Có thể chim di trú mang virus H7N9 đến Trung Quốc

ThienNhien.Net – Ngày 7/4, một chuyên gia của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết các con chim di trú có thể đã mang virus cúm gia cầm H7N9 vào Trung Quốc.

Cục trưởng Cục Thú y thuộc Bộ Y tế Trung Quốc, Yu Kangzhen nhận định mặc dù nguồn gốc lây nhiễm và cách thức truyền bệnh vẫn chưa rõ, những không thể loại trừ khả năng chim di trú đã mang virus H7N9 vào Trung Quốc.

Theo bác sĩ Yu, những virus này chủ yếu được tìm thấy tại các khu chợ bán gia cầm sống chứ không phải ở các trại chăn nuôi gia cầm, đồng thời cũng chưa phát hiện ở lợn. Ông lưu ý rằng hầu hết các trường hợp lây bệnh được phát hiện ở Thượng Hải, song cũng có khả năng virus này sẽ lan rộng hơn.

Gia cầm ốm chuẩn bị đem tiêu hủy tại một chợ ở Thượng Hải ngày 5/4 (Ảnh: AFP/TTXVN)
Gia cầm ốm chuẩn bị đem tiêu hủy tại một chợ ở Thượng Hải ngày 5/4 (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cùng ngày, Sở Y tế tỉnh An Huy đã xác nhận thêm một trường hợp nhiễm virus H7N9, nâng tổng số ca nhiễm loại biến thể cúm gia cầm này ở Trung Quốc lên con số 21.

Bệnh nhân là một người đàn ông 55 tuổi, làm việc trong lĩnh vực buôn bán gia cầm, bắt đầu xuất hiện các triệu chứng cúm hôm 28/3 và được đưa đến bệnh viện thành phố Bạc Châu hôm 1/4 sau khi tình trạng xấu đi.

Theo VietNamPlus, 08/04/2013

Trung Quốc xác nhận thêm 2 trường hợp nhiễm H7N9 

Ngày 7/4, thành phố Thượng Hải của Trung Quốc tiếp tục ghi nhận những trường hợp nhiễm cúm gia cầm H7N9 mới. Hai bệnh nhân vừa được xác nhận gồm một cư dân Thượng Hải và người còn lại đến từ tỉnh An Huy.

Trong khi đó, chính quyền thành phố tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực ngăn chặn dịch cúm nguy hiểm này lây lan bằng các biện pháp như tẩy trùng trường học.Hai người đàn ông nói trên, 67 và 59 tuổi, đã có các triệu chứng cúm từ cuối tháng Ba và được chẩn đoán viêm phổi.

Điều tra sơ bộ cho thấy có sáu người đã tiếp xúc với họ, nhưng hiện không có ai có biểu hiện cúm.

Như vậy, tính đến 17 giờ ngày 7/4 (giờ địa phương), tại Thượng Hải có 10 ca nhiễm cúm H7N9, trong đó bốn người đã tử vong, sáu người khác đang được cách ly điều trị.

Chính quyền đã đặt 194 người từng tiếp xúc với 10 bệnh nhân nói trên dưới sự giám sát y tế chặt chẽ. Hai người trong đó có triệu chứng, nhưng đã được loại trừ nguyên nhân cúm gia cầm.

Tính trên cả nước, Trung Quốc có tổng cộng 20 trường hợp, trong đó sáu trường hợp đã tử vong.

Để ngăn chặn sự lây lan của virus nguy hiểm này, chính quyền Thượng Hải đã ra lệnh thiêu hủy 98.000 con gia cầm.

Từ ngày 7/4, chiến dịch ngăn chặn dịch cúm gia cầm đã được đẩy mạnh bằng biện pháp tẩy trùng các trường học, tiếp tục đóng cửa các chợ bán gia cầm sống.

Bộ Giáo dục Trung Quốc ra lệnh cho tất cả các trường học trên cả nước phải đảm bảo sức khỏe của học sinh, sinh viên và thầy cô giáo bằng cách đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm và theo dõi các triệu chứng bệnh.

