ThienNhien.Net – Số báo ra ngày 1/4/2013, Đầu tư Tài chính có bài viết: “Mũi Kê Gà bao giờ cất tiếng gáy?”, trong đó có nêu nguyện vọng các chủ dự án (DA) resort nằm trong khu vực quy hoạch cảng Kê Gà, cũng như trách nhiệm của UBND tỉnh Bình Thuận và Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV). Luật sư Nguyễn Mạnh Hiến (Đoàn Luật sư TPHCM) đã có bài viết phân tích vấn đề pháp lý liên quan đến quyền lợi 12 DA resort.
Thiếu cơ sở pháp lý thu hồi 12 DA resort
Tại phiên Họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 28/2/2013, trả lời báo chí về quyết định dừng đầu tư cảng Kê Gà cũng như tính hiệu quả DA bauxite Tây nguyên, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng DA mang tính thử nghiệm nên ngay từ đầu Chính phủ đã chỉ đạo chủ đầu tư, trực tiếp là TKV, triển khai theo phương châm vừa làm vừa nghiên cứu một cách cẩn trọng.
Trong đó, việc quy hoạch, đầu tư cảng và hệ thống vận tải đường bộ cũng là thành phần quan trọng. Khi triển khai thí điểm các DA, TKV đã khảo sát năng lực hiện có, khả năng đầu tư mở rộng và nhu cầu nguồn hàng, sao cho khoảng cách vận chuyển từ nơi khai thác, chế biến đến cảng gần nhất. Từ đó mới đi đến quyết định cần đầu tư cảng Kê Gà.
Như vậy, việc quy hoạch đầu tư xây dựng cảng Kê Gà chỉ mới là chủ trương nằm trong tổng thể DA bauxite Tây nguyên và mang tính thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm chứ chưa có sự nghiên cứu, khảo sát, phê duyệt cụ thể. TKV cũng thừa nhận đến nay DA mới dừng ở giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi.
Mặc dù chưa có sự phê duyệt chính thức DA cảng Kê Gà nhưng ngay từ năm 2007, UBND tỉnh Bình Thuận đã tiến hành thu hồi, dừng hoạt động 12 DA resort và hối thúc các chủ đầu tư giao đất cho TKV. Trong Văn bản 3377/UBND-ĐTQH ngày 31-8-2012, gửi các chủ DA resort, UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục khẳng định việc thu hồi các DA resort này đúng quy định pháp luật. Vì vậy, có 2 vấn đề cần làm rõ:
Thứ nhất, về cơ sở pháp lý thu hồi các DA resort, UBND tỉnh Bình Thuận căn cứ Văn bản 6055/VPCP-CN ngày 22-10-2007 của Văn phòng Chính phủ thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển Hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010; Quyết định 2190/QĐ-TTg ngày 24/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển Hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Văn bản 926/TTg-KTN ngày 9/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Bình Thuận thu hồi đất các DA du lịch để giao chủ đầu tư xây dựng cảng Kê Gà.
Tuy nhiên, tìm hiểu Văn bản 6055/VPCP-CN của Văn phòng Chính phủ không có nội dung nào đề cập đến quy hoạch và phê duyệt DA cảng Kê Gà. Cho đến năm 2009, Quyết định 2190/QĐ-TTg cũng chỉ phê duyệt quy hoạch chung phát triển Hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó có cảng Kê Gà.
Thực ra, việc thu hồi đất giao chủ đầu tư triển khai xây dựng DA cảng Kê Gà mới chính thức được Thủ tướng Chính phủ cho phép tại Văn bản 926/TTg-KTN. Như vậy, việc UBND tỉnh Bình Thuận thu hồi, dừng hoạt động các DA resort để giao đất cho TKV từ năm 2007 là không có cơ sở pháp lý.
Thứ hai, UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng đã thực hiện phù hợp Điều 6, Điều 11 Luật Đầu tư và không vi phạm Điều 15, Điều 38 Luật Đất đai. Bởi vì, UBND tỉnh Bình Thuận đã cho phép các chủ đầu tư DA resort được hoán đổi sang khu đất khác để đầu tư kinh doanh và phê duyệt phương án đền bù tài sản.
UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng lợi ích các chủ đầu tư resort đã được bảo đảm và tài sản nhà đầu tư được bồi thường thỏa đáng. Như vậy, trách nhiệm này phải thuộc UBND tỉnh Bình Thuận.
Yêu cầu hóa đơn, chứng từ là trái luật
Xét về thẩm quyền thu hồi đất theo quy định Luật Đất đai, UBND tỉnh Bình Thuận không sai trong việc thu hồi các DA resort.
Tuy nhiên, đối với tài sản đầu tư trên đất mà yêu cầu phải có hóa đơn, chứng từ kèm theo mới bồi thường là không phù hợp quy định của pháp luật. Điều 18 Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 3-12-2004 của Chính phủ quy định chủ sở hữu các tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi bị thiệt hại thì được bồi thường; Điều 19 Nghị định 197/2004/NĐ-CP và Điều 24 Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13-8-2009 của Chính phủ quy định đối với nhà, công trình xây dựng không phải là nhà ở của cá nhân, hộ gia đình thì mức bồi thường nhà, công trình bằng tổng giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại và khoản tiền tính bằng tỷ lệ phần trăm theo giá trị hiện có của nhà, công trình.
