Khoa học công nghệ biển: Thiếu và yếu!

ThienNhien.Net – Cơ sở đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư trang thiết bị, xây dựng cơ sở dữ liệu… làm cho nền khoa học công nghệ biển Việt Nam thiếu và yếu – ông Võ Nam Thành, Viện Nghiên cứu Quản lý Biển&Hải đảo, đánh giá.

Tiềm năng tài nguyên biển của Việt Nam khá phong phú và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong nghiên cứu cũng như khai thác tiềm năng biển được xác định là nhân tố quan trọng hàng đầu trong việc thúc đẩy nền kinh tế biển phát triển mạnh mẽ hơn.

Nhiều thành tựu trong nghiên cứu 

Từ năm 1995 trở lại đây, lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ về biển đã có nhiều bước tiến mới về phạm vi nghiên cứu cũng như tư duy chiều sâu nhiều công trình ứng dụng vào thực tiễn tốt. Cụ thể là, trong lĩnh vực khí tượng, thủy văn và động lực học biển, nước ta đã xây dựng được quy trình công nghệ dự báo hạn ngắn bảo đảm an toàn cho các hoạt động kinh tế, quốc phòng trên biển, ứng dụng và hoàn thiện quy trình công nghệ dự báo ngư trường phục vụ khai thác hải sản xa bờ, dự báo các quá trình thủy thạch động lực ở vùng biển ven bờ Việt Nam, đánh giá biến động của mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu toàn cầu…

Trong lĩnh vực địa chất và địa vật lý biển, các công trình nghiên cứu về các bồn trầm tích Đệ Tam đã khái quát một cách khoa học, logic về lịch sử địa chất để từ đó phục vụ đắc lực cho tìm kiếm thăm dò dầu khí. Đặc biệt, đề tài “Nghiên cứu cấu trúc địa chất và đánh giá tiềm năng dầu khí các khu vực Trường Sa và Tư Chính – Vũng Mây” năm 2008 – 2010 lần đầu tiên đã xác định được những đặc điểm cơ bản về cấu trúc, kiến tạo, địa chất dầu khí bồn trầm tích của các khu vực này.

Các hoạt động điều tra về đa dạng sinh học biển cũng được chú trọng, mở rộng nghiên cứu sinh vật biển ra vùng xa bờ, vùng nước sâu. Ngoài việc đánh giá tiềm năng nguồn lợi truyền thống, còn có các hoạt động nghiên cứu, phát hiện, triển khai công nghệ khai thác tiềm năng các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng, dược liệu, nguyên liệu công nghiệp từ sinh vật biển.

Riêng lĩnh vực nghiên cứu năng lượng, kỹ thuật công trình và công nghệ biển có ý nghĩ rất quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Nhiều công trình nghiên cứu các trạm phát điện tổng hợp gồm điện mặt trời và điện gió đã được nghiên cứu và áp dụng tại Cù Lao Chàm, tính toán khai thác năng lượng gió cho một số vùng biển, hải đảo Quan Lạn, Cô Tô (Quảng Ninh).

Cùng với sự phát triển mạnh của công nghệ biển trên thế giới, nước ta cũng đạt được nhiều thành tựu về lĩnh vực này như công nghệ dự báo biển, công nghệ khai thác tài nguyên biển cùng với công nghệ tách chiết các hợp chất thiên nhiên trên biển phục vụ kinh tế và xã hội.

Dàn khoan dầu khí trên biển (Ảnh: monre.gov.vn)
Dàn khoan dầu khí trên biển (Ảnh: monre.gov.vn)

Thách thức 

Có được những ưu ái nhất định từ phía chủ trương, chính sách, song khoa học công nghệ (KHCN) biển còn không ít rào cản khi tự nó rất chậm được đổi mới về cơ chế quản lý hoạt động, thiếu chiến lược và chính sách KHCN riêng nên KHCN biển chưa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế biển cũng như đáp ứng yêu cầu bảo đảm chủ qyền biển, đảo.

Mặt khác, kinh tế biển của chúng ta ở xuất phát điểm thấp, chưa phát triển theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa nên thiếu nguồn kinh phí trầm trọng cho công tác đầu tư vào KHCN. Các sản phẩm được làm từ những chương trình, dự án và kể cả công trình KHCN cấp nhà nước không phải cái nào cũng là “đơn đặt hàng” từ chính nhu cầu sản xuất, kinh doanh và quản lý nên “thị trường” KHCN biển ở nước ta phát triển rất chậm, cơ chế tài chính cũng chưa phù hợp với đặc trưng nghề biển, một nghề đòi hỏi xuất đầu tư lớn song lại phải chịu nhiều rủi ro.

Nguồn nhân lực cho vấn đề phát triển KHCN biển đang là vấn đề lớn khi khi lực lượng mỏng, phân tán, thiếu cán bộ chuyên gia đầu ngành ở những hướng chuyên sâu, mũi nhọn quan trọng. Trong khi đó, việc đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ làm KHCN biển còn nhiều bất cập, cơ sở và quy mô đào tạo nhỏ lẻ và các định hướng, chương trình đào tạo về biển chưa toàn diện, thiếu cập nhật và chưa được tiêu chuẩn hoá.

Khoảng trống trong nghiên cứu 

Việt Nam có bờ biển trải dài trên 3.200 km, có trên 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ ở thềm lục địa và hai quần đảo ngoài khơi là Hoàng Sa và Trường Sa, có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng nhưng hiện nay, các nghiên cứu về địa chất, cấu trúc, kiến tạo địa động lực khu vực Biển Đông thường bị bỏ qua hoặc bị xem nhẹ.

