Chủ tịch TP. Hà Nội khảo sát 2 khu công nghiệp

ThienNhien.Net – Sáng 14/3, đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã dẫn đầu Đoàn công tác của Thành phố làm việc và khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long và Khu công nghiệp Quang Minh I. 

Ban quản lý Khu công nghiệp và chế xuất (KCN&CX) cho biết, theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2020, định hướng 2030, thành phố Hà Nội có 33 KCN, KCN cao. Hiện đã có 19 KCN và KCN cao được Thủ tướng quyết định thành lập, trong đó, 08 KCN đã xây dựng và đang đi vào hoạt động, 02 khu đang xây dựng hạ tầng và chuẩn bị đầu tư. Về công tác nhà ở công nhân, hiện nay có 05 dự án nhà ở công nhân đang thi công xây dựng (một phần đã đưa vào khai thác sử dụng) với tổng công suất thiết kế trên 23.000 chỗ ở, đã hoàn thành được 8.388 chỗ ở và đã bố trí cho công nhân thuê được 8.082 chỗ.

Tổng số đầu tư mới và mở rộng năm 2012 ở các KCN của thành phố là 55 dự án với tổng số vốn đăng ký ước đạt 515 triệu USD, đạt 206% kế hoạch đề ra. Doanh thu năm 2012 của các KCN tăng trưởng khá, đạt trên 4,5 tỷ USD, chiếm trên 50% giá trị công nghiệp và đóng góp khoảng 20% GDP của toàn thành phố. Hiện, số lao động làm việc tại các KCN của thành phố là 132.068 người.

Các doanh nghiệp đều đã thực hiện tốt việc tăng lương tối thiểu do Chính phủ quy định; từ tháng 1/2013, tiền lương tối thiểu nhà nước quy định ở các KCN là 2.350.000 đồng, song các doanh nghiệp đều đã tăng trên 2.515.000 đồng. Các doanh nghiệp có nhiều lao động như Canon, Toto, Hoya, Nissei trả lương tối thiểu là 2.950.000 – 3.000.000 đồng/người/tháng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp đều trả các loại phụ cấp, trợ cấp cho người lao động từ 500.000 – 800.000 đồng/tháng. Thu nhập bình thường của người lao động tại các KCN Hà Nội hiện nay đều ở mức khá, dao động và ổn định từ 3.000.000 – 3.800.000 đồng/người/tháng, chưa kể tiền làm thêm ngoài giờ.

150313_TT_HanoiTại buổi làm việc, đại diện Ban quản lý KCN&CX và các doanh nghiệp có mặt đã kiến nghị thành phố sớm chỉ đạo đẩy nhanh phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện và quy hoạch phân khu 06 KCN đã được Thủ tướng cho phép, đang triển khai từ 5 năm trước đây để các chủ đầu tư thực hiện, gồm: KCN Bắc Thường Tín, Phụng Hiệp (huyện Thường Tín); giai đoạn 2 KCN Hỗ trợ Nam Hà Nội (Phú Xuyên); Khu công nghệ cao sinh học (Từ Liêm); Nam Phú Cát (Quốc Oai); KCN sạch Sóc Sơn. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch các KCN đã được UBND TP cho phép điều chỉnh quy hoạch nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng và thu hút đầu tư; đồng thời chỉ đạo việc lựa chọn tiêu chí để doanh nghiệp được hỗ trợ sát hơn với thực tế, nhiều doanh nghiệp thực sự được hưởng ưu đãi từ chính sách này.

Đại diện các doanh nghiệp thuộc KCN Quang Minh I kiến nghị TP sớm tổ chức hội nghị làm việc trực tiếp với huyện Mê Linh, Công ty xây dựng hạ tầng Nam Đức và gần 30 doanh nghiệp trong KCN Quang Minh I còn chưa đấu nối xả nước thải vào hệ thống chung của KCN, để xử lý theo yêu cầu và giải phóng mặt bằng cho 12 dự án tại KCN này…. Ngoài ra, đại diện Công ty Canon cũng đề nghị TP quan tâm tới đời sống tinh thần của công nhân tại KCN bằng các hình thức như xây dựng nhà văn hóa, rạp chiếu phim để công nhân được giải trí và có tâm lý thoải mái khi làm việc; bên cạnh đó quan tâm, nâng cấp hạ tầng xung quanh các KCN đã bị xuống cấp….

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã biểu dương các doanh nghiệp tại các KCN trong thời gian qua đã vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội cho TP. Điển hình như nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn nhưng vẫn mạnh dạn mở rộng đầu tư, nâng cao quy mô và đa dạng hóa sản phẩm; nhiều doanh nghiệp mặc dù phải giảm doanh thu, giảm lao động nhưng vẫn tích cực tìm kiếm thị trường để duy trì sản xuất. Nhân dịp này, Chủ tịch cũng hoan nghênh các cấp, các ngành của TP đã tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đặc biệt đã quan tâm đầu tư giải quyết nhà ở cho công nhân tại các KCN.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế tại 2 KCN Bắc Thăng Long và Quang Minh I, Chủ tịch đánh giá tình hình trước mắt sẽ còn nhiều khó khăn, đặc biệt là trong các vấn đề về thị trường, vốn và lãi suất ngân hàng, tiêu thụ sản phẩm, cơ chế chính sách trong quản lý… Chủ tịch cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ đã có Nghị quyết 02, TP đã có chương trình 22 và một loạt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, như duy trì 100 tỷ hỗ trợ lãi suất các ngành được ưu tiên, giãn thu tiền sử dụng đất, giảm lãi suất ngân hàng, hỗ trợ cho vay mua nhà xã hội… Chủ tịch đề nghị các doanh nghiệp cần nghiên cứu các cơ chế chính sách, Nghị quyết của Chính phủ và TP để xây dựng phương án hỗ trợ cụ thể.

Đồng thời, yêu cầu ngành Công thương sớm nghiên cứu các phương án xúc tiến thương mại; NHNN chi nhánh Hà Nội có các giải pháp hạ lãi suất; Sở Tài chính và Cục Thuế nghiên cứu thông tư của Trung ương để có phương án giãn thuế cho doanh nghiệp; Sở Quy hoạch kiến trúc và Sở Tài nguyên môi trường cần minh bạch hơn nữa trong vấn đề quy hoạch và đất đai để các doanh nghiệp tiếp cận sử dụng đất thuận lợi hơn… Riêng đối với khu nhà ở công nhân tại khu Kim Chung (Bắc Thăng Long), Chủ tịch yêu cầu các ngành khẩn trương khánh thành cầu vượt dành cho người đi bộ để phục vụ nhu cầu đi lại của công nhân tại đây, cùng với đó, sớm triển khai xây dựng tiếp các cầu vượt khác. Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu nhà ở khác cho công nhân, tăng cường duy tu bảo dưỡng nhà ở, đường xá đã bị xuống cấp, khẩn trương triển khai hạ tầng xã hội để đảm bảo đời sống tinh thần cho công nhân như nhà văn hóa, nhà trẻ, trạm y tế…

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, Thành phố luôn đồng hành và tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và mong muốn các doanh nghiệp phát huy năng động, sáng tạo để cùng đồng hành với TP trong phát triển kinh tế – xã hội.