Như vậy, tất cả quy định của pháp luật về bồi thường tài sản khi Nhà nước thu hồi đất đều không quy định điều kiện để được bồi thường phải có hóa đơn, chứng từ.
Tại Quyết định 51/2007/QĐ-UBND ngày 24-9-2007 và sau đó Quyết định 28/2010/QĐ-UBND ngày 22-6-2010 của UBND tỉnh Bình Thuận ban hành “Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”, không có nội dung nào quy định điều kiện phải có hóa đơn, chứng từ của tài sản mới được bồi thường.
Theo thủ tục được quy định tại Điều 46 và Điều 47 của quy định này, người bị thu hồi đất có trách nhiệm kê khai tài sản gắn liền với đất đến tổ chức trực tiếp thực hiện bồi thường để thực hiện việc kiểm tra, xác định nội dung kê khai làm cơ sở cho bồi thường.
Điều kiện về hóa đơn, chứng từ thực chất là một kiểu “làm khó” các chủ đầu tư DA resort. Bởi vì trong quá trình đầu tư xây dựng, các chủ DA sử dụng nhiều hình thức thi công, trong đó có thể là hợp đồng thuê nhà thầu có tư cách pháp nhân để thi công, thuê lao động và các nhà thầu cá nhân tại địa phương, hoặc tự tổ chức thi công… Do đó, không phải trường hợp nào cũng đầy đủ hóa đơn, chứng từ.
Mạnh dạn kiến nghị hủy bỏ DA cảng Kê Gà
Mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận đã thống nhất với TKV lên phương án giải quyết đền bù thiệt hại cho 12 DA du lịch nằm trong vùng cảng Kê Gà, với số tiền lên đến 1.000 tỷ đồng. Trước đó, TKV cũng khẳng định việc dừng DA đầu tư xây dựng cảng Kê Gà sẽ có tác động tích cực hơn cho doanh nghiệp du lịch và người dân vùng DA, các doanh nghiệp sẽ lại tiếp tục được thực hiện DA của mình.
Ngày 3/4, TKV thông báo đã thành lập Hội đồng đền bù thiệt hại liên quan đến việc dừng dự án cảng Kê Gà. Đây là nội dung Vinacomin thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 1434/VPCP- KTN ngày 21/2/2013 về thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ cho các nhà đầu tư, các tổ chức, các hộ gia đình và cá nhân có đất liên quan đến việc dừng đầu tư cảng Kê Gà. Tỉnh Bình Thuận cũng đã thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại, bồi thường để giải quyết các tồn tại liên quan đến Dự án cảng Kê Gà. Hội đồng này có trách nhiệm lập phương án xử lý, trình các cấp có thẩm quyền làm cơ sở triển khai thực hiện. |
Thực ra, TKV đã cố tình không nhìn thẳng vào sự thật là trong hơn 5 năm qua các chủ DA resort này chưa được bồi thường về tài sản, cơ hội kinh doanh bị tước đoạt, bản thân và gia đình lâm vào cảnh nợ nần, phá sản.
Nếu được giao lại DA để tiếp tục đầu tư, kinh doanh chưa chắc các chủ đầu tư này có đủ khả năng tài chính để thực hiện DA. Bởi DA cảng Kê Gà hiện nay mới có thông báo “tạm dừng” xây dựng chứ chưa có quyết định chính thức hủy bỏ DA đầu tư xây dựng cảng. Một câu hỏi hiện nay nhiều nhà đầu tư đặt ra là có gì bảo đảm DA họ đã triển khai khi thực hiện xong không bị Nhà nước thu hồi như những DA resort tại Kê Gà?
Hiện nay, chủ đầu tư TKV đã khẳng định việc đầu tư DA cảng Kê Gà không có hiệu quả kinh tế. Để phục vụ việc vận chuyển sản phẩm của bauxite Tây nguyên trong tương lai đã có cảng Vĩnh Tân và cảng trung chuyển than khu vực phía Nam đang được lập DA xây dựng.
Về mặt kỹ thuật, các số liệu về điều kiện địa lý tự nhiên đã thể hiện sẽ không thuận lợi cho việc xây dựng cảng Kê Gà tại vị trí dự định. Vì những lẽ đó, UBND tỉnh Bình Thuận cần mạnh dạn đề nghị Chính phủ chính thức hủy bỏ chủ trương đầu tư xây dựng cảng Kê Gà càng sớm càng tốt.
UBND tỉnh còn có thể hỗ trợ các chủ đầu tư resort này trong giai đoạn khó khăn để đưa DA vào hoạt động bằng cách giảm bớt tiền thuê đất một thời hạn nhất định, tạo điều kiện cho các chủ DA được vay vốn lãi suất ưu đãi…
Luật sư Nguyễn Mạnh Hiến, Đoàn Luật sư TPHCM