Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: Tác động xấu là vô cùng lớn

ThienNhien.Net – Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A do Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư rất thu hút sự quan tâm của giới khoa học, các nhà quản lý bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường và người dân các tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước, Đắk Nông. Dưới đây là bài viết của TS. Phạm Hữu Khánh, người có 27 năm gắn bó với Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên, đăng trên báo Đồng Nai.

“Phá dòng chảy tự nhiên 

2 dự án thủy điện này nếu được triển khai xây dựng sẽ tác động trực tiếp đến dòng chảy của sông Đồng Nai, trước tiên là hệ sinh thái đất ngập nước ở VQG Cát Tiên. Đây là một dạng đất ngập nước ngọt nội địa điển hình ven sông độc đáo của Việt Nam, bao gồm các hệ thống phức hợp các bàu (đầm), suối, sông Đồng Nai.

Bàu Sấu là một trong những đại diện, được ví như là “trái tim” của VQG Cát Tiên. Các bàu nối với sông Đồng Nai bằng con suối Đắk Lua, tạo thành một hệ sinh thái mở. Dòng chảy của các bàu, suối theo quy luật tự nhiên giữa hai mùa mưa và mùa nắng, dựa vào dòng chảy của sông Đồng Nai.

Bàu Sấu (Vườn quốc gia Cát Tiên)
Bàu Sấu (Vườn quốc gia Cát Tiên)

Không chỉ có vậy, hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A còn ảnh hưởng trực tiếp đến lưu vực sông Đồng Nai, bao gồm: các yếu tố tự nhiên, các dạng tài nguyên, các hệ sinh thái và các điều kiện kinh tế – xã hội. Dự án chắc chắn sẽ làm thay đổi môi trường sinh thái dẫn đến các loài sẽ khó thích nghi với môi trường mới, làm thay đổi lượng chất dinh dưỡng trong nước và nước sông có nguy cơ bị ô nhiễm; ngoài ra còn làm tăng lượng trầm tích, thúc đẩy nhanh quá trình nâng dần đáy sông và đáy bàu. Việc thay đổi dòng chảy sẽ gây ngập úng vào mùa mưa và thiếu nước vào mùa khô ở vùng hạ lưu, làm biến dạng hình thái của sông, bàu. Một khi dòng chảy trái với quy luật tự nhiên sẽ gây nhiều hậu quả khó lường, như: xói mòn đất, sạt lở bờ sông, lũ quét…

Tác động tiêu cực của hai dự án thủy điện này còn làm mất đi sinh cảnh sống thích hợp của nhiều loài quý hiếm, thậm chí có nguy cơ tuyệt chủng. Nó cản trở sự di cư của một số loài thủy sinh (cá, tôm,…) từ hạ lưu lên và ngược lại, làm giảm tính đa dạng sinh học ở cấp độ quần thể và loài. Qua đó, sẽ cô lập các quần thể sinh vật trong hệ sinh thái nước ở phía trên và dưới đập, góp phần phá vỡ các hệ sinh thái, cấu trúc rừng nguyên sinh một cách nhanh chóng. Không đủ nguồn nước, các sinh vật sẽ không thể tồn tại, các bàu sẽ biến mất!

Vừa “đụng” luật, vừa làm nghèo dân 

Xét về góc độ kinh tế – xã hội, có thể thấy, triển khai hai dự án thủy điện dẫn đến sản xuất nông nghiệp của người dân trong vùng sẽ rất khó khăn do lượng nước ít, giảm nguồn lợi thủy sản và nước mặn sẽ xâm nhập vào sâu hơn. Nó còn chôn vùi di chỉ văn hóa Cát Tiên, ảnh hưởng đến không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, văn hóa bản địa của đồng bào các dân tộc ít người. Làm thiệt hại vĩnh viễn diện tích đất rừng khoảng 327 hécta, trong đó khoảng 137 hécta thuộc VQG Cát Tiên.

Cũng phải nhớ rằng, diện tích rừng bị xâm hại không phải là rừng nghèo, có nhiều cây gỗ quý như: cẩm lai, trắc, mun, kơ-nia, ba gạc, sâm cau, trà Camelia, một số loại cây họ gừng… Dự án cũng sẽ phá hủy thảm thực vật đặc trưng rất đa dạng và phong phú về thành phần loài; phá hủy sinh cảnh các loài động vật hoang dã và các loài chim (98 loài), họ trĩ (gà so cổ hung, gà so ngực gụ, gà tiền mặt đỏ, công, gà lôi trắng,…), hồng hoàng, niệc mỏ vằn…

Các loài động vật hoang dã, loài chim quý ở Vườn quốc gia Cát Tiên
Các loài động vật hoang dã, loài chim quý ở Vườn quốc gia Cát Tiên

Theo quan điểm bảo tồn đa dạng sinh học, các vùng đất ngập nước sẽ có giá trị nhiều hơn nếu giữ chúng ở trạng thái tự nhiên. Hệ sinh thái đất ngập nước rất nhạy cảm, dễ bị thay đổi và có khả năng đảo ngược nếu quản lý không thích hợp. Nếu các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A tiếp tục thực hiện, Bàu Sấu và các bàu lân cận có nguy cơ mất dần các giá trị và chức năng của các vùng đất ngập nước và sẽ biến mất.

Hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A còn phải tuân thủ luật pháp Việt Nam và các Công ước quốc tế, VQG Cát Tiên chịu sự điều chỉnh của Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Đa dạng sinh học, Luật Đất đai. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất VQG trên 50 hécta phải trình Quốc hội (Điều 9, Luật Đa dạng sinh học). Trường hợp quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đa dạng sinh học có sự chồng chéo hoặc trùng lắp, thì ưu tiên cho việc quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học.

Việc bảo tồn các vùng đất ngập nước quan trọng phải tuân thủ Nghị định 109/2003/NĐ-CP về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước. Cát Tiên còn là khu di tích quốc gia đặc biệt chịu sự điều chỉnh của Luật Di sản văn hóa; là khu dự trữ sinh quyển thế giới chịu sự điều phối của Ủy ban quốc gia UNESCO và MAB (Chương trình Con người và sinh quyển) thế giới; Bàu Sấu là khu đất ngập nước Ramsar chịu sự điều phối của Công ước quốc tế Ramsar.”