Đề xuất thành lập Tổng cục phát triển hợp tác xã

ThienNhien.Net  – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thành lập Tổng cục phát triển hợp tác xã thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; thành lập Cục phát triển hợp tác xã ở cấp tỉnh; ở cấp huyện khi đủ điều kiện sẽ thành lập Phòng phát triển hợp tác xã.

Đề xuất trên được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Hợp tác xã năm 2012.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay, bộ máy quản lý nhà nước về hợp tác xã bước đầu đã hình thành nhưng hoạt động còn phân tán, không có tính hệ thống.

Luật Hợp tác xã năm 2012 và Kết luận số 56-KL/TW ngày 21/2/2013 của Bộ chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã yêu cầu cần phải “Kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả, tập trung và thống nhất từ Trung ương đến địa phương”.

Do vậy, Bộ kiến nghị thành lập bộ máy quản lý nhà nước thống nhất về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã từ trung ương tới địa phương.

Cụ thể, ở cấp trung ương thành lập Tổng cục phát triển hợp tác xã thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giúp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong phạm vi cả nước.

Ở cấp tỉnh thành lập Cục phát triển hợp tác xã trực thuộc Tổng cục phát triển hợp tác xã. Ở cấp huyện khi đủ điều kiện sẽ thành lập Phòng phát triển hợp tác xã thuộc Cục phát triển hợp tác xã.

Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục phát triển hợp tác xã.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thành lập bộ máy quản lý nhà nước mang tính tập trung, thống nhất, phù hợp và tiếp thu kinh nghiệm phổ biến của thế giới. Trên thế giới hiện nay, có nước còn thành lập bộ, ủy ban quốc gia về hợp tác xã, như Myanmar, Indonesia…

Ảnh minh hoạ: phapluatvn.vn
Ảnh minh hoạ: phapluatvn.vn

Nhiệm vụ của bộ máy quản lý nhà nước về hợp tác xã

Theo dự thảo, bộ máy quản lý nhà nước về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sẽ thực hiện nhiệm vụ chủ yếu như: Chủ trì nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và văn bản pháp luật có liên quan; chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Đồng thời, chủ trì việc tổng kết, xây dựng kế hoạch, chương trình, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; thực hiện hoặc chỉ đạo thực hiện các dự án mô hình thí điểm và nhân rộng các mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phát triển có hiệu quả.

Bên cạnh đó, thống nhất tổ chức thực hiện việc đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên phạm vi toàn quốc; xây dựng hệ thống thông tin về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên phạm vi toàn quốc; chủ trì phối hợp với các cơ quan khác tiến hành việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; xử lý và hướng dẫn xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 10 năm từ 2002-2011 chỉ riêng khu vực hợp tác xã đóng góp bình quân 6,38% GDP cả nước nhưng với tỷ lệ vốn đầu tư chỉ chiếm 0,58% tổng số vốn đầu tư của toàn bộ nền kinh tế.

Trên thực tế, quy mô lao động ở khu vực hợp tác xã tương đối lớn và đang có xu hướng gia tăng. Điều đó có nghĩa hợp tác xã đã giúp người lao động có khó khăn về kinh tế đáp ứng được các nhu cầu của họ bằng các hàng hóa, dịch vụ đầu vào với giá thấp hoặc tạo việc làm cho họ. Hợp tác xã có đóng góp rất quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội cho người nghèo do tạo và tăng thu nhập ổn định, đảm bảo mức sống tối thiểu, tạo việc làm, trợ giúp thành viên của mình tiếp cận dịch vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.