Tại Hội nghị Khoa học Công nghệ Biển Toàn quốc lần thứ 5 vừa qua, các nhà khoa học nghiên cứu biển đều đề cập đến một số khoảng trống trong nghiên cứu như vấn đề nghiên cứu sinh khoáng của Biển Đông hầu như vẫn còn bỏ ngỏ. Một số công trình ven bờ hoặc trên các đảo cũng mới chỉ mang tính mô tả chứ không rút ra được quy luật gì về quá trình sinh khoáng. Các vấn đề liên quan đến kết hạch sắt – mangan cũng chưa có nghiên cứu nào đáng kể. Các nghiên cứu về gas hydrat cũng chỉ mới mang tính lý thuyết, dự đoán.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn thiếu một chiến lược tổng quát về khoáng sản năng lượng biển, chưa xây dựng được bản đồ về tiềm năng khoáng sản năng lượng cho toàn vùng biển một cách chính xác. Chiến lược tìm kiếm dầu khí chưa thật sự rõ ràng, còn phụ thuộc nhiều vào các công ty nước ngoài. Nghiên cứu sinh vật, sinh thái vùng biển sâu và đảo xa bờ còn chậm và lúng túng, thậm chí bất lực trước yêu cầu ngăn chặn sự suy thoái nguồn lợi, các hệ sinh thái, môi trường biển…

Hiện nay, các công trình nghiên cứu khoa học về biển có giá trị, có tính ứng dụng thực tiễn cao của chúng ta không nhiều và đều được thực hiện dưới sự giúp đỡ của nước ngoài như Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Nga… Như vậy, về mặt tư liệu cũng như kết quả nghiên cứu chúng ta không được hoàn toàn chủ động, không có điều kiện điều tra, nghiên cứu lặp lại.

Thiếu trang thiết bị và điều kiện tài chính khiến nước ta chưa thể tiến hành nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản ngoài biển xa mà chỉ làm được ở những vùng ven bờ, nơi có độ sâu 30 m nước trở lại. Cũng vì lí do này nên những công trình mang tính chất điều tra, nghiên cứu chuyên sâu như tìm ra các quy luật ở Biển Đông, tương tác biển, dự báo thiên tai, an toàn cảng biển, phát hiện mỏ khoáng sản mới phục vụ an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế biển còn rất hạn chế.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các nhà khoa học, khi tiếp cận với các nền khoa học tiên tiến trong hợp tác kinh tế, vấn đề chuyển giao khoa học kỹ thuật, đầu tư thiết bị công nghệ cao để khai thác hiệu quả (trừ một số ngành kinh tế mũi nhọn như dầu khí), còn rất hạn chế. Nhiều ngành kinh tế biển vẫn đang khai thác bằng phương pháp truyền thống hiệu quả thấp là chủ yếu.

Một số công trình điều tra, đánh giá cơ bản của chúng ta cũng đã và đang được thực hiện, song việc tiêu chuẩn hoá phương tiện ngay từ ban đầu còn yếu nên kết quả không cao, tính ứng dụng kém, thông tin sao chép nhiều và đặc biệt là không có giá trị về mặt pháp lý khi tiến hành đàm phán, thương thuyết với các đối tác nước ngoài.

Trong khi đó, một số lĩnh vực quan trọng để phát triển nền kinh tế biển trong phạm vi thềm lục địa của Việt Nam còn “bỏ ngỏ” và chưa được xem là một dạng tài nguyên như nghiên cứu địa chất công trình đáy biển, địa chất khảo cổ học, nghiên cứu khôi phục lại cổ địa lý, cổ đại dương học, sự tiến hóa của thềm lục địa làm bài học để hướng về tương lai.

Nguồn năng lượng vô tận từ đại dương đã được các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu ứng dụng làm tiền đề xây dựng nền công nghiệp biển như năng lượng gió, mặt trời, băng cháy hay công nghệ chế biến, công nghệ khai thác cũng không có những công trình nghiên cứu cơ bản, tạo điều kiện thuận lợi cho kêu gọi đầu tư cũng như phát triển nền kinh tế từ lĩnh vực này.

Đặc biệt, còn thiếu một công trình nghiên cứu khoa học về chính sách, xã hội biển mang tầm chiến lược, làm “điểm tựa” cho sự phát triển bền vững biển và hải đảo. Đâu đó, cũng đã có những công trình nghiên cứu nhưng vụn vặt, không toàn diện, không đồng bộ.

Hiện, chúng ta chưa có tài liệu quy hoạch, khai thác, sử dụng vùng biển đảo. Công việc quản lý biển đảo lâu nay vẫn chỉ dựa vào Luật Đất đai và một số luật ngành như Thủy sản, Hàng hải…. Như vậy, công cụ pháp lý để quản lý nhà nước trong lĩnh vực này còn rất mờ nhạt.

Nguyên nhân lớn nhất dẫn tới những “khoảng trống” trong nền khoa học công nghệ biển Việt Nam là thể chế để quản lý ngành còn chưa thống nhất, chưa tạo thành sức mạnh tổng hợp. Những vấn đề khác như thiếu cơ sở đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư trang thiết bị, xây dựng cơ sở dữ liệu… làm cho nền khoa học công nghệ biển Việt Nam thiếu và yếu.

Công trình khoa học “Chiến lược khoa học công nghệ biển đến năm 2020” đã phát hiện được những vấn đề còn tồn tại, chỉ ra những “khoảng trống” cần phải “lấp đầy” và đưa ra tư duy để tiếp tục phát triển. Vì vậy, đây là những viên gạch đầu tiên để xây dựng nền móng vững chắc cho ngành công nghiệp biển nước ta phát triển bền vững.