Quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ Phú Ninh: Nhiều lỗ hổng!

ThienNhien.Net – Đã có cơ chế phối hợp giữa chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ  Phú Ninh, song tình trạng chặt phá và xâm hại đất rừng vẫn chưa ngăn chặn được. Vì sao?

Tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép vẫn phức tạp ở lưu vực rừng phòng hộ Phú Ninh
Tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép vẫn phức tạp ở lưu vực rừng phòng hộ Phú Ninh

Không quản nổi! 

Lưu vực rừng phòng hộ Phú Ninh bao bọc 9 xã thuộc hai huyện Phú Ninh và Núi Thành với diện tích tự nhiên 23.409ha. Trong đó, đất có rừng 6.722ha, đất chưa có rừng 10.912ha, đất khác 5.775ha. Ngoài việc đi lại quanh lưu vực bằng đường bộ, người dân còn sử dụng ghe xuồng lưu thông khá phổ biến. “Lâm tặc” thường lợi dụng tuyến đường thủy để vận chuyển gỗ lậu, dễ qua mắt sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Điều làm cho lực lượng kiểm lâm, chính quyền sở tại “đau đầu” thời gian qua là tình trạng xâm lấn đất rừng trái phép nơi đây rất phức tạp. Giá gỗ keo nguyên liệu tăng cao, trong khi đất sản xuất hạn chế nên người dân đã bất chấp xâm hại rừng. Phá rừng chiếm dụng đất không phải vì bức xúc về nhà ở, đất canh tác mà để có đất trồng keo, sắn, sau đó sang nhượng đất bất hợp pháp.

Thực tế, trong lưu vực rừng phòng hộ Phú Ninh hiện nay tồn tại hai loại rừng do Nhà nước và nhân dân trồng. Ranh giới rừng do ai sở hữu cũng xác định rất mơ hồ khiến người dân mạnh ai nấy lấn chiếm. Theo thống kê, tại xã Tam Đại (Phú Ninh) – nằm trong lưu vực lòng hồ, có ít nhất 50 hộ dân thuộc các thôn Long Sơn, Đại Hanh, Đại An sở hữu hàng chục héc ta rừng trồng. Đất rừng của Nhà nước và người dân kề sát nhau. Trong một văn bản trước đây có quy ước, nước chảy về khu vực dân cư thì rừng trồng đó thuộc về dân; ngược lại, nước chảy về hướng lòng hồ là của… Nhà nước. Thế nhưng, giữa núi rừng trùng điệp, tính pháp lý của sự phân định ấy hầu như đã bị… vô hiệu hóa. Việc cắm mốc phân biệt ranh giới hầu như không được triển khai do thiếu kinh phí. Lợi dụng sự buông lỏng quản lý, một số đối tượng đã xâm lấn vào lâm phận của rừng phòng hộ để mở rộng diện tích trồng keo.

Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh, từ năm 2008 đến nay, lưu vực lòng hồ xảy ra 88 vụ lấn chiếm đất rừng với hơn 116ha, tịch thu hơn 568m3 gỗ trái phép. Cơ quan chức năng tạm giữ 134 xe máy các loại; tịch thu 69 xe đạp thồ, xe bò và 12 thuyền máy, cưa máy. Ngoài ra, kiểm lâm phá hủy hàng trăm ghe nan, dụng cụ, phương tiện dùng để phá rừng, đào đãi vàng trái phép. Tổng số tiền xử phạt hơn 485 triệu đồng…

Tại xã Tam Sơn (Núi Thành) có khoảng hơn 2.300ha rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh quản lý, cùng với đó Nhà nước đã giao 1.200ha rừng cho dân quản lý, sử dụng. Vậy nhưng, có không ít khoảnh, tiểu khu trong lưu vực lòng hồ đã bị khai thác trái phép. Phó Chủ tịch UBND xã Tam Sơn – ông Lê Bá Tri thẳng thắn thừa nhận, từ năm 2008 đến nay, địa phương bất lực, quản không nổi. “Người dân mang tâm lý so bì địa phương kế bên phá rừng được thì làng mình cũng có cái quyền tương tự. Thực tế, bộ phận người dân vẫn sống phụ thuộc vào rừng. Địa phương nhiều lần truy quét nhưng đâu lại hoàn đấy, do thẩm quyền có hạn, thiếu công cụ hỗ trợ” – ông Tri nói. 

Ai giữ rừng? 

