Khẩn thiết cứu loài voi

ThienNhien.Net – Liên tục trong thời gian gần đây, những vụ giết hại voi hoang dã và voi nuôi để lấy ngà, da, xương, lông đuôi voi đã gióng lên hồi chuông báo động về công tác bảo tồn, chăm sóc và nuôi dưỡng voi ở Việt Nam….

Săn bắn trái phép đe dọa sự tồn vong của voi 

Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm của đàn voi nhà là tình trạng khai thác sức voi quá mức; thiếu kinh nghiệm chăm sóc dinh dưỡng và sinh sản cho voi (Ảnh: Hải Nam)
Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm của đàn voi nhà là tình trạng khai thác sức voi quá mức; thiếu kinh nghiệm chăm sóc dinh dưỡng và sinh sản cho voi (Ảnh: Hải Nam)

Theo số liệu của Cơ quan Quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp tại Việt Nam (Cites Việt Nam) đưa ra trong báo cáo hồi đầu tháng 10/2012 cho thấy số cá thể voi Châu Á phân bố khắp nước ta đang suy giảm một cách nghiêm trọng trong vài chục năm qua. Từ những năm 1975-1980 của thế kỷ XX, số voi hoang dã tại Việt Nam là 1.500- 2.000 cá thể, đến năm 1995 – 2000 chỉ còn khoảng 100 – 150 cá thể phân bố ở 17 khu vực. Đặc biệt, từ năm 2006 đến nay ước tính cả nước chỉ còn khoảng 70 – 130 cá thể phân bố ở 10 khu vực. Nhiều vùng trước đây là nơi sinh sống thường xuyên của voi hoang dã như tỉnh Lai Châu (vùng Mường Tè) hay vùng giáp ranh Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Thuận, Đồng Nai nhưng đến nay không còn thông tin về sự xuất hiện của voi.

Đánh giá về sự suy giảm nhanh chóng của voi rừng, ông Ngô Lê Trụ – Vụ Bảo tồn Thiên nhiên (Tổng cục Lâm nghiệp) cho biết nguyên nhân là do diện tích rừng bị phá, chuyển đổi mục đích ngày càng tăng, thu hẹp khu vực sống của loài voi; voi đực bị săn bắn lấy ngà; người dân giết voi trong những cuộc xung đột giữa voi và người. Cùng với đó là phong tục bắt voi rừng thuần dưỡng thành voi nhà của người Tây Nguyên. Ngoài ra, hiện nay tổng số đàn voi nhà tại Đắk Lắk chỉ còn 51 con và nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm của đàn voi nhà là tình trạng khai thác sức voi quá mức; thiếu kinh nghiệm chăm sóc dinh dưỡng và sinh sản cho voi; bị bán đi nơi khác để kiếm lời; bị bắn trộm để lấy ngà, lông đuôi và xương voi,…

Đặc biệt, các chuyên gia của Vụ Bảo tồn và Cites Việt Nam đều cho rằng mối đe dọa nghiêm trọng dẫn tới sự suy giảm của voi thời gian gần đây chính là việc bắt và giết voi trái phép nhằm lấy các bộ phận như ngà, da, lông đuôi…để bán. Theo Vụ Bảo tồn Thiên nhiên, từ năm 2009 đến nay đã có ít nhất 18 con voi bị bắn chết tại Việt Nam. Một số vụ điển hình trong thời gian gần đây như vụ 2 con voi bị bắn chết tại Vườn quốc gia Pù Mát (Anh Sơn-Nghệ An) vào tháng 3/2011 hoặc ngày 25/8/2012 tại Vườn quốc gia Yok Đôn, lực lượng chức năng phát hiện 2 cá thể voi bị giết hại dã man để lấy ngà gây xôn xao dư luận. Vụ việc gần đây nhất là ngày 11/2/2013 vừa qua, tại Trung tâm Du lịch Bản Đôn (Đắk Lắk) một con voi cái được phát hiện đã chết trong tư thế đang bị xích chân và nguyên nhân ban đầu được xác định là do khai thác du lịch quá mức khiến voi kiệt sức mà chết.

