Giá một tấn CO2 chỉ bằng tiền mua một chiếc bánh hambơgơ

ThienNhien.Net – Thị trường carbon Châu Âu, một nỗ lực tiên phong trong việc sử dụng thị trường để quản lý khí thải đang trải qua một thời kỳ đầy khó khăn khi mức giá mỗi tấn khí thải CO2 chỉ còn bằng giá trị một chiếc bánh hambơgơ.

Ngày 16/4, sau khi Nghị viện Châu Âu phủ quyết đối với đề xuất cắt giảm số lượng tín chỉ carbon ban hành, giá tín chỉ đã rớt thẳng 50% xuống mức 2,63 euro chỉ trong vòng 5-10 phút.

Nghiêm trọng hơn cả tình trạng mất việc làm, giảm thu nhập của người kinh doanh tín chỉ và nguồn thu của ngân hàng, việc giá tín chỉ carbon trở nên rẻ mạt đồng nghĩa rằng thị trường này đã không thực hiện được sứ mệnh của mình trong thúc đẩy giảm khí thải, điều mà các nhà khoa học khí hậu ban đầu đã tin tưởng và kỳ vọng.

Vài năm trước đây, các nhà phân tích từng cho rằng thị trường carbon thế giới sẽ cán mốc 2 tỷ USD vào cuối thập kỷ này, song thực tế hôm nay lại vô cùng ảm đạm. Tổng số giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu năm ngoái chỉ đạt 62 tỷ euro, giảm mạnh so với con số 96 tỷ euro của năm 2011, theo Thomson Reuters Point Carbon, một công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Oslo (Na Uy).

Lỗi hệ thống

Hệ thống kinh doanh khí thải được thiết lập vào năm 2005 với mục tiêu tạo ra một mô hình toàn cầu nhằm định giá khí thải nhà kính và thúc đẩy đối tượng gây ô nhiễm công nghiệp chuyển đổi từ đốt nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các nhiên liệu sạch thay thế như năng lượng gió và mặt trời.

Khi giá carbon đạt mức cao với hơn 30 euro vào năm 2008 và các công ty chi hàng tỷ USD để đầu tư vào năng lượng tái tạo, các nhà hoạch định chính sách đã ca ngợi thị trường này như một câu chuyện thành công.

Tuy nhiên sau đó tín chỉ carbon bắt đầu rớt giá và trở nên quá thấp để có thể tác động đến hoạt động của các công ty.

Hệ thống lưu trữ và thương mại khí thải (cap and trade) ở châu Âu đã thiết lập mức trần quy định về khí thải. Theo đó, cuối mỗi năm, các công ty như công ty năng lượng hoặc sản xuất thép phải nộp cho các cơ quan chức năng giấy phép xả thải tương đương với mức khí phát thải.

Song đến cuối năm 2012, các khoản tín chỉ đã được trao miễn phí cho các công ty theo lượng khí thải ước tính của họ vì các nhà hoạch định chính sách hy vọng khởi động lại thị trường giao dịch và tránh cho người tiêu dùng phải chịu mức phí cao hơn.

Theo quy định, từ năm nay các công ty năng lượng sẽ phải tăng dần số lượng tín chỉ mua vào từ các cuộc đấu giá quốc gia. Còn các công ty công nghiệp như nhà máy sản xuất thép sẽ thực hiện quy định này trong thập kỷ tới.

Theo tính toán ban đầu thì khi lượng cầu tăng lên, tín chỉ sẽ tăng giá và cắt giảm được ô nhiễm. Tuy nhiên, thực tế đã khác xa vì sai sót nghiêm trọng trong thiết kế hệ thống.

Đã có quá nhiều tín chỉ carbon được ban hành trong khi suy thoái kinh tế Châu Âu đã cắt giảm mạnh hoạt động công nghiệp và giảm lượng khí thải carbon của toàn bộ lục địa này.

