Tốn tiền tỷ để nước cuốn trôi

ThienNhien.Net – Giải pháp tạm thời cho vụ kiện đòi nước của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đối với lãnh đạo Nhà máy Thủy điện Đăkmi 4 là chặn dòng Quảng Huế bằng bao cát, hướng nước vào sông Ái Nghĩa đổ về Đà Nẵng. Kinh phí dành xây đê chặn dòng trên dưới 1 tỷ đồng và đến mùa lũ thì đê tạm này được xử lý cho cuốn theo dòng nước.

Đập chính thủy điện Đăkmi 4 cắt toàn bộ nước Vu Gia chuyển qua Thu Bồn (Ảnh:Nam Cường/Tiền Phong)
Đập chính thủy điện Đăkmi 4 cắt toàn bộ nước Vu Gia chuyển qua Thu Bồn (Ảnh:Nam Cường/Tiền Phong)

Ngày 9/4, ông Huỳnh Vạn Thắng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng cho hay, sau cuộc họp giải quyết vụ đòi nước từ Nhà máy Thủy điện Đăkmi 4 giữa Đà Nẵng và Quảng Nam trước sự chứng kiến của Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bên thống nhất tạm thời sẽ chặn dòng Quảng Huế để việc chặn dòng giải quyết ngay việc khô hạn trước mắt cho dân Đà Nẵng và một số xã của Đại Lộc, Điện Bàn (Quảng Nam). “Dù giải pháp nào đi nữa thì tất cả chỉ là tạm thời”, ông Thắng nhấn mạnh.

Ngay sau cuộc họp căng thẳng trên, 2 địa phương đã ngồi lại với nhau triển khai công tác chống hạn. Ông Hoàng Thanh Hòa – Phó Chi cục Thủy lợi và PCLB TP Đà Nẵng cho biết, mục đích của việc ngăn sông Quảng Huế là để trả nước về sông Ái Nghĩa, nguồn cung cấp 80% nước cho Đà Nẵng. Bởi trước khi có Nhà máy Thủy điện Đăkmi 4 thì nước từ hệ thống sông Vu Gia đổ về Thu Bồn thông qua sông Quảng Huế tại địa phận huyện Đại Lộc chỉ 20%, còn lại chảy về sông Ái Nghĩa. Sau khi đập thủy điện Đăkmi 4 chặn dòng Vu Gia, lượng nước chảy qua sông Quảng Huế tăng lên 60%, chỉ còn 40% chảy về sông Ái Nghĩa.

“Không thể làm đập kiên cố vì tốn rất nhiều tiền và toàn bộ hệ thống thủy lợi hạ nguồn sẽ bị thay đổi theo hướng tiêu cực”

Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thành phố Đà Nẵng

Trong khi đó, cả mùa mưa năm 2012, trên lưu vực sông Vu Gia lượng mưa chỉ đạt 40% lượng mưa trung bình nhiều năm. Bởi vậy, sông Ái Nghĩa, nguồn cung cấp 80% lượng nước cho Đà Nẵng bị cạn kiệt và nhiễm mặn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất nước sinh hoạt cho người dân.

Theo ông Thắng, việc xây đập ngăn sông Quảng Huế dù là tạm thời cũng bắt buộc phải lập dự án và công việc này hiện do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm trách.

Tại cuộc họp giữa lãnh đạo Đà Nẵng và Quảng Nam dưới sự chủ trì của đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Nhà máy thủy điện A Vương và chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Đăkmi 4, tất cả đều cam kết xả nước đúng như yêu cầu của các địa phương, nhưng phớt lờ chuyện chi trả kinh phí cho việc chống hạn mà lỗi phần lớn do họ gây ra.

Một sự vô lý khác nữa là, Nhà máy Thủy điện Đăkmi 4 gây ra hậu quả thiếu nước nhưng chủ đầu tư lại đứng ngoài việc xây đê chặn dòng.