Phục hồi rừng ngập mặn để ứng phó với biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Đây là một trong những dự án được đầu tư thực hiện của Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, được Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành và một số địa phương triển khai trong năm 2013.

Trong đó, dự án đặc biệt ưu tiên triển khai thí điểm trồng mới, phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn ven biển nhằm chống xâm thực, tăng cường khả năng phòng hộ, điều hòa khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái ven biển và tạo sinh kế cho người dân bản địa.

Ảnh minh họa: ThienNhien.Net
Ảnh minh họa: ThienNhien.Net

Thực tế cho thấy, bảo tồn rừng ngập mặn có giá trị to lớn về nhiều mặt trước sự đe dọa của biến đổi khí hậu, giúp giảm thiểu tới 50% năng lượng tác động của sóng biển, ngăn ngừa nước biển dâng cao, góp phần quan trọng bảo vệ dân cư cũng như hạ tầng cơ sở ven biển.

Từ năm 1994 đến nay, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được các tổ chức quốc tế hỗ trợ, đã phối hợp với các địa phương ven biển trồng 22.000 ha rừng ngập mặn. Qua đó có khoảng gần 8.000 gia đình được hưởng lợi trực tiếp và lâu dài từ nguồn thu hoạch thủy, hải sản do việc phục hồi rừng ngập mặn mang lại.

Mặt khác, những địa phương giữ được rừng ngập mặn, sự thiệt hại do bão gây ra không đáng kể so với các địa phương ven biển khác không còn rừng ngập mặn.

Bên cạnh đó, thông qua sự hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu của Chính phủ Đan Mạch, hai tỉnh được chọn thí điểm là Quảng Nam và Bến Tre đã triển khai một số mô hình thí điểm, đã xây dựng một số tuyến đê biển đi đôi với việc trồng mới, phục hồi hàng trăm ha rừng ngập mặn; xây dựng nhà đa năng phục vụ người dân ở những vùng thường xuyên bị thiên tai và công trình cấp nước ngọt ở những nơi có mức độ nhiễm mặn cao…

Cùng với tổng kinh phí 248,3 tỷ đồng của Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu trong năm 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã dự thảo kế hoạch phục hồi rừng ngập mặn trong cả nước đến năm 2015, với tổng kinh phí lên tới 1.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, vấn đề cấp thiết hiện nay là cần nâng cao nhận thức của người dân về những tác hại to lớn do biến đổi khí hậu gây ra, để cộng đồng dân cư tự giác tham gia trồng rừng; đồng thời thu hút sự nhập cuộc của các nhà khoa học, nhà quản lý xây dựng nên những kịch bản về thiệt hại kinh tế-xã hội nếu như rừng ngập mặn chậm được phục hồi.