Sản xuất thép ở châu Âu, chẳng hạn, đã giảm khoảng 30% kể từ năm 2007, trong khi số xe ô tô được đăng ký mới năm ngoái cũng rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1995.

Các khoản đầu tư lớn vào các nguồn năng lượng tái tạo như gió và năng lượng mặt trời cũng làm giảm lượng khí thải carbon. Năm 2007 khí thải ở Châu Âu đã giảm 10%.

Kết quả là, có một sự thặng dư lớn các giấy phép – trị giá khoảng 800 triệu tấn, theo Point Carbon, gây ra sự sụt giảm giá thành.

Trong khi đó, giá than đã quá thấp để có thể buộc các công ty điện lực ở Châu Âu chuyển đổi từ đốt than đá sang sử dụng khí thiên nhiên. Ngược lại, nước Anh đã đốt than đá để sản xuất điện nhiều hơn năm ngoái 30% trong khi cũng cắt giảm sử dụng lượng khí tự nhiên tương đương. Các quốc gia Tây Âu khác cũng tăng lượng than đá sử dụng.

Ảnh minh họa: Agimag.co.uk
Ảnh minh họa: Agimag.co.uk

Bế tắc khâu giải cứu

Do lo sợ rằng giá tín chỉ carbon có thể chạm mức gần bằng không vì cung vượt cầu quá xa, các nhà chức trách châu Âu đã đề xuất một giải pháp ngắn hạn nhằm trì hoãn việc bán đấu giá dự kiến phần lớn các tín chỉ đã được lên kế hoạch trong ba năm tới. Tuy nhiên giải pháp này đã không được thông qua vào ngày 16 tháng 4 vừa qua.

Bởi lẽ, các nhà lập pháp lo ngại sẽ làm xáo trộn thị trường cũng như bất cứ điều gì có thể khiến giá năng lượng tăng trong nền kinh tế khó khăn.

Trong khi đó, các nhà phân tích như Stig Scholset tại Point Carbon cho rằng các nhà chức trách cũng không thể cải thiện tình hình trong ngắn hạn và giá cả tín chỉ carbon có thể giảm trong nhiều tháng nữa nếu không phải là nhiều năm.

Điều này có nghĩa là các tổ chức tài chính sẽ tiếp tục gặp khó khăn, đặc biệt là đối với các khoản đầu tư vào các dự án giảm khí nhà kính như phong điện hoặc thủy điện tại các nước đang phát triển.

Trong khi đó, theo các nhà tài chính, các dự án kiểu này đã từng là mỏ vàng tạo ra các tín chỉ mà các công ty công nghiệp có thể sử dụng để bù đắp lượng khí thải của mình. Tuy nhiên hiện đã có quá nhiều tín chỉ được tạo ra bởi các dự án kiểu này trong tình trạng thừa cung tín chỉ của Châu Âu nên hiện giờ giá mỗi tín chỉ còn 1/3 Euro.

Những người tham gia thị trường cho biết họ đã chứng kiến nhiều đối thủ đang tháo lui khỏi thị trường carbon. Luật sư Anthony Hobley, chủ tịch Hiệp Hội đầu tư và Thị trường khí hậu, một tập đoàn công nghiệp, ước tính rằng số các thương nhân, các nhà phân tích và các ngân hàng đổ xô vào thị trường carbon trong những ngày đầu đã vơi đi một nửa.

Tuy nhiên, thương mại carbon không thể tàn lụi hoàn toàn.

Thứ nhất là bởi vì các tập đoàn Châu Âu và nhiều công ty khác hiện vẫn phải mua tín chỉ theo quy định. Thêm nữa, họ cũng có thể mua tín chỉ để dự trữ cho thời điểm lượng phát thải khí của họ gia tăng hoặc giá carbon tăng.

Và mặc dù thị trường ảm đạm ở châu Âu, thương mại carbon đang bắt đầu giành được chú ý ở các quốc gia như Trung Quốc, Úc và New Zealand.