Chuyện phá rừng, lấn chiếm diện tích lưu vực rừng phòng hộ Phú Ninh xuất hiện dai dẳng nhiều năm, song chính quyền, ngành chức năng chưa giải quyết triệt để hậu quả và tìm được “tiếng nói chung” trong giải pháp ngăn chặn. Đơn cử như việc “thả nổi” quản lý thuyền máy, ghe nan hoạt động trong lưu vực lòng hồ. Lãnh đạo tỉnh đã ban hành hàng loạt văn bản tăng cường kỷ cương, kỷ luật quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ Phú Ninh, cấm ghe thuyền qua lại trên hồ nhưng các phương tiện vẫn ung dung qua lại, hỗ trợ đắc lực cho “lâm tặc” phá rừng.

Theo quan sát của chúng tôi, tại bến đò thôn 1 (xã Tam Lãnh, Phú Ninh) có hơn 10 ghe xuồng của người dân đánh cá, kết hợp vận chuyển gỗ trái phép. Trong khi đó, tại các thôn nằm ngay trong lưu vực như Long Sơn, Đại Hanh, Đại An (xã Tam Đại) thì có đến cả trăm ghe nan núp bóng đánh cá để chở gỗ lậu. Vào ban đêm, các phương tiện này “xuống nước” đưa gỗ lậu về nơi tiêu thụ, ban ngày thì cất giấu trong rừng, hoặc ở nhà. Biết hầu hết xuồng nan hoạt động bất hợp pháp nhưng ngành chức năng không thể tịch thu, hoặc phá hủy được, trừ khi bắt quả tang đang chở gỗ lậu. Tinh thần chỉ đạo của tỉnh là cấm tuyệt đối ghe thuyền qua lại trên lòng hồ, trừ phương tiện đăng ký hợp pháp, nhưng thực tế đến nay không có một chiếc xuồng nan nào ở Núi Thành và Phú Ninh làm thủ tục đăng ký.

Hiện trong lưu vực lòng hồ có nhiều đơn vị quản lý, sử dụng đất rừng như Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh, Đồn Công an Phú Ninh, Công ty Giống thủy sản, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Phú Ninh, Công ty CP Du lịch Hùng Cường, chính quyền các xã…

Ông Nguyễn Xuân Phước – Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh cho rằng, do các cơ quan phối hợp thiếu đồng bộ, có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, chưa thống nhất trong thu hồi và xử lý rừng trồng trên đất lấn chiếm, tạo điều kiện cho đối tượng khai thác, vận chuyển và tiêu thụ gỗ trót lọt.

“Lỗ hổng” lớn ở rừng phòng hộ Phú Ninh là thiếu hồ sơ quản lý đất rừng chặt chẽ. Người dân có tâm lý cứ lấn chiếm, trồng cây rồi sẽ được sở hữu đất rừng. Nhiều vụ lấn chiếm đất rừng ngành kiểm lâm làm hồ sơ, thủ tục chuyển sang cơ quan khác đúng thẩm quyền nhưng lại bị “chìm xuồng”. Đây là nguyên nhân khiến bộ phận người dân không từ bỏ tư tưởng xâm lấn rừng.

Trên thực tế, quy định của pháp luật đã rõ ràng; cơ chế phối hợp, ký kết giữ rừng giữa các địa phương, ban ngành, đơn vị đã ban hành nhưng vẫn chưa triển khai đến nơi đến chốn. Chính quyền một số xã thừa nhận, 3 lực lượng kiểm lâm địa bàn, dân quân tự vệ và công an xã đã không làm tròn nhiệm vụ giữ rừng. Địa phương còn cho biết, do thiếu công cụ hỗ trợ, thiếu kinh phí hoạt động, thẩm quyền hạn chế nên khó giữ được rừng. Trong khi đó, ngành kiểm lâm lại bảo, trách nhiệm không nhỏ thuộc về chính quyền.

Về giải pháp giữ rừng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – ông Nguyễn Thanh Quang cương quyết cho rằng, không có lý do gì để tồn tại các phương tiện thuyền máy, xuồng nan hoạt động bất hợp pháp trong lòng hồ. Trách nhiệm của kiểm lâm địa bàn là truy tìm cho ra chủ các phương tiện đó. Chính quyền không thể dung túng, dễ dãi xử lý xuê xoa được. Quan điểm của sở là chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép. “Tôi yêu cầu ngành chức năng không xét cấp đất, không cho khai thác, không xác định nguồn gốc lâm sản trên diện tích trồng rừng trái phép. Các đơn vị phối hợp với chính quyền cùng vào cuộc để giữ rừng, nhưng ngành kiểm lâm phải là tổng chỉ huy bảo vệ rừng phòng hộ Phú Ninh” – ông Quang nói.