Theo TTXVN, 07/04/2013

 

Bộ y tế kiểm tra việc phòng chống dịch H7N9

Chiều 6/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đến kiểm tra khả năng đáp ứng công tác khám và điều trị bệnh nhân của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trước nguy cơ dịch cúm A/H7N9 xâm nhập vào nước ta.

Theo báo cáo của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, để chủ động đối phó với dịch cúm A/H7N9 có thể xảy ra, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã xây dựng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị trình Bộ Y tế phê duyệt, thành lập 2 đội cấp cứu chống dịch ngoại viện và đang chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị để có thể thu dung điều trị và chăm sóc bệnh nhân, đặc biệt khi đại dịch xảy ra sẽ mở rộng khu vực khám bệnh, lắp đặt thêm khu vực cách ly bệnh nhân.

Đồng thời, Bệnh viện cũng chuẩn bị sẵn sàng dụng cụ xét nghiệm, chẩn đoán cúm A/H7N9 ngay tại bệnh viện. Với những dụng cụ này, Bệnh viện đã xét nghiệm cho 3 bệnh nhân viêm phổi nặng nhưng chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm cúm A/H7N9. Hiện Bệnh viện có 3.000 viên thuốc Tamiflu, 23 máy thở, 2 máy lọc máu, 8 nghìn khẩu trang phẫu thuật, 250 bộ khẩu trang kháng vius và trang phục phòng hộ.

Ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện cho biết, hiện Bệnh viện đã làm việc trực tiếp với các cơ quan chức năng của Hà Nội, nhất là Hải quan, để khi phát hiện các ca nghi nhiễm trong cộng đồng, sẽ đưa thẳng đến viện. Nếu có quá đông bệnh nhân thì Bệnh viện sẽ có phương án 2 là điều trị bệnh nhân nặng tại Bệnh viện còn bệnh nhân nhẹ sẽ chuyển về các bệnh viện vệ tinh tại Hà Nội như Thanh Nhàn, Xanh-pôn, Đức Giang, Đống Đa…

Kiểm tra thực tế tại các khoa, phòng của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu Bệnh viện được chọn là một trong những cơ sở tiếp nhận và điều trị những ca bệnh đầu tiên nên mọi mặt chuẩn bị cần chu đáo và sẵn sàng. Bệnh viện cần làm các thủ tục để mua thêm máy thở, máy lọc máu và cơ số thuốc dự trữ. Lọc máu hoàn toàn là kỹ thuật mới của Bệnh viện nên cần đào tạo cho các y, bác sỹ sử dụng thành thạo. Bệnh viện cũng cần tập huấn quy trình điều trị cho các bệnh viện vệ tinh tuyến dưới.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị Bệnh viện nên đưa ra từng nấc của phác đồ điều trị. Có thể ban đầu điều trị bằng Tamiflu nhưng sau đó nếu có những diễn biến lâm sàng nào khác thì sẽ chuyển phác đồ hoặc đa hóa trị liệu.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng yêu cầu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bên cạnh việc phòng ngừa chủng cúm A/H7N9, không nên chủ quan với các chủng cúm khác. Trong ngày 28/3 vừa qua, Bệnh viện này tiếp nhận 1 ca nhiễm cúm A/H1N1 với triệu chứng viêm phổi nặng ở Văn Yên, Yên Bái. Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân nam 46 tuổi đã tử vong.

5 khuyến cáo phòng chống cúm A/H7N9 

Trước nguy cơ dịch cúm A/H7N9 có thể xâm nhập vào nước ta, Bộ Y tế vừa đưa ra 5 khuyến cáo đối với cộng đồng.

1. Thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.

2. Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn thực phẩm.

3. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

4. Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

5. Người trở về nước từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.

Theo Hải Hà/Chinhphu.vn, 06/04/2013