Trước đây việc buôn bán ngà voi tại Việt Nam chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ với một nhóm đối tượng tiêu thụ là những người giàu có. Nhưng hiện nay nhu cầu tiêu thụ ngà voi ở nước ta đang tăng lên nhanh chóng, nhiều người mua ngà voi về để chơi vì coi đây là một trong những biểu tượng thể hiện đẳng cấp giàu có của mình. Một kết quả nghiên cứu, đánh giá thực trạng buôn bán trái phép ngà voi gần đây cho thấy giá ngà voi ở Việt Nam đang tăng mạnh. Một cặp ngà voi lớn có thể được bán với giá 50 – 100 nghìn USD, một chiếc nhẫn làm từ ngà voi cũng có giá lên tới 250 – 500 USD. Chính “cơn lốc” săn tìm ngà voi như vậy đã đẩy đàn voi tại Việt Nam đứng trước nguy cơ diệt vong.

ể có thể bảo tồn và phát triển bền vững đàn voi nhà cần có giải pháp thích hợp giữa khai thác du lịch và chăm sóc sức khỏe hợp lý cho voi (Ảnh: Ngọc Hà)
ể có thể bảo tồn và phát triển bền vững đàn voi nhà cần có giải pháp thích hợp giữa khai thác du lịch và chăm sóc sức khỏe hợp lý cho voi (Ảnh: Ngọc Hà)

Cần khẩn thiết “cứu” voi

Để bảo vệ và giúp loài voi không bị “xóa sổ” trước nạn săn bắn, giết hại, buôn bán mẫu vật liên quan, Việt Nam và quốc tế cũng đã có những quy định khá chặt chẽ, hoàn chỉnh trong việc quản lý, ngăn ngừa, xử lý vi phạm săn bắn, buôn bán ngà voi. Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật rừng hoang dã, nguy cấp (Cites) là một thỏa thuận quốc tế giữa các chính phủ được ký kết bởi 175 quốc gia nhằm đảm bảo việc buôn bán quốc tế mẫu vật các loài động, thực vật rừng hoang dã không đe dọa tới sự sinh tồn của chúng thì hầu như mọi hoạt động buôn bán sừng tê giác, ngà voi, các bộ phận hổ và các loài bị đe dọa tuyệt chủng khác đều bị coi là bất hợp pháp và nghiêm cấm.

Tại Việt Nam, voi là loài nằm trong nhóm IB Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý động, thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm, nghiêm cấm khai thác, vận chuyển, chế biến và sử dụng vì mục đích thương mại. Ngoài ra, việc buôn bán ngà voi trái phép sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự, đó là nếu buôn bán mẫu vật ngà voi có thể bị xử phạt từ 50-100 triệu đồng, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Thậm chí, nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội có tổ chức sẽ bị xử phạt từ 2-7 năm tù giam.

Để có thể bảo tồn, phát triển bền vững những quần thể voi hoang dã và voi nhà hiện có ở Việt Nam trong thời gian tới, các chuyên gia của Vụ Bảo tồn Thiên nhiên và Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) đều cho rằng việc trước mắt cần làm là tăng cường thực thi pháp luật nhằm ngăn chặn tình trạng giết hại voi. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 940/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn voi ở Việt Nam nên các cấp, các ngành cần khẩn trương phối hợp thực hiện Đề án đến năm 2020 để bảo tồn voi Châu Á tại Việt Nam.

Việt Nam là điểm trung chuyển lớn về ngà voi Từ năm 2004 đến nay Tổng cục Hải quan cùng các cơ quan chức năng tại Việt Nam đã phát hiện đã bắt giữ 26 vụ buôn bán và nhập lậu ngà voi, với tổng số ngà voi thu giữ được là hơn 23.000kg, tương đương khoảng 1550-4660 ngà của khoảng 775-2330 con voi (tính theo số cân nặng dự kiến là 5-15kg/ngà), phần lớn số lượng ngà voi bị bắt giữ có nguồn gốc từ các nước Châu Phi và đang trên đường vận chuyển sang Trung Quốc.