Thế giới thiệt hại hàng ngàn tỷ đô mỗi năm do mất đa dạng sinh học

ThienNhien.Net – Đây là thông tin được bà Kim Thi Thúy Ngọc (Viện Chiến lược, Chính sách và Tài nguyên môi trường – ISPONRE) chia sẻ tại Hội thảo tham vấn “Lập bản đồ không gian và lượng giá các dịch vụ hệ sinh thái: Cách tiếp cận để lồng ghép dịch vụ hệ sinh thái vào quá trình đưa ra quyết định” diễn ra vào sáng 27/3 tại Hà Nội.

Cụ thể, bà Thúy Ngọc cho hay, nghiên cứu “Giá trị Kinh tế của các Hệ sinh thái và Đa dạng sinh học (TEEB) năm 2010” chỉ ra, mỗi năm, nền kinh tế thế giới thiệt hại khoảng 2 – 4.5 ngàn tỉ USD do mất da dạng sinh học.

Bên cạnh đó, các dịch vụ hệ sinh thái tuy có ảnh hưởng lớn tới sự thịnh vượng của nền kinh tế, nhưng đến nay vẫn thiếu một cơ chế định giá kinh tế để xác định chính xác sự tương tác giữa thay đổi sinh thái đối với phúc lợi của con người, cũng như việc xác định giá trị về mặt tiền tệ những lợi ích do các hệ sinh thái cung cấp.

Những quyết định quan trọng ảnh hưởng đến hệ sinh thái hiện có cũng thường không bao gồm vấn đề cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái.

Trong bối cảnh đó, những phương pháp lượng giá các dịch vụ hệ sinh thái đã được đề xuất, giúp lồng ghép dịch vụ hệ sinh thái vào quá trình ra quyết định.

Hội thảo nêu trên là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án Dự án toàn cầu “Dịch vụ hệ sinh thái” – được triển khai tại 4 quốc gia Chile, Việt Nam, Trinidad và Tobago, lưu vực sông Gariep (biên giới Nam Phi, Lesotho), do Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) làm chủ đầu tư.

Tại Việt Nam, dự án được triển khai tại hệ sinh thái rừng ngập mặn thuộc huyện Ngọc Hiển, Cà Mau, tập trung vào ba mô hình chính gồm: mô hình hấp thụ các-bon, mô hình tính toán tổn thương ven biển, và mô hình chống xói mòn ven biển.

Mũi Cà Mau hướng về phía tây, thuộc địa phận xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau (Ảnh: VnExpress)
Mũi Cà Mau hướng về phía tây, thuộc địa phận xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau (Ảnh: VnExpress)

“Nếu Việt Nam được chứng minh là thành công, Việt Nam sẽ tạo được dấu ấn trong một dự án toàn cầu” – Tiến sĩ Pushpam Kumar, Trưởng ban Kinh tế học các dịch vụ hệ sinh thái thuộc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (DEPI) khẳng định.

Dự kiến, thời gian tới, Viện Chiến lược Chính sách và Tài nguyên môi trường sẽ phối hợp với Ngân hàng Thế giới phát triển và nhân rộng mô hình này.

Theo định nghĩa của đánh giá thiên niên kỷ (MA), các dịch vụ hệ sinh thái là “những lợi ích con người đạt được từ các hệ sinh thái, bao gồm dịch vụ cung cấp như thức ăn và nước; dịch vụ điều tiết như điều tiết lũ lụt, hạn hán, suy thoái đất và bệnh tật; dịch vụ hỗ trợ như hình thành đất và chu trình dinh dưỡng; và các dịch vụ văn hóa như giải trí, tinh thần, tín ngưỡng và các lợi ích phi vật chất khác”.