suốt hai thập niên 1980 và 1990, trung bình số vàng họ bán ra mỗi năm vào khoảng 400 – 500 tấn. Tuy nhiên gần đây, các ngân hàng đã mua vàng trở lại và mau chóng trở thành nguồn cầu thay vì nguồn cung như trước…

Hệ lụy để lại

Theo tính toán, hoạt động khai thác ở các mỏ vàng lộ thiên quy mô lớn mỗi ngày có thể tiêu tốn từ 60.000 đến 100.000m3 nước. Chưa kể, việc sử dụng kỹ thuật thủy lực để khai thác hay chiết lọc bằng độc chất xyanua còn dẫn tới ô nhiễm nước nghiêm trọng.

Cùng với đó, quá trình khai thác vàng cũng để lại trong môi trường một lượng chất thải khổng lồ, không chỉ ảnh hưởng đến nguồn nước sông, hồ, đại dương mà còn có thể gây ô nhiễm đất và mạch nước ngầm. Thử tưởng tượng, chỉ cần khai thác vàng đủ làm một chiếc nhẫn cưới đã tạo ra tới 20 tấn chất thải thì với tốc độ khai thác hiện nay, môi trường đang phải hứng chịu bao nhiêu chất thải độc hại?

Và giờ đây, những hệ lụy này đang tác động trực tiếp đến những nơi mà cơn sốt vàng đi qua.

Sông Ok Tedi ở Papua New Guinea bị ô nhiễm nặng vì chất thải từ mỏ đồng-vàng Ok Tedi (Ảnh: Dete Siegert/Earthworks)

Chẳng hạn, ngành công nghiệp khai mỏ của Chile hiện đang phải đối mặt với một thách thức lớn do khai mỏ gây ra tình trạng khan hiếm nước và năng lượng. Hậu quả là trong vòng 8 năm tới, Chile phải tăng công suất phát điện thêm 47% mới mong đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Điều này tạo sức ép đáng kể lên nguồn nước bởi hơn 40% điện năng của nước này là từ nguồn thủy điện.

Tương tự Chile, Nam Phi, quốc gia chế xuất vàng lớn thứ 5 thế giới, cũng đang đau đầu trước tình trạng thiếu nước và năng lượng, hoạt động khai mỏ ở một số nơi thậm chí bị ngừng tạm thời cũng vì lý do trên. Không dừng lại ở đó, Chính phủ Nam Phi còn phải nỗ lực giải quyết vấn đề ô nhiễm từ hệ thống thoát nước chứa a-xít từ các hầm mỏ và hàng trăm con đập xả thải.

Ở khu vực Mỹ Latinh, vấn đề môi trường cũng không sáng sủa hơn. Kể từ khi hoạt động đào vàng diễn ra, những con sông mà cộng đồng bản địa phía tây Guyana – Peru từng sử dụng làm nước sinh hoạt giờ đã không còn dùng được nữa. Môi trường Colombia cũng hứng chịu tình trạng ô nhiễm tương tự từ dòng thủy ngân bị phát tán trong quá trình gia công, chế biến vàng, đẩy những người thợ mỏ đứng trước vô số rủi ro về sức khỏe…

Báo cáo mang tên “Troubled Waters” (Tạm dịch: Nguồn nước đang lâm nguy) do tổ chức bảo vệ môi trường Earthworks và cơ quan chuyên thanh tra mỏ Mining Watch Canada công bố cho thấy: một số hệ thống nước trên thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi chất thải từ các khu khai mỏ. Hàng năm, lượng chất thải do hoạt động khai khoáng thải vào nguồn nước lên đến trên 180 triệu tấn và có tới 9 trong số những công ty khai mỏ hàng đầu thế giới chọn cách đổ trực tiếp chất thải ra môi trường thay vì tìm hướng xử lý hiệu quả để giảm bớt tác động của các loại rác thải độc hại.

Không phủ nhận thời gian qua cũng có những nỗ lực phục hồi môi trường được triển khai, nhưng việc những nỗ lực ấy đi đến đâu còn gây nhiều tranh cãi bởi sự chênh lệch, sai khác giữa các nguồn số liệu.

Đơn cử theo báo cáo của Earthworks, các mỏ Grasberg ở Papua (Indonesia) mỗi ngày thải hơn 200.000 tấn chất thải (nghĩa là một năm thải tổng cộng 80 triệu tấn) ra lưu vực sông Otomina và Ajkwa, thu hẹp rừng và những vùng đất ngập nước, đồng thời phá hủy đời sống thủy sinh nơi đây. Song, điều này bị bản báo cáo đặc biệt năm 2009 của Tập đoàn khai thác mỏ Freeport-McMoRan Copper & Gold – chủ sở hữu 90,64% diện tích mỏ Grasberg – bác lại.

Trong báo cáo năm 2009, Freeport-McMoRan cho biết họ đã áp dụng phương pháp quản lý rác thải ven sông phù hợp với những quy chuẩn quốc tế hàng đầu: trước khi đổ ra sông, họ dùng đá vôi để trung hòa a-xít trong rác thải và sông sẽ là kênh vận chuyển rác tới các đập chứa rác trong khu vực bãi bồi. Chi phí cho công tác này trung bình hàng năm tiêu tốn khoảng 15,5 triệu USD.

Bên cạnh đó, những công ty khai mỏ khác như AngloGold Ashanti có trụ sở tại Nam Phi cũng có những chương trình phục hồi nguồn nước và đất đai bị ô nhiễm do khai thác vàng.

Mục tiêu đặt ra có thể rất lớn, song việc triển khai trên thực tế có thật sự triệt để và hiệu quả hay không còn phụ thuộc nhiều vào thái độ và lương tâm của các nhà khai mỏ đối với môi trường, với nguồn tài nguyên nước vô giá của nhân loại.


(*) Chế độ bản vị vàng là chế độ tiền tệ mà pháp luật quy định dùng vàng để đúc tiền vàng. Trong quá trình phát triển, chế độ này tiến triển dưới hình thức của ba chế độ khác nhau: bản vị tiền vàng, bản vị vàng thỏi và bản vị hối đoái vàng. Trong chế độ tiền tệ bản vị vàng, tiền dù ở dưới hình thức nào (đúc bằng vàng, in trên giấy, tiền điện tử…), thì người sở hữu tiền vẫn luôn có một quyền quan trọng: yêu cầu người phát hành tiền đổi tiền thành vàng theo tỷ lệ đã cam kết. (Theo Bsc